Tây An đổi mới

PHẠM LỘC 05/08/2020 11:18

Sau thời gian nỗ lực xây dựng, thôn Tây An của xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) đã có diện mạo mới năng động, đời sống người dân ấm no, bắt nhịp cùng với sự phát triển chung của quê hương Gò Nổi.

Người dân Tây An canh tác hoa màu theo hình thức “xen canh gối vụ”. Ảnh: P.L
Người dân Tây An canh tác hoa màu theo hình thức “xen canh gối vụ”. Ảnh: P.L

Nhớ lại năm 2000 trở về trước, nơi đây nhà cửa tạm bợ, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì của xã. Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác trên diện tích 43ha đất màu ven sông Bà Rén, nhưng do không chủ động được nước tưới nên mỗi năm chỉ làm 1 vụ, năng suất bấp bênh.

Dưới sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, những năm qua Chi bộ, Ban nhân dân thôn vận động người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mở ra hướng sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, xây dựng cánh đồng chuyên canh.

Ông Huỳnh Tài - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tây An chia sẻ: “Vùng này hồi trước khô cằn, cỏ cháy do không chủ động được nước tưới. Năm 2001, cùng với sự đầu tư của nhà nước, người dân góp hàng trăm triệu đồng kéo điện, đóng giếng bơm làm thủy lợi hóa đất màu”.

Dạo quanh một vòng biền đất màu Trà Dung và Nam An, cánh đồng rau màu hiện ra xanh non mơn mởn trải dài như níu chân người qua lại. Các loại bồ ngót, rau cải, khổ qua, xà lách và nhiều loại rau đậu khác tươi tốt quanh năm và được thu hoạch đưa đi khắp các chợ trong ngoài thị xã. Nông dân trồng rau cho biết, mỗi sào rau bồ ngót, rau cải, dền đỏ sau khi trừ chi phí thu lãi cả chục triệu đồng/năm. Hiện nay, Tây An đã xây dựng cánh đồng chuyên canh cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm.

Gương nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp huyện xuất hiện ngày càng nhiều, tiêu biểu như các ông Lưu Danh, Phan Phước Tám, Phan Phước Sinh. Từ đôi bàn tay trắng nhưng với bản chất cần cù, biết tính toán làm ăn và tiếp thu có chọn lọc các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, họ dễ dàng thu về hàng trăm triệu đồng từ cây rau màu.

Chăn nuôi bò ở Tây An cũng phát triển. Điều này có được do người dân tận dụng diện tích vườn tạp hoang hóa để trồng cỏ, nuôi gần 400 con bò. Ngoài ra, không ít gia đình chủ động mở rộng nghề dệt vải, mây tre đan đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Bí thư Đảng ủy xã Điện Phong - ông Hồ Minh Lý khẳng định, Tây An thật sự đi lên bằng chính nội lực của mình. Tây An 12 năm liên tục được công nhận là thôn văn hóa và đang tiếp tục xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, phấn đấu về đích vào cuối năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tây An đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO