Giấc mơ từ kinh tế rừng

ALĂNG NGƯỚC 28/07/2020 05:38

Diện mạo sẽ dần được đổi khác khi các chính sách về ruộng - rừng, đất ở - đất sản xuất, du lịch - dịch vụ… lần lượt được định rõ với những dự án động lực bền vững, mở ra cơ hội phát triển mới cho huyện Tây Giang.

Một góc trung tâm huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc trung tâm huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Dưới tán rừng thiêng

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Lê Hoàng Linh nói với tôi, tất cả là nhờ có rừng. Rừng phủ rộng khắp Trường Sơn, dày đặc sinh cảnh kỳ thú, sẽ tạo lực hút du khách đến với Tây Giang. Thiên nhiên ban tặng cho Tây Giang lượng lớn rừng nguyên sinh, trải dài khắp bản làng đồng bào Cơ Tu, từ A Vương, Bha Lêê, Lăng… cho đến Ch’Ơm, Ga Ry với hàng nghìn héc ta rừng cây quý hiếm. Lợi thế từ “vốn quý” trong văn hóa làng Cơ Tu giúp địa phương giữ được cánh rừng già tự nhiên, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới, hình thành nên các điểm du lịch sinh thái đầy hấp lực.

Nhiều năm qua, bài toán sinh kế dựa vào rừng đã và đang tiếp tục được Tây Giang triển khai mở rộng, trở thành một trong những chiến lược kinh tế hiệu quả mà chính quyền và người dân địa phương tập trung hướng đến. Trong đó, lợi ích kinh tế dễ nhận thấy nhất những năm qua là ngoài các mô hình du lịch cộng đồng, còn có hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp dưới tán rừng. Đảng sâm, ba kích tím và một số loại dược liệu khác được trồng dưới tán rừng như “của để dành”, phủ rộng khắp cánh rừng già Tây Giang.

“Gần 860ha diện tích rừng đang được trồng các loại cây dược liệu này, sẽ là bài toán kinh tế chính để người dân phát triển, làm giàu. Trồng rừng gỗ lớn cũng đang được xây dựng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giảm tác động vào rừng tự nhiên” - ông Linh nói. 

Năm ngoái, lần thứ 2 lễ hội “Khai năm tạ ơn rừng” được chính quyền địa phương tổ chức quy mô toàn huyện. Rất đông du khách tìm đến, vừa để chứng kiến một lễ hội truyền thống đặc sắc bậc nhất của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, vừa để trải nghiệm các tour du lịch sinh thái ở vùng đất được mệnh danh “Sa Pa thứ 2” này.

Phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống gắn với bảo vệ rừng và rồng rừng gỗ lớn, Tây Giang kỳ vọng tất cả sẽ như một món ẩm thực hợp khẩu vị để níu chân du khách xa gần ở lại lâu hơn, trải nghiệm thú vị hơn với đặc sản của địa phương.

Ông Pơloong Plênh - cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang cho hay, rất nhiều du khách bày tỏ sự thú vị và ấn tượng khi đặt chân đến Tây Giang. Sau chuyến đi đầu tiên, có người liên tục trở lại, thậm chí đưa người thân, bạn bè cùng khám phá, trải nghiệm các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dưới tán rừng già. Những diện tích cây dược liệu, bây giờ không chỉ đơn thuần là mảnh vườn sinh kế của bà con, mà trở thành nơi đón chân du khách theo các tour du lịch trải nghiệm. Người dân sẽ hưởng lợi ích kép từ chính mảnh vườn sinh kế của mình” - ông Plênh cho biết.

“Cuộc cách mạng” lịch sử

Tây Giang đưa ra chiến lược phát triển kinh tế toàn diện được nhiều người đánh giá như một “cuộc cách mạng” lịch sử, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Người dân Tây Giang thu hoạch cây đảng sâm dưới cánh rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Người dân Tây Giang thu hoạch cây đảng sâm dưới cánh rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bh’ling Mia nói, đồng loạt chính sách về ruộng - rừng, đất ở - đất sản xuất, du lịch - dịch vụ… được ban hành, triển khai sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển, giúp từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Lợi thế về diện tích rừng tự nhiên và khí hậu mát mẻ sẽ là cơ sở để địa phương tiếp tục mở rộng quy mô trồng cây dược liệu dưới tán rừng; đồng thời hướng đến phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch khoa học và nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu của du khách. Khi giá trị sinh kế từ rừng được phát huy hiệu quả, người dân sẽ là chủ nhân đích thực để khai thác nguồn lợi bền vững, vừa hạn chế tác động vào rừng tự nhiên, vừa giúp làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong định hướng phát triển của địa phương, chỉ tiêu khai thác tiềm năng kinh tế từ rừng tiếp tục được chú trọng, xem đây là vốn sẵn có để tận dụng và phát triển. Ngoài trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, Tây Giang gắn khai thác tiềm năng nông - lâm nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng. Với hướng đi này, địa phương kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán về lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.

Lễ hội “Khai năm tạ ơn rừng”, ngoài bảo lưu giá trị văn hóa đặc sắc để cộng đồng nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ mẹ rừng, cũng là cơ hội để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, khám phá và trải nghiệm rừng cây di sản. Lấy văn hóa phát triển văn hóa, lấy văn hóa phát triển kinh tế và lấy văn hóa để giữ rừng là mục tiêu Tây Giang hướng đến trong chính sách phát triển kinh tế dựa vào rừng.

Dưới cánh rừng Tây Giang, vườn cây dược liệu đang được mở rộng ở cộng đồng dân cư. Nhiều sản vật trở thành sản phẩm OCOP của huyện, cơ hội đổi đời của người dân miền núi sẽ không còn xa...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ từ kinh tế rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO