Giải phóng sức lao động từ robot

TRIÊU NHAN 11/03/2020 13:56

Tại Quảng Nam, Công ty Vật liệu xây dựng (VLXD) Phan Ngọc Anh (Duy Xuyên) là doanh nghiệp tiên phong thí điểm đưa robot vào khâu bốc xếp nhằm giảm sức lao động, nâng cao hiệu suất công việc.

Robot được sử dụng để bốc xếp gạch tại Cơ sở sản xuất gạch Tuynel xã Duy Châu. Ảnh: TRIÊU NHAN
Robot được sử dụng để bốc xếp gạch tại Cơ sở sản xuất gạch Tuynel xã Duy Châu. Ảnh: TRIÊU NHAN

Mỗi năm, với 3 cơ sở sản xuất gạch tuynel trên tổng diện tích 15ha tại 3 xã Duy Châu, Duy Hòa và Duy Thu (Duy Xuyên), sản lượng gạch tuynel của Công ty VLXD Phan Ngọc Anh sản xuất đạt hơn 100 triệu viên. Những năm qua, các cơ sở sản xuất gạch tuynel của công ty đã nỗ lực ứng dụng máy móc, thiết bị cải tiến sản xuất, từng bước giảm bớt sức người, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm giá thành.

Năm 2019 - 2020, công ty tiếp tục đầu tư hệ thống robot bốc xếp gạch tự động nhập khẩu từ nước ngoài cùng với thiết bị, máy móc đi kèm như xe goòng, đường ray, hồi lưu, tời tự động, xe phà, lò nung. Năm 2019, cơ sở sản xuất gạch tuynel xã Duy Châu là cơ sở đầu tiên ứng dụng thí điểm hệ thống robot bốc, xếp gạch tự động phục vụ sản xuất gạch mộc giúp cơ sở tiết giảm tại chỗ hơn 20 lao động trực tiếp làm việc tại khâu bốc gạch, xếp gạch.

Theo các nhà chuyển giao công nghệ, việc áp dụng công nghệ tự động hóa sử dụng robot bốc xếp gạch tự động là xu thế tất yếu hiện nay. Đại diện Công ty TNHH H.I.S GROUP, một trong những đơn vị tư vấn, phân phối sản phẩm nhập ngoại cho hay, trong sản xuất gạch tuynel bằng đất đồi, cần chú trọng hơn nữa áp dụng công nghệ trong xử lý nguyên liệu. Đây là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm mà nhiều lò gạch tuynel trong nước bỏ qua hoặc không chú ý đến trước nay. Điều này dẫn đến tình trạng viên gạch bị cong vênh, co ngót khi sấy nung, biến dạng khi xếp, hay có bề mặt và chất lượng thẩm mỹ không cao, viên gạch khi đưa vào lò nung chưa cháy hết bị đen ở phần lõi đến 90%... 

Ông Nguyễn Văn Thiện, công nhân phụ trách tổ bốc xếp gạch tại cơ sở sản xuất gạch Duy Châu chia sẻ, nếu trước chưa có robot nhân công làm việc ở khâu bốc gạch và xếp gạch rất nhiều, mỗi ngày hoạt động 2 ca, mỗi ca có 2 tổ lên tới hơn 20 người/ca, nay đã giảm đi hơn 20 người.

Robot bốc gạch xếp gạch với mỗi lần bốc và xếp là 140 viên gạch nhờ được lập trình sẵn bộ nhớ từ phần mềm và phòng điều hành tại nhà máy. Nhờ đồng bộ công nghệ, máy móc, gạch được nén viên chặt hơn, rắn chắc và sắc cạnh, không bị méo mó, biến dạng. Robot có thể làm việc thường xuyên trong mọi điều kiện thời tiết nên không làm gián đoạn khâu sản xuất, nhất là khi nhà máy đẩy nhanh tiến độ ngày đêm.

Theo ông Phan Ngọc Anh - Giám đốc Công ty VLXD Phan Ngọc Anh, tùy theo cơ sở sản xuất gạch tuynel với công suất lớn hay nhỏ mà công ty tính toán, lắp đặt hệ thống robot phù hợp.

Sau cơ sở ở Duy Châu, công ty đang tiếp tục đầu tư hệ thống tại xã Duy Hòa; riêng cơ sở tại Duy Thu vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới mới tiến hành lắp ráp khi robot nhập từ nước ngoài về. Ước tính, chi phí đầu tư cải tiến sản xuất cho cả 3 cơ sở lần này hơn 30 tỷ đồng. Công nghệ dự kiến giúp công ty tiết giảm ít nhất 150 nhân công tại 3 nhà máy, giảm chi phí sản xuất.

“Đây là đợt cải tiến sản xuất lần thứ ba của công ty. Có sự can thiệp của robot, sức người được giải phóng. Một vài lao động trẻ đã được cho đi tập huấn, có thể điều khiển được robot ở phòng máy” - ông Anh nói.

Có thể thấy, ứng dụng công nghệ robot là xu hướng trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện nay. Với ngành sản xuất gạch tuynel tại Quảng Nam, đây là xu hướng mới trong khi đó nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã ứng dụng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, để nâng cao hiệu quả trong ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống robot cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về tình hình sản xuất, thẩm định công nghệ phù hợp với thực tế và từng bước ứng dụng thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, cải tiến công nghệ cho phù hợp với năng suất sản xuất và thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng sức lao động từ robot
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO