Nghiên cứu, đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại Cù Lao Chàm

HOÀNG LIÊN 14/07/2020 15:25

(QNO) - Ngày 13.7, Sở KH&CN nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại Cù Lao Chàm” do kỹ sư Huỳnh Ty (Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm) chủ nhiệm.

Nghề khai thác yến đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: H.
Nghề khai thác yến tại Cù Lao Chàm. Ảnh: H.L

Triển khai giai đoạn 2017 - 2019, đề tài đã trải qua 24 đợt nghiên cứu, tiến hành đánh giá lại hiện trạng đàn chim yến đảo tại Cù Lao Chàm; xác định nguyên nhân và các yếu tố tác động đến hiện tượng rơi trứng, rơi tổ, rơi chim yến non của đàn chim yến. Qua đó đề xuất các giải pháp hạn chế hiện tượng trên, đề xuất quy trình cứu hộ đàn chim yến.

Theo kỹ sư Huỳnh Ty, nhóm nghiên cứu chọn khu vực 3 hang yến lớn gồm hang Khô, Tò Vò, hang Cả để đặt camera; hệ thống sensor nhiệt, ẩm tại hang Khô, hang Tò Vò và nhà nuôi chim. Nhóm nghiên cứu còn dùng lưới mờ, vợt thu mẫu chim yến trưởng thành, lồng nhốt chim, bút xạ trắng, thước dây, thước panme, thước đo góc, dây dọi, kéo, máy ảnh, cân điện tử phục vụ nghiên cứu. Bên cạnh đó, sử dụng cồn 70 độ C để bảo quản mẫu thức ăn cho chim yến non; sử dụng dụng cụ phục vụ nuôi chim non gồm tổ giả, máy phun sương, đèn hồng ngoại, quạt gió, phanh gắp thức ăn.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình cứu hộ chim yến, bao gồm kỹ thuật thu chim yến non rơi tổ tại các hang nghiên cứu qua hệ thống giàn lưới hứng dưới đáy hang để đưa về nhà cứu hộ. Chim non được nuôi thí nghiệm tại nhà nuôi và tập bay tại nhà lưới được xây dựng liền kề với hang Mũi Dứa, đảo Cù Lao Chàm.

“Thành quả của đề tài là giai đoạn 2017 - 2019, nhóm nghiên cứu đã thu được tổng cộng 569 chim non rơi tổ tại 3 hang trên, lựa chọn 450 chim non đảm bảo điều kiện để nuôi thí nghiệm. Qua đó, nhóm kiến nghị, sau khi đề tài kết thúc, quy trình cứu hộ chim non rơi tổ cần được triển khai hằng năm để phát triển nhanh và bền vững quần thể yến đảo. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật kiểm soát được số lượng chim cứu hộ thả bay theo đàn cũng như dịch bệnh xảy ra trên đàn yến đảo, tính bảo thủ về nơi ở và sự di cư của đàn yến đảo, tỷ lệ tử vong và cấu trúc tuổi quần thể, vùng kiếm ăn và tác động của các yếu tố sinh thái đến vùng kiếm ăn của quần thể chim yến” - kỹ sư Huỳnh Ty kiến nghị.

Được biết, mỗi năm việc khai thác yến đảo do Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm, trực thuộc UBND TP.Hội An phụ trách. Mỗi năm, yến khai thác làm 2 chu kỳ, vào tháng 4 và tháng 8 dương lịch, cho sản lượng 600 - 1.000kg/năm. Yến sào Cù Lao Chàm được ví như “vàng trắng” của vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Trước nay, yến đảo phần lớn được xuất khẩu qua các thị trường truyền thống như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản dưới hình thức sản phẩm thô, đem lại doanh thu cho thành phố 60 - 100 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, “vàng trắng” cũng trải qua không ít biến động thị trường những năm 2012 - 2013 do nhu cầu nhập hàng từ Trung Quốc suy giảm. TP.Hội An đã có những nỗ lực trong việc khơi thông thị trường, bên cạnh xuất khẩu các mặt hàng cao cấp qua Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, một phần yến có giá vừa phải được đưa tới người tiêu dùng qua hệ thống các showroom, doanh nghiệp Hội An với giá dao động trên thị trường 8 - 14 triệu đồng/lạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu, đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO