Doanh nghiệp phục hồi trong thế khó

DIỄM LỆ 22/06/2020 04:37

Sau cao điểm dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp (DN) trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sự hồi phục của DN chỉ mới bước đầu, họ vẫn đang nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bằng nhiều giải pháp, Công ty Đại Dương Kính đang duy trì việc làm cho người lao động dù công suất sản xuất giảm đáng kể. Ảnh: D.L
Bằng nhiều giải pháp, Công ty Đại Dương Kính đang duy trì việc làm cho người lao động dù công suất sản xuất giảm đáng kể. Ảnh: D.L

Bán giá sale, đổi mặt hàng

Sau 2 tháng cho lao động (LĐ) ngừng việc vì dịch bệnh, đến ngày 1.6.2020, Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) đã cho 570 LĐ làm việc trở lại. Để giải quyết hàng tồn kho không thể xuất khẩu, công ty chỉ còn cách chấp nhận yêu cầu giảm giá khá sâu của khách hàng từ châu Âu, Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hạnh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam cho biết: “Đối tác đồng ý mua hàng, nhưng với điều kiện phải giảm 50% so với đơn giá đã được ký kết từ đầu năm. Công ty rơi vào thế khó, bởi hàng xuất khẩu có cỡ rất rộng, người Việt Nam không thể mặc được nên cũng không thể giữ hàng để bán trong nước. Đối tác nói rằng họ mua qua bên đó để bán hàng sale cho các nhà làm từ thiện cần cung cấp áo quần cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Nếu công ty không xuất hàng theo đề nghị thì họ cũng không thể nhập hàng giá nào tốt hơn. Tính tổng chi phí thì công ty phải bán lỗ sản phẩm, nhưng không còn con đường nào khác, đành chấp nhận để giải tỏa hàng tồn kho”.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam đang cố gắng để người LĐ có việc làm trở lại, và cũng đang hết sức tìm kiếm những đơn hàng ở thị trường mới.

Dịch bệnh xảy ra, Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) bị ảnh hưởng khi hàng hóa không thể xuất khẩu được, sản xuất gián đoạn, người LĐ phải nghỉ việc 2 tuần chờ đơn hàng mới. Công ty chuyển sang sản xuất khẩu trang để xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ. Sự chuyển hướng này đã giúp công ty hồi phục được sản xuất sau khi xóa bỏ lệnh giãn cách xã hội.

Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết: “LĐ được đi làm lại, dù chỉ làm việc mỗi ngày 8 tiếng hoặc có thể ít hơn nhưng vẫn còn hơn không có việc làm. Việc sản xuất khẩu trang tại chỗ là phương án mà lãnh đạo công ty đã ứng phó nhanh, vừa giúp duy trì được hoạt động vừa giúp LĐ có việc làm. Đó cũng là may mắn khi sản xuất không bị ngưng trệ hoàn toàn. Chúng tôi đang cố gắng để hồi phục, dù chỉ bằng một nửa, hay khá hơn là 70% công suất của giai đoạn trước dịch bệnh”. 

Không thể xuất khẩu

Cố gắng hợp tác với các đối tác cung ứng sản phẩm là cách làm của Công ty Đại Dương Kính (Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên) để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hơn 500 LĐ vẫn duy trì được việc làm, dù không tăng ca, thu nhập không cao như thời điểm trước dịch bệnh, nhưng đó là sự cố gắng của lãnh đạo công ty để giúp người LĐ.

Bà Trần Thị Hiển - Giám đốc Công ty Đại Dương Kính cho biết: “Lúc này kính sản xuất ra chỉ cung ứng nội địa, không thể xuất khẩu qua thị trường truyền thống của công ty. Có thể duy trì được sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người LĐ là mừng rồi. Thời điểm nào có thể phục hồi như trước thì chưa thể biết được. Mà tình hình này có lẽ lâu, cũng phải đến cuối năm 2020. Trước mắt công ty cố gắng cung ứng sản phẩm nội địa, càng có nhiều đơn hàng càng tốt, để giúp người LĐ ổn định việc làm đến hết năm”.

Đối với Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung (Cụm công nghiệp An Lưu, Điện Bàn), hoạt động sản xuất đang dần hồi phục. Theo ông Lê Châu Khương - Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung, đến nay công ty hồi phục khoảng hơn 60% công suất sản xuất so với thời điểm trước dịch bệnh. Trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019, nhà máy đặt mục tiêu năm 2020 sản xuất hơn 5 triệu sản phẩm, trong đó xuất khẩu hơn 4,5 triệu sản phẩm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên năm nay công ty phải điều chỉnh mục tiêu chỉ sản xuất 2,2 triệu sản phẩm. Ít hàng để sản xuất, nguồn thu nhập của người LĐ bị giảm sút, nhưng họ hiểu được những khó khăn mà công ty đang đối mặt, nên thông cảm và đồng hành để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Khương nói: “Khi dịch bệnh được kiểm soát trong nước, công ty đã lên kế hoạch sản xuất trở lại, nhưng không thể hoạt động bình thường như trước kia. Người LĐ làm một ngày 8 tiếng, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Trước kia mỗi tháng sản xuất khoảng 300 nghìn sản phẩm thì bây giờ chỉ còn khoảng 170 nghìn sản phẩm. Trong tháng 6 và 7 này, công ty có thể xuất hàng sang Colombia, Trung Quốc, còn thị trường chủ yếu của công ty là châu Âu, Mỹ thì chưa thể xuất, các đơn hàng đều đang bị gác lại. Nếu các nước kiểm soát được dịch bệnh thì có thể đến hết tháng 9.2020 mới hy vọng có đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp phục hồi trong thế khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO