Sức sống mới ở Tây Giang

KHẢI KHIÊM 28/07/2020 05:45

Triển khai nhiều cơ chế, giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng đầu tư hạ tầng, sắp xếp và ổn định dân cư, Tây Giang đã có sự đổi thay vượt bậc, tạo nên sức sống mới.

Một điểm bố trí dân cư tập trung tại xã A Xan. Ảnh: KHẢI KHIÊM
Một điểm bố trí dân cư tập trung tại xã A Xan. Ảnh: KHẢI KHIÊM

Nông thôn chuyển mình

Đồng bào Tây Giang vài năm trở lại đây có thể yên tâm canh tác các loại cây đặc trưng núi rừng, phù hợp thổ nhưỡng của đất mẹ như gừng, chè dây, đảng sâm, ba kích, gạo nếp than, măng điền trúc... Bởi lẽ, đầu ra đã có Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang (đóng tại xã A Tiêng) thu mua theo hợp đồng đã thiết lập giữa “bà đỡ” này với 8/10 xã trên địa bàn huyện nhằm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đầu ra ổn định, giá cả trội hơn nhiều so với thương lái nên thu nhập của người nông dân cải thiện rõ rệt.

Triển khai xây dựng thôn NTM theo Nghị quyết 14-NQ/HU ngày 28.10.2013 của Huyện ủy, địa phương đạt kết quả khá tốt khi tăng dần “9 có”, giảm dần “5 không”; tư tưởng, nhận thức của người dân thay đổi hẳn, tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ; giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Tham gia OCOP, huyện có 5 sản phẩm từ dược liệu đạt chuẩn (2 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao). Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tây Giang phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn NTM; 10 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 50% số thôn đạt chuẩn thôn NTM.

Phụ trách kinh doanh của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang - anh Bùi Nam Chính chia sẻ, đơn vị cam kết thu mua cho bà con đúng giá thị trường, vì nguyên liệu nhập vào không dùng sơ chế như lâu nay mà để chế biến sâu. Nhờ sự quan tâm của địa phương và hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật từ dự án Trường Sơn Xanh, HTX bây giờ làm ra được các sản phẩm như trà đảng sâm túi lọc, chè dây túi lọc Bảo Châu, mật ong rừng Bảo Châu, trà gừng túi lọc Bảo Châu... Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, sản phẩm trà đảng sâm túi lọc của HTX đã được công nhận đạt chuẩn 4 sao, sản phẩm măng điền trúc sấy khô đạt chuẩn 3 sao.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM hơn 169 tỷ đồng. Theo đó, huyện tập trung một số tiêu chí mềm, chẳng hạn như cải thiện thu nhập, giải quyết việc làm. Đơn cử, lồng ghép nhiều nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất, đầu tư cây giống, con giống có giá trị kinh tế cao như ba kích, đảng sâm, cam, các giống lúa, heo địa phương; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn..., đã từng bước thay đổi tập quán lao động, sản xuất của người dân.

Đặc biệt, quá trình này không thể thiếu sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Trên địa bàn hình thành 9 HTX (8 HTX nông nghiệp) đã giải quyết đầu ra sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Cạnh đó, địa phương còn vận động người dân học nghề, giải quyết việc làm, tham gia xuất khẩu lao động. Nhờ các giải pháp tổng lực, đến nay xã A Nông và xã Lăng được công nhận đạt chuẩn NTM, xã A Tiêng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận năm 2020. Tính đến ngày 30.6.2020, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM toàn huyện là 12 tiêu chí/xã...

Chỉnh trang, sắp xếp dân cư

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh chia sẻ, địa phương xác định có 5 “cuộc cách mạng” kiến thiết, xây dựng quê hương. Theo đó, có 3 cuộc cách mạng liên quan là đầu tư giao thông; sắp xếp, ổn định dân cư; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, y tế đã cơ bản hoàn thành. Với huyện miền núi cao này, bê tông xi măng hoặc thảm nhựa đã “trải dài” trên đường ô tô đến tận trung tâm của 10 xã, 62/63 thôn (trừ thôn A’ur, xã A Vương) có đường ô tô đảm bảo cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa và phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Đây là tiền đề để nhiệm kỳ 2020 - 2025 Tây Giang thực hiện đầu tư kết nối đường giao thông vào khu sản xuất.

Triển khai “cuộc cách mạng” thứ 2 về sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng NTM, địa phương cho tiến hành san ủi gần 370,5ha mặt bằng bố trí cho đồng bào “an cư lạc nghiệp” tại 115 điểm của 63 thôn. Đến nay, các thôn đều có mặt bằng, bố trí dân cư ổn định cho 938 hộ vào sinh sống gắn với sản xuất, hợp văn hóa truyền thống Cơ Tu, từng bước chỉnh trang, mở rộng phù hợp nhu cầu phát triển. Nói về nguyên nhân di dời, ông Trần Văn Ta cho hay, những hộ này đang nằm tại vị trí bị ảnh hưởng thiên tai, nguy cơ mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; sống phân tán, thưa thớt và điều kiện khó khăn về đất sản xuất, nước sinh hoạt hoặc gia cảnh đặc biệt khó khăn…

Qua 3 năm hiện thực hóa sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết 31/2018/NQ-HĐND giai đoạn 2017 - 2020 của HĐND tỉnh, chủ trương này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân; nhiều hộ không ngần ngại hiến đất, cây cối, vật kiến trúc dành đất xây dựng đã góp phần ổn định chỗ ở lâu dài gắn với quy hoạch NTM. Các khu dân cư được bố trí chỗ ở hợp văn hóa làng và được đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, nước sạch và điện sinh hoạt. Cạnh đó, việc san lấp tập trung đã tạo nên quỹ đất công cộng để làm đường, nhà sinh hoạt cộng đồng và một phần quỹ đất dự phòng. Nhờ an cư, đồng bào sẽ yên tâm tập trung cho lao động sản xuất, cải thiện thu nhập, hướng tới xóa nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống mới ở Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO