Phát triển điện mặt trời áp mái: Cần tháo gỡ vướng mắc

HOÀNG LIÊN 04/10/2019 14:27

Đến nay đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, dù số khách hàng tăng cao trong thời gian gần đây nhưng việc phát triển ĐMTAM vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Hệ thống ĐMTAM được xem là nguồn năng lượng sạch cần phát triển, nhân rộng.
Hệ thống ĐMTAM được xem là nguồn năng lượng sạch cần phát triển, nhân rộng.

Theo ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), trong 9 tháng đầu năm 2019, số khách hàng đầu tư ĐMTAM tại Quảng Nam tăng gấp 17 lần so với năm 2018, tổng công suất lắp đặt tăng 30 lần. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, có 173 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTAM với tổng công suất là 1.741,7kWp. Tổng số tiền PC Quảng Nam đã thanh toán cho khách hàng có sản lượng ĐMTAM phát ngược lên lưới điện là hơn 203 triệu đồng. Riêng các dự án ĐMTAM tại trụ sở các điện lực, toàn tỉnh đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành 12 công trình với tổng công suất 311kWp.

Theo Bộ Công Thương, “Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam” đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 100.000 hệ thống ĐMTAM được lắp đặt, tương đương 1.000MWp sẽ được lắp đặt và vận hành toàn quốc. Bộ Công Thương ủy quyền Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức. Mục tiêu hỗ trợ khoảng 50.000 - 70.000 khách hàng là hộ gia đình trên toàn quốc lắp đặt ĐMTAM nối lưới. Các hộ gia đình lắp đặt sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/kWp. Chương trình hỗ trợ kéo dài từ 2019 - 2021.

Ông Lưu Đức Lợi thông tin, hiện Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển các dự án ĐMTAM tại Việt Nam, song việc phát triển ĐMTAM còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, sau ngày 30.6.2019, giá mua bán điện đối với các dự án ĐMTAM có ngày vận hành thương mại chưa được ban hành và xác định giá cụ thể. Việc mua bán điện ĐMTAM chỉ thực hiện ghi nhận sản lượng (đang dự thảo và dự kiến ban hành trong quý 4.2019). Giá đầu tư còn cao (18 - 22 triệu đồng/kWp). Chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích bằng tiền trực tiếp để khách hàng lắp đặt ĐMTAM (cơ chế hỗ trợ trước ngày 30.6 là đưa vào giá mua điện cho khách hàng). Về kỹ thuật, trường hợp mất điện lưới thì để hệ thống ĐMTAM hoạt động được phải đầu tư thêm hệ thống ắc quy lưu trữ nên tốn thêm chi phí đầu tư. Ngoài ra, do sử dụng năng lượng mặt trời nên khi thời tiết thay đổi đột ngột khả năng tác động đến độ hoạt động ổn định của hệ thống...

Ông Lợi chia sẻ thêm, PC Quảng Nam đang tiếp tục tổ chức tuyên truyền về ĐMTAM kết hợp tuyên truyền tiết kiệm điện bằng hình thức trực quan và tổ chức thi “Rung chuông vàng” vào giờ chào cờ hoặc sinh hoạt ngoại khóa tại một số trường THCS. Kết nối khách hàng với các nhà cung cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc đấu nối ĐMTAM vào lưới điện và ký kết hợp đồng mua ĐMTAM với khách hàng. Phấn đấu đạt kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Trung (CPC) giao năm 2019 là 2,5MWp. Tiến hành thanh toán tiền mua ĐMTAM cho khách hàng lắp đặt sau ngày 30.6.2019 khi Chính phủ ban hành giá mua bán điện đối với các dự án ĐMTAM. Hiện, CPC đang đầu tư lắp đặt ĐMTAM cho tất cả trạm biến áp 110kV, hoàn thành đấu nối và đưa vào vận hành cuối tháng 9.2019, trong đó có PC Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển điện mặt trời áp mái: Cần tháo gỡ vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO