Thoát nghèo từ phụ phẩm

TRÚC TRẦN 04/03/2021 05:16

Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhờ học hỏi và triển khai mô hình chế biến mỡ động vật thành thực phẩm khô, gia đình ông Trần Văn Tài (40 tuổi; ở thôn La Hòa, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) thoát nghèo. 

Người làm công ở cơ sở dọn dẹp vệ sinh nơi chế biến. ẢNH: TRÚC TRẦN
Người làm công ở cơ sở dọn dẹp vệ sinh nơi chế biến. ẢNH: TRÚC TRẦN

Sau gần chục năm lăn lộn mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2014 ông Trần Văn Tài quyết định trở về quê hương lập nghiệp bằng mô hình tái chế phụ phẩm động vật thành thực phẩm khô.

“Khó khăn, là điều không thể tránh khỏi bởi vừa phải tìm được đất để xây dựng nhà máy tái chế, vừa xa khu dân cư để tránh mùi hôi, vừa phải đủ rộng để có bãi tập kết các phụ phẩm rồi mới sơ chế, tái chế. Rồi vốn để xây dựng, đầu ra cho sản phẩm… tất cả phải gầy dựng từng bước” - ông Tài chia sẻ.

Nằm sâu trong cánh đồng của thôn La Hòa, cơ sở sản xuất có diện tích 200m2 , với chi phí đầu tư hơn 600 triệu đồng của ông Tài đã hoạt động ổn định 7 năm nay, biến những sản phẩm dư thừa tại các lò mổ, khu chợ trên địa bàn thành nguồn thức ăn vỗ béo hiệu quả, cung cấp cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

“Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất gắn liền tiêu chí thân thiện môi trường, nâng cao hệ thống máy móc để tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường” - ông Tài cho hay.

Theo ông Tài, quy trình chế biến mỡ động vật của cơ sở được thực hiện theo tiêu chuẩn khép kín, trải qua 5 công đoạn: làm sạch - thái nhỏ - đun sôi - làm nguội - đóng gói. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải được quản lý hết sức chặt chẽ thông qua hố sâu tự phân hủy, sử dụng hệ thống hút khói để giảm ô nhiễm ra bên ngoài. Đồng thời sử dụng vỏ trấu làm nguyên liệu đun sôi, bả trấu sau khi sử dụng bán làm phân bón nông nghiệp.

Không chỉ thoát nghèo từ mô hình tái chế mỡ động vật, ông Tài còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/ tháng. Làm công tại cơ sở, ông Nguyễn Văn Tiền cho biết, các bước công việc không khó nhưng đòi hỏi sự chịu khó, cẩn thận để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhất là không để chất thải đổ ra môi trường gây ô nhiễm.

Ông Phan Văn Hiệp (50 tuổi), người dân làng La Hòa cho biết, từ khi có mô hình sản xuất này, tình trạng thải mỡ động vật ra môi trường giảm đi đáng kể. Ông Hòa cò cho biết, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tài cũng là nhà hảo tâm tiêu biểu trong làng, giúp đỡ những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp gần 50 triệu đồng xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng và trao tặng những suất học bổng hiếu học trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát nghèo từ phụ phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO