Quá tải Nhà máy nước Ái Nghĩa

CÔNG TÚ 11/06/2020 09:11

Với công suất và trang thiết bị chuyên dụng hiện tại, Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) không đảm bảo cung cấp nước sạch cho khách hàng đang sử dụng, chứ chưa nói đến việc đáp ứng cho khách hàng khác đang có nhu cầu.

Công suất Nhà máy nước Ái Nghĩa không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Ảnh: C.T
Công suất Nhà máy nước Ái Nghĩa không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Ảnh: C.T

Lúc trong, lúc đục

Hơn 7 giờ tối, ông Lê Văn Một (trú thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) mở van để lấy nước sạch do Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa cung cấp nhưng nước vẩn đục, nên ông phải chờ cho cặn lắng xuống rồi mới dám sử dụng. Ông Một cho biết tình trạng trên tái diễn nhiều lần. Ở khu Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa), việc “canh” từng giờ trong ngày để lấy nước có độ trong đã trở nên quen thuộc đối với người dân tổ đoàn kết số 6.

Ông Phạm Minh Tước (người dân địa phương) nói: “Tôi để sẵn van phụ, lúc nào mở nhìn thấy nước trong thì lập tức mở van chính để đưa nước lên bể. Mở ban ngày, hay đêm cũng phải “canh” mới chắc”.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân khác ở Ái Nghĩa, họ cũng cẩn thận mở van phụ để xem rồi mới cho nước lên bể chứa. Tuy nhiên, chưa đầy một giờ kiểm tra lại đã thấy dòng nước gợn đục. Để vài tiếng đồng hồ sau, dưới đáy bể lắng đọng một lớp bùn. Dù biết nước đã qua xử lý nhưng nhiều người không dám sử dụng cho việc nấu nướng.

Được biết, Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa được Sở Xây dựng bàn giao nguyên trạng cho UBND huyện Đại Lộc quản lý vào tháng 11.2019. Đến ngày 1.1.2020, Công ty CP 6.3 được huyện giao tạm quản lý vận hành cơ sở này khoảng 6 tháng trong khi chờ chủ trương mới của tỉnh.

Theo báo cáo của doanh nghiệp (DN), sau khi tiếp nhận, hiện trạng nhà cửa vật kiến trúc nơi làm việc xuống cấp, hư hỏng nhiều chỗ. Trong nhà máy, một trạm bơm được đưa vào hoạt động từ năm 2003 có công suất 2.500m3/ngày đêm, thiết bị qua 17 năm sử dụng đã giảm hiệu suất so với ban đầu; một trạm bơm khác được nâng cấp vào năm 2014 với công suất 2.500m3/ngày đêm có một số thiết bị cũ cũng không đáp ứng đủ lưu lượng bơm. Ngoài ra, đường ống dẫn cung cấp nước hầu hết là ống PVC có tổng chiều dài hơn 33,5km…

Theo ông Huỳnh Ngọc Chương - Phó Giám đốc Công ty CP 6.3, Giám đốc Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa, DN muốn sửa chữa, thay thế nhiều trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân không có cơ chế đầu tư. “Mình là đơn vị được giao vận hành, lại vận hành tạm nhà máy nên bỏ tiền ra thì làm sao quyết toán, không khéo lại bị phê bình ai cho phép đầu tư” - ông Huỳnh Ngọc Chương chia sẻ.

Cần sớm nâng cấp

Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa đang vận hành cung cấp nước sạch cho 118 đơn vị hành chính sự nghiệp, kinh doanh dịch vụ, sản xuất và 4.725 hộ dân với 16.537 nhân khẩu ở các xã Đại Nghĩa, Đại Hiệp và thị trấn Ái Nghĩa. Công suất của nhà máy là 5.000m3/ngày đêm, trong khi nước bơm đầu ra (nước đã qua xử lý, cung cấp đến khách hàng và tính luôn thất thoát) tới thời điểm tháng 10.2019 đạt trung bình 4.838m3/ngày đêm (đạt 96,76%).

Ghi nhận thực tế cho thấy, các van thao tác tại trạm đã xuống cấp nên nước sạch chảy ra ngoài khá nhiều. Công ty CP 6.3 cho biết, công suất hoạt động thực tế và công suất thiết kế đã tiệm cận, giờ cao điểm không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhiều thời điểm, công suất thực tế còn cao hơn công suất thiết kế. Nước mặt sông Yên là nguồn nước thô tại nhà máy, vào mùa mưa lũ nguồn nước rất đục, mùa nắng lại thiếu nước thô. Do vậy, nước đầu ra thường xuyên thiếu hụt gây thiếu nước cục bộ.

Lý giải tình trạng nguồn nước nhà máy lúc đục lúc trong, đại diện nhà máy này cho hay, mùa khô hạn thiếu hụt nước cung cấp do hết công suất thiết kế cùng với khách hàng dùng nước tăng đột biến, vì vậy phải điều tiết cấp nước theo vùng (ưu tiên bệnh viện), đến khi cấp lại cho toàn mạng lưới thì xảy ra hiện tượng đục. Cùng với đó, công suất không đủ cung cấp đã xảy ra hiện tượng tụt áp vào giờ cao điểm gây mất nước một số tuyến ống gây ra đục cục bộ. Có những tuyến ống cũ, lắp đặt từ năm 2001 đến nay chưa được cải tạo thay thế, van thao tác thiếu, lắp đặt không đồng bộ cũng là nguyên nhân dẫn đến đục.

Thống kê cho thấy, nhân dân muốn sử dụng nước sạch ở Ái Nghĩa và các xã Đại An, Đại Hòa, Đại Hiệp, Đại Nghĩa nhưng chưa được đáp ứng là 8.837 hộ với 30.511 nhân khẩu; nhiều DN đang đầu tư, sản xuất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện cũng có nhu cầu rất lớn.

Theo Nghị quyết số 180/NQ-HĐND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 là 0,12m3/người/ngày đêm (120 lít/người/ngày đêm), tổng cộng nhu cầu của khách hàng đang sử dụng hoặc chưa được sử dụng nước sạch của nhà máy thuộc các địa phương vừa nêu lên tới 8.900m3/ngày đêm. Tính thêm lượng nước phục vụ súc xả đường ống định kỳ và thất thoát 30%, nhu cầu tổng thể phải là 11.583m3/ngày đêm.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước, nước đục cục bộ hiện tại và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của khách hàng chưa được sử dụng, ngoài đầu tư thay thế nhiều trang thiết bị chuyên dụng, ông Huỳnh Ngọc Chương mong muốn cấp có thẩm quyền sớm hiện thực hóa chủ trương nâng cấp công suất nhà máy lên 10.000m3/ngày đêm vì sự phát triển chung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Đoàn Ngọc Quang cho biết, huyện rất quan tâm đến câu chuyện này từ nhiều năm qua. Hiện nay, Công ty CP 6.3 đã trình các thủ tục dự án nâng cấp nhà máy theo Nghị quyết số 180/NQ-HĐND và huyện đang hoàn thiện hồ sơ để gửi tỉnh theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quá tải Nhà máy nước Ái Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO