Quản lý nhà công sản ở Hội An - Bài cuối: Đấu giá cho thuê nhà

VĨNH LỘC 20/04/2021 04:13

Từ câu chuyện ngôi nhà 75 Nguyễn Thái Học đã “vỡ” ra một số vấn đề trong việc quản lý sử dụng nhà công sản ở Hội An nhiều năm qua. Không ít ngôi nhà trong phố cổ đã được giao cho cá nhân, đơn vị khai thác với giá rẻ làm thất thu ngân sách. TP.Hội An đã xây dựng kế hoạch đấu giá cho thuê nhà công khai để minh bạch nguồn công sản này.

Ngôi nhà số 9 Nguyễn Thái Học được cho thuê với giá khá rẻ so với thị trường. Ảnh: V.L
Ngôi nhà số 9 Nguyễn Thái Học được cho thuê với giá khá rẻ so với thị trường. Ảnh: V.L

Đấu giá công khai

Mới đây, UBND TP.Hội An công bố quyết định phê duyệt giá khởi điểm và kế hoạch đấu giá cho thuê các ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước sau rất nhiều năm việc cho thuê nhà không qua đấu giá.

Cụ thể, sẽ có 5 ngôi nhà được cho đấu giá thuê đợt này bao gồm: nhà số 19 Nguyễn Thái Học, diện tích sử dụng 338m2, giá khởi điểm 50 triệu đồng/tháng; nhà số 146 Trần Phú, diện tích sử dụng 656m2, giá khởi điểm 70 triệu đồng/tháng; nhà số 89 Trần Phú, diện tích sử dụng 157m2, giá khởi điểm 50 triệu/tháng; nhà số 33-35 Phan Bội Châu, diện tích sử dụng 262m2, giá khởi điểm 100 triệu đồng/tháng; nhà số 34 Phan Bội Châu, diện tích sử dụng 160m2, giá khởi điểm 30 triệu đồng/tháng. Các đơn giá trên bao gồm tiền thuê nhà, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thời hạn thuê 5 năm, hình thức nộp tiền hàng năm.

Ông Đinh Hùng, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch TP.Hội An cho biết, mức giá trên được nghiên cứu xây dựng dựa trên nhiều yếu tố quy định của Nhà nước như hệ số sinh lời, tham khảo từ mức giá cũ, mức giá thị trường… nên tương đối sát thực tế. Dự kiến thời gian tới sẽ thông báo việc đấu giá rộng rãi.

“Đây chỉ là mức khởi điểm, kết quả cuối cùng có thể cao hơn, bởi đã từng có ngôi nhà qua 14 - 15 vòng đấu giá mới chốt trúng thầu cuối cùng. Sau khi đấu giá thành công 5 ngôi nhà trên, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, mức giá mới cho những ngôi nhà công sản khác khi những ngôi nhà này hết thời hạn thuê” - ông Hùng nói.

Theo bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay mức giá trên có thể cao, tuy nhiên khi hoạt động du lịch phục hồi thì mức giá trên chấp nhận được, thậm chí là thấp.

Nhiều ngôi nhà trong phố cổ người dân thuê đã cho bên thứ 3 thuê lại để hưởng giá chênh lệch. Ảnh: K.Linh
Nhiều ngôi nhà trong phố cổ người dân thuê đã cho bên thứ 3 thuê lại để hưởng giá chênh lệch. Ảnh: K.Linh

Tính đến năm 2021, quỹ nhà ở thuộc Nhà nước quản lý trên địa bàn Hội An có tổng cộng 175 căn, ngoài 102 ngôi nhà cho người dân thuê ở và kinh doanh, 73 ngôi nhà còn lại được giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng hoạt động, làm việc hoặc liên kết với các đối tác kinh doanh, nhiều nhất là ở phường Minh An với 39 ngôi nhà.

Một số ngôi nhà trong phố cổ sau khi giao cho các cơ quan, đơn vị Nhà nước sử dụng đã liên kết với các cá nhân, doanh nghiệp (thực chất là cho thuê lại) để khai thác dưới nhiều hình thức với mức giá khá thấp nếu so với những ngôi nhà cùng vị trí, diện tích tương ứng.

Ngoài ngôi nhà 75 Nguyễn Thái Học, một số ngôi nhà như số 9 Nguyễn Thái Học (diện tích 425m2) mức thuê cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng; nhà số 6 Nguyễn Thị Minh Khai, diện tích sử dụng 275m2, giá thuê gần 17 triệu đồng/tháng hay nhà số 119 Nguyễn Thái Học (thời gian thuê 20 năm 2002 - 2022), nhà số 28 Nguyễn Thái Hoc, 108 Nguyễn Thái Học, 100 Trần Phú, 51 Lê Lợi… mức giá thuê đều thấp so với thị trường.

Trong khi đó, với một số ngôi nhà cùng vị trí mức giá thuê bình quân có thể hơn 100 triệu đồng tháng, thậm chí lên đến gần 200 triệu đồng như nhà số 88 đường Nguyễn Thái Học, giá thuê 120 triệu đồng; nhà số 140 Trần Phú, giá thuê 160 triệu đồng; nhà số 144 Trần Phú (gần 700m2), mức giá doanh nghiệp chào thuê năm 2019 là 180 triệu đồng/tháng… Thậm chí, không ít ngôi nhà đến nay vẫn chưa thanh toán hết tiền thuê, mặc dù thời hạn thuê nhà đã chấm dứt (nhà số 9 Nguyễn Thái Học, số 6 Nguyễn Thị Minh Khai).

Hạn chế thất thu ngân sách

Từ năm 2016 – 2019, bình quân mỗi năm nguồn thu từ nhà công sản trên địa bàn TP.Hội An khoảng 5 tỷ đồng. Số tiền trên được xem là chưa tương xứng so với giá thực tế của thị trường, nhất là từ năm 2016 trở về trước.

Theo ông Võ Hữu Dũng - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Hội An, sở dĩ mức giá thuê trước đây thấp do các ngôi nhà thuê không qua đấu giá, chưa kể một số đơn vị thuê hoạt động, kinh doanh trên các lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật, cộng đồng… nên được ưu tiên mức giá nhẹ hơn.

Riêng với các ngôi nhà dân thuê ở và kinh doanh một phần, do mức giá được áp theo quy định của tỉnh (dựa trên các yếu tố như tuyến đường, giá đất…) nên giá thuê không cao.

Báo cáo theo dõi tiền thuê nhà công sản phường Minh An 3 năm (2016 - 2019) cho thấy, rất nhiều ngôi nhà mặt tiền các tuyến đường trung tâm như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Huệ… mức giá áp dụng cho dân thuê ở hoặc ở và kinh doanh một phần chỉ dao động từ 3 triệu đến khoảng 10  triệu đồng/tháng.

Dư luận cho rằng, nếu quản lý tốt, hiệu quả nguồn thu từ việc cho thuê nhà công sản hàng năm sẽ cao hơn con số 5 tỷ đồng như thời gian qua. Thực tế, từng có trường hợp hộ dân thuê nhà ở công sản với giá thấp nhưng vẫn tổ chức kinh doanh, thậm chí cho bên thứ 3 thuê lại với giá cao hơn để hưởng chênh lệch.

Theo ông Võ Hữu Dũng, dù đây là điều bất cập nhưng thành phố khó thể cưỡng chế thu hồi do chưa có quy định chế tài nào cấm người thuê nhà cho bên thứ ba thuê lại. Chưa kể, chủ nhà tự thỏa thuận với người thuê và hoạt động kinh doanh theo đúng đăng ký trong hợp đồng nên khó có cơ sở xử lý.

“Từ năm nay các ngôi nhà cho dân thuê ở hoặc kinh doanh mức giá đã được điều chỉnh tăng lên chừng 1,5 lần. Mức giá này được xây dựng dựa trên các văn bản hướng dẫn của tỉnh cũng như chu kỳ biến động của thị trường trong 2 hoặc 3 năm gần đây nên cũng sẽ phần nào khắc phục được những bất cập trước đây. Ước tính tổng nguồn thu từ việc cho thuê các loại nhà công sản trên địa bàn thành phố 5 năm tới đạt khoảng 50 tỷ đồng” - ông Dũng thông tin.

Khác với nhiều địa phương trong tỉnh, nguồn gốc nhà công sản Hội An tương đối đa dạng như nhà dân hiến lại Nhà nước khi đi định cư ở nước ngoài; nhà tịch thu của sĩ quan Việt Nam cộng hòa sau năm 1975; nhà vắng chủ sau năm 1975 và nhà của người Hoa bàn giao cho Nhà nước sau giải phóng. Qua thời gian, những ngôi nhà trên được giao lại một số cơ quan, đơn vị thành phố sử dụng, khai thác hoặc cho cá nhân, tập thể thuê không qua đấu giá.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, sau khi Luật Công sản ra đời, việc rà soát thu hồi những ngôi nhà hết thời hạn cho thuê được thành phố triển khai triệt để, đồng thời xây dựng bản giá mới trước khi tổ chức đấu giá cho thuê lại nhằm tạo sự minh bạch và đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý nhà công sản ở Hội An - Bài cuối: Đấu giá cho thuê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO