Toàn cảnh tăng trưởng Quảng Nam

TRỊNH DŨNG 05/07/2020 06:52

Kinh tế suy giảm. Hụt thu ngân sách khá lớn không còn là dự báo. Nhiều chỉ tiêu không thể đạt kế hoạch. Có điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, kinh tế - xã hội năm 2020 hay không hiện vẫn là điều đặt lên bàn nghị sự, mà gần nhất kỳ họp thường lệ giữa năm 2020, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX sẽ diễn ra vào giữa tháng 7 này.

Một số ngành sản xuất, kinh doanh đã vận hành trở lại nhưng tăng trưởng chưa được như kỳ vọng.Ảnh: T.D
Một số ngành sản xuất, kinh doanh đã vận hành trở lại nhưng tăng trưởng chưa được như kỳ vọng.Ảnh: T.D

THỐNG KÊ “BUỒN”

Sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy suy giảm trong khi kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương là điều không dễ thực hiện.

Sản xuất, kinh doanh… suy giảm

Trừ nông lâm thủy sản là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng dương (tăng 3,25%), được xem là “trụ đỡ cuối cùng” của nền kinh tế giữa đại dịch, còn tất cả khu vực sản xuất, kinh doanh khác đều suy giảm.

Theo công bố của Sở KH&ĐT, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng qua chỉ bằng 88,49% so cùng kỳ năm ngoái. Khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ bằng 80% (công nghiệp bằng 77,75%, dịch vụ bằng 89,32%). Đại dịch Covid-19 đã khiến cơ cấu GRDP chuyển dịch theo sự gia tăng mạnh của nông lâm thủy sản (chiếm gần 16,39%), đẩy công nghiệp và xây dựng giảm (chỉ chiếm 28% - công nghiệp 22,41% và dịch vụ 34,5%).

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp quy mô lớn, kinh doanh đa ngành nghề, tham gia chuỗi giá trị liên kết tiếp tục chịu sức ép khi dịch bệnh vẫn hoành hành trên toàn cầu, nên vẫn chậm nhịp điệu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho công nhân làm việc thay phiên hay tạm ngừng sản xuất.

Có thể dễ dàng nhận diện không chỉ dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu và thị phần nội địa khiến công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô không thể gia tăng. Bia thiếu thị trường tiêu thụ. Thủy điện thiếu nước... Trong khi đó, 6 tháng qua không có dự án sản xuất công nghiệp mới nào có quy mô lớn gia nhập thị trường!

Không chỉ công nghiệp mà thương mại, dịch vụ luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP các năm (trên 30%) cũng “chung số phận”. Giá trị khu vực này chỉ bằng 89,3%. Ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 52%, dịch vụ hành chính, hỗ trợ giảm 42,2%, vận tải, kho bãi giảm 20%. Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ khác chiếm tỷ trọng cao nhất nhưng giá trị tăng thêm cũng chỉ bằng 83,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cũng đã giảm gần 12,3%.

Nhiều nỗi lo

Thống kê giá trị sản xuất công nghiệp giảm 22,05%. Một số ngành công nghiệp giảm mạnh như dệt may giảm 17,8%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 32,4%, sản xuất kim loại giảm 68,3%, sản xuất xe có động cơ giảm 48%, sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 35,1%.

Điểm sáng hiếm hoi là sản xuất trang phục tăng 7,2%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 5,5%, sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,8%. Song, cơ cấu sản xuất của các ngành này chiếm tỷ trọng quá nhỏ nên không thể bù đắp được sự suy kiệt của toàn ngành sản xuất công nghiệp.

Theo một thống kê, có đến 56% trong số 529 doanh nghiệp xây dựng được khảo sát cho rằng họ đã không thực hiện được sản xuất, kinh doanh, 46% doanh nghiệp nguồn thu không đủ bù chi và 28% doanh nghiệp không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động. Việc giãn kế hoạch đầu tư, giảm nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân chậm… đã khiến giá trị ngành xây dựng giảm hơn 10%.

Nhiều tọa đàm, hội thảo, giải pháp kích cầu đã được mở, nhưng dấu hiệu phục hồi vẫn chưa có gì lạc quan. Tổng lượt khách giảm 69,4% (quốc tế giảm 70,4%, nội địa giảm 67,8%), kéo theo doanh thu giảm 67%.

Tiêu dùng giảm, sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, gián đoạn, cầm chừng khiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 27,7% GRDP, giảm gần 25,8%. Tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,6% so với tổng kế hoạch vốn được giao, đạt 22,9% so với tổng kế hoạch vốn sau khi cắt giảm và đạt 24,2% kế hoạch vốn đã được phân bổ.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường bằng 79,4% và vốn chỉ bằng 49,7% so cùng kỳ năm trước, nhưng có đến 128 doanh nghiệp bị giải thể, 268 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận - tăng 42,6% và 336 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động - tăng 33,9%.

Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, nhưng số doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng Covid-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cũng như việc đầu tư mới vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dĩ nhiên kinh tế Quảng Nam không thể tự mình làm cuộc cách mạng chuyển đổi mà phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, sự phục hồi của các nền kinh tế, các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Song những thông tin tốt về kiểm soát dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các kế hoạch, kịch bản phục hồi kinh tế đang được chính quyền xây dựng, thực thi, hy vọng bức tranh kinh tế địa phương sẽ có nét sáng hơn thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, cần có một đánh giá tác động của dịch bệnh cho từng chỉ tiêu kinh tế và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 với quan điểm phấn đấu đạt kết quả cao nhất so với chỉ tiêu đề ra.

CÂN NHẮC ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng không thể đạt trong khi dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền Quảng Nam vẫn đang cân nhắc có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 hay không.

Một số ngành sản xuất, kinh doanh đã vận hành trở lại nhưng tăng trưởng chưa được như kỳ vọng.Ảnh: T.D

Không đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ khi dịch bệnh khởi phát, chính quyền Quảng Nam đã lên kịch bản tăng trưởng GRDP cho năm 2020. Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng GRDP Quảng Nam sẽ đạt khoảng 6% thay vì 7 - 7,3% (dự kiến tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016 - 2020 của Quảng Nam chỉ đạt 9,73%, thấp hơn nhiều so với 10 - 10,5% đề ra đầu nhiệm kỳ) vẫn không thể thực hiện được.

Một thông tin đáng chú ý là theo khảo sát của Cục Thống kê, dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các quý còn lại khả quan hơn. Phần lớn đều theo chiều hướng tích cực: 53% số doanh nghiệp khảo sát cho biết dự báo tốt hơn, 25,3% giữ nguyên mức, chỉ có 21,7% doanh nghiệp cho biết là khó khăn. Năng lực sản lượng sản xuất và đơn đặt hàng có xu hướng giá tăng là điều cho phép hy vọng về sự ổn định nền kinh tế, kéo theo thu ngân sách và các chỉ tiêu tăng trưởng gia tăng!

Điều chỉnh lại chỉ tiêu hay giữ nguyên kế hoạch tăng trưởng là điều được luận bàn. Ông Phan Thái Bình – Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Quảng Nam phân tích những chỉ tiêu lớn không thể đạt được, nhất là hụt thu ngân sách bởi sẽ không có gì đột biến, khó có thể khắc phục nhanh được. Nền kinh tế bị suy giảm, chắc chắn không thu hút đầu tư, du lịch gì thêm. Nên cần nghiên cứu điều chỉnh các chỉ tiêu hay không?

Theo ông Bình cần điều chỉnh chỉ tiêu bởi Chính phủ sẽ vẫn trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu. Quảng Nam cũng cần tính toán. “Thấy hụt mà không điều chỉnh sẽ không đảm bảo. Nên cân nhắc, tính toán” – ông Bình nói. Trong một góc nhìn khác, ông Bình cho rằng nguồn thu nội địa giảm dần vì không thể phục hồi kinh tế ngay được. Sáu tháng cuối năm không thể gia tăng. Trước mắt để thúc đẩy tăng trưởng cần có giải pháp đẩy nhanh hay cắt giảm dự án đầu tư thì cần thực hiện ngay.

Cân nhắc, tính toán

Không quyết định điều chỉnh hay tuyên bố gì, nhưng UBND tỉnh xác nhận về sự sụt giảm thu ngân sách, cắt giảm đầu tư công thì dự kiến GRDP năm 2020 của Quảng Nam chỉ có thể phấn đấu ở mức tăng trưởng 3,5 - 4%. Tỷ lệ này sẽ dẫn đến mức tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 9,21%. Sẽ quyết tâm phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 18.774 tỷ đồng, trong đó thu nội địa phấn đấu đạt 13.524 tỷ đồng (hụt thu khoảng 7.000 tỷ đồng).

Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế nói hụt thu là điều chắc chắn nhưng có điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách địa phương hay không phải chờ Quốc hội quyết định. Còn hiện tại cơ quan thuế vẫn phấn đấu thực hiện theo kế hoạch dự toán!

Ngành du lịch gần như kiệt quệ. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản… Những giải pháp kích cầu chưa hiệu lực. Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL nói hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp du lịch chọn cách “ngủ đông” chờ thời. Các dự án sẽ lùi, dừng, chưa thể đưa vào hoạt động. Nhưng có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hay không còn phải tính toán lại.

Dù thừa nhận rất khó để thu ngân sách đạt tiến độ, nhưng ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính nói tạm thời vẫn giữ nguyên dự toán. Nếu tình hình diễn biến xấu quá, thu không đạt thì sẽ xem xét điều chỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho hay tình trạng khó khăn hay không đạt chỉ tiêu không riêng gì Quảng Nam. Điều chỉnh hay không vẫn là chuyện tiếp tục theo dõi, chưa bàn đến. Có thể đợi đến tháng 10.2020 để xem xét có điều chỉnh hay không!

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo ông Thanh, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, cần có một đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng chỉ tiêu kinh tế và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 với quan điểm phấn đấu đạt kết quả cao nhất so với chỉ tiêu đề ra. Kế hoạch của Quảng Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí không chính thức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực. Nhất là quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, ngân sách... Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập mới, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án ngoài ngân sách của các nhà đầu tư chiến lược, các dự án chế biến, chế tạo, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng lớn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

NGÂN SÁCH ẢM ĐẠM

Kế hoạch thu nội địa 20.524 tỷ đồng năm 2020 đã “phá sản”. Hụt thu không còn là dự báo. Làm gì để giảm thiểu sự căng kéo ngân sách là bài toán cần tính kỹ.

Du lịch tái khởi động nhưng sức hút thị trường vẫn chưa lớn. Chủ yếu khách nội địa. Ảnh: T.D
Du lịch tái khởi động nhưng sức hút thị trường vẫn chưa lớn. Chủ yếu khách nội địa. Ảnh: T.D

Hụt thu

Theo thống kê tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 7.880 tỷ đồng, đạt 33,57% dự toán, bằng 62,4% so cùng kỳ. Thu nội địa chỉ gần 6.140 tỷ đồng, đạt 29,92% dự toán.

Có thể thấy con số 20.524 tỷ đồng thu nội địa được ấn định cho năm 2020 đã “phá sản”. Bia giảm sút khi bị tác động lớn bởi chính sách, nghị định phòng chống tác hại bia rượu có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Thủy điện (dự kiến 159 tỷ đồng) cũng sẽ không khá hơn khi thời tiết vẫn diễn ra bất lợi. Ô tô gặp cạnh tranh khốc liệt không chỉ các doanh nghiệp khu vực ASEAN mà cả doanh nghiệp ô tô nội địa, sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, hàng hóa không thể tiêu thụ được nên hoạt động cầm chừng. Sản xuất công nghiệp sẽ vẫn còn chịu sức ép bởi dịch bệnh toàn cầu. Sẽ phải xác định khả năng nền kinh tế phục hồi sau vài năm nữa. Việc trở lại nhịp điệu kinh tế bình thường sẽ rất khó. Dư địa chính sách ô tô bất ổn. Thủy điện dừng phát điện để cấp nước cho nông nghiệp… Tất cả điều này sẽ kéo theo việc khó có thể tăng thu cho ngân sách.

Một tín hiệu đáng mừng khi số lao động hay các nhà máy Thaco phải nghỉ tạm thời đã trở lại hoạt động. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco dự đoán thị trường và sức mua giảm 25% trong những tháng còn lại của năm 2020. Tuy nhiên, Thaco cam kết quyết tâm sẽ thực hiện ngân sách năm 2020 tại Quảng Nam ít nhất 12.000 tỷ đồng, giảm 10% so năm 2019.

Ngày 28.6.2020, Nam Hội An cũng đã đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, sự vận hành của doanh nghiệp này liệu có thể bù đắp khoảng 700 tỷ đồng như ước định của ngành thuế Quảng Nam hay không vẫn chờ đợi trên thực tế. Còn kế hoạch nộp ngân sách nội địa năm 2020 tăng 20% của Trường Hải sẽ không thể đạt như dự tính.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Quảng Nam suy thoái. Một nền kinh tế phụ thuộc đã nhanh chóng bộc lộ khó khăn khi toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu bị trục trặc.

Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn cho hay, tất cả nguồn cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Doanh nghiệp xuất khẩu địa phương dường như giờ phải làm lại từ đầu. Họ đã ký hợp đồng đơn hàng năm ngoái. Giờ đã bị cắt. Muốn quay lại sản xuất thì đi ký kết lại hợp đồng mới. Thành tựu của nhiều năm phải đổ sông, đổ biển. Hụt thu sẽ nặng nề. Trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng cũng đều gặp khó khăn nên doanh nghiệp không có điều kiện nộp thuế.

Căng kéo ngân sách

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính nói chưa năm nào Quảng Nam đứng trước tình cảnh này. Chỉ có mấy khoản như thu thuế thu nhập cá nhân, thu tiền sử dụng đất có thể đạt tiến độ. Còn các khoản thu khác đều không đạt. Nhất là các khoản thu lớn từ công nghiệp ngoài quốc doanh, FDI…

“Đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố bất lợi khác dẫn đến thu ngân sách năm 2020 dự kiến không đạt dự toán. Con số thu nội địa ấn định 20.524 tỷ đồng dựa vào ô tô, bia, thủy điện không thể thực hiện được” – ông Chín nói

Không thu được tiền từ nền kinh tế, nhưng ngân sách địa phương buộc phải chi thêm tiền để lo an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh… Tiền đâu để chi tiêu? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói 6 tháng đầu năm mới thu khoảng 30% có nghĩa cả năm nếu theo tiến độ này thì sẽ chỉ đạt 60%. Dự báo sẽ hụt thu nội địa khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Vì vậy cần theo dõi sát sao thu chi ngân sách để xử lý ứng phó kịp thời.

Ông Tùng không cho rằng năng lực sản xuất có thể bung mạnh. Vì dù Việt Nam có kiểm soát dịch bệnh tốt đi chăng nữa thì thế giới kiểm soát không tốt cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Trung ương cũng sẽ hụt thu lớn. Khả năng bù cho tỉnh là không có nên khả năng tỉnh bù hụt thu cho huyện bằng không. Một vấn đề quan trọng trong khi kinh tế đang lao dốc mà tỷ lệ giải ngân thấp, càng chậm trễ thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, đời sống và thu ngân sách” – ông Tùng nói.

Theo ông Chín, hụt thu nội địa là điều chắc chắn không có gì bàn cãi. Không bảo đảm nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hướng đến công tác điều hành của địa phương. Bình quân mỗi tháng chi bình thường hơn 1.300 tỷ đồng nhưng thu chỉ khoảng 700 tỷ đồng, nên nếu như cứ tiến độ chi như thế này thì đến một lúc nào đó sẽ không còn tiền nữa. UBND tỉnh sẽ trình Thường trực HĐND tỉnh phương án cắt giảm dự toán chi để bảo đảm cân đối ngân sách. Sẽ chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện cắt dự toán do dự báo ngân sách địa phương hụt thu, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngân sách lâm vào cảnh khó khăn đến nỗi cho dù quyết tâm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vẫn thừa nhận việc đưa ra các giải pháp, phương án phục hồi sẽ rất khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô và các gói hỗ trợ. Không thể hỗ trợ hết tất cả ngành công nghiệp nhưng hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải nhanh chóng tiến hành. Nhưng có đề xuất, nghiên cứu đưa ra các gói giải pháp gì thì cũng phải hạn chế thấp nhất việc sử dụng ngân sách!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Toàn cảnh tăng trưởng Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO