Tìm cách xoay xở để tăng trưởng kinh tế

TRỊNH DŨNG 15/07/2020 04:03

Khó khăn về tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, thu ngân sách giảm sâu, nền kinh tế bất ổn đã được nhận diện. Song, Quảng Nam sẽ phấn đấu đạt kết quả cao nhất so với chỉ tiêu đề ra.

Sản xuất, kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường nhưng chưa thể đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Ảnh: T.D
Sản xuất, kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường nhưng chưa thể đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Ảnh: T.D

Không đạt chỉ tiêu

Đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế địa phương lâm vào “khủng hoảng”. Sáu tháng qua, trừ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng 3,25%, tất cả ngành khác đều sụt giảm. So cùng kỳ năm 2019, công nghiệp và xây dựng chỉ bằng 80% (công nghiệp bằng 77,75% và dịch vụ bằng 89,32%. Tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ bằng 88,49%.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tác động xấu, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế địa phương sẽ khó khăn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, nhất là ngành du lịch, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Theo các phân tích, doanh nghiệp đã tái “vận hành” nhưng tốc độ chậm và chưa có dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn mới nào gia nhập thị trường. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 24,7% (giảm sâu thuộc về công nghiệp chế biến - chế tạo (24,5%), sản xuất và phân phối điện (31,3%), cung cấp nước và xử lý rác thải (21,9%).

Sản xuất may trang phục tăng 7,2%, sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%... nhưng cơ cấu chiếm tỷ trọng nhỏ nên không thể bù đắp sự sụt giảm của các ngành chế biến thực phẩm giảm 8,7%, dệt vải giảm 43,9%, sản xuất kim loại giảm 68,3%, sản xuất xe có động cơ giảm 48%... 

Thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc thiếu vắng thị trường xuất khẩu, khá nhiều doanh nghiệp tiếp tục “ngủ đông” hoặc cắt giảm, sử dụng luân phiên lao động đã khiến chỉ số sử dụng lao động giảm 3,6%.

Một khảo sát từ 529 doanh nghiệp đang hoạt động xây dựng cho thấy 56% không sản xuất, kinh doanh, 46% nguồn thu không đủ bù đắp chi phí phát sinh và 28% không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động. Việc giãn kế hoạch đầu tư công, giảm nguồn vốn XDCB từ vốn ngân sách, chậm giải ngân… đã khiến giá trị ngành xây dựng giảm hơn 10%.

Thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong GRDP (trên 30%) cũng lâm vào tình trạng ảm đạm khi chỉ bằng 89,3%. Những nỗ lực hợp tác kích cầu, khôi phục thị trường… đang được tiến hành vẫn chưa thể đem lại dấu hiệu khả quan cho ngành này khi thị trường xuất khẩu, khách du lịch chưa biết đến bao giờ có thể hồi phục.

Sản xuất, kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp suy giảm kéo theo sụt giảm nguồn thu ngân sách. Theo ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính, hiện tổng thu ngân sách chỉ mới đạt 32,5% dự toán (gần 8.366 tỷ đồng), giảm 33,5% (nội địa đạt 30,8% dự toán (gần 6.315 tỷ đồng), giảm 34,3%, xuất nhập khẩu đạt 39% (2.050 tỷ đồng), giảm 34,8%).

Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những “cú đấm” để vực dậy tăng trưởng cũng không khá hơn khi chỉ đạt 26%/tổng kế hoạch vốn được giao, đạt 27,6%/tổng kế hoạch vốn sau khi cắt giảm và 29%/tổng kế hoạch vốn đã được phân bổ.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho hay thẩm tra của ban này cho thấy dự báo khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 7 -7,3%, bình quân 10 - 10,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020 khó có tính khả thi. Không chỉ chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp, cần xác định rõ những yếu tố tác động, dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tương ứng. Trong trường hợp cần thiết, xây dựng phương án điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh dự toán thu - chi ngân sách năm 2020 trình cấp thẩm quyền xem xét.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định địa phương đã cụ thể hóa các chủ trương Trung ương bằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Song, đại dịch đã khiến cho GRDP, thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ giải ngân thấp, ít doanh nghiệp gia nhập thị trường và tạm ngừng hoạt động tăng, một bộ phận người lao động, dân chúng gặp khó khăn, chậm và lúng túng khi triển khai chính sách hỗ trợ…

Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên của địa phương. Chính quyền đã lên kế hoạch đánh giá tác động cụ thể của dịch bệnh đối với từng lĩnh vực, chỉ tiêu kinh tế và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 với quan điểm phấn đấu đạt kết quả cao nhất so với chỉ tiêu đề ra. Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí không chính thức, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, ngân sách… là những đầu việc không thể thiếu.

Quảng Nam sẽ tìm mọi cách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, thu hút doanh nghiệp lớn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án ngoài ngân sách của các nhà đầu tư chiến lược, các dự án chế biến, chế tạo, nhất là các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng lớn trong các khu công nghiệp.

“Dự kiến mức tăng trưởng GRDP năm 2020 phấn đấu ở mức bình quân chung cả nước (3,5 -4%), thu ngân sách khoảng 70%... Quảng Nam sẽ phải triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cắt giảm, giãn tiến độ các công trình, dự án chưa thực sự cấp bách, kiên quyết cắt giảm, dừng triển khai, điều chuyển vốn các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, phấn đấu đến quý IV.2020 đạt tỷ lệ giải ngân 100% các nguồn vốn đầu tư công! Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân chủ động khắc phục khó khăn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách xoay xở để tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO