Xây dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương: Minh bạch thông tin, thực thi chất lượng

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 11/04/2021 06:10

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng chính quyền địa phương rất khó đưa ra một chương trình thay đổi đúng trọng tâm, đúng điểm nóng… nếu không có thông tin. PCI hay DDCI có thể đo lường được chất lượng điều hành kinh tế, tạo sức ép cải cách nên được các địa phương chọn lựa. Việc nâng hạng hay đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn nhà đầu tư cũng là một trong những nội dung được chính quyền địa phương chọn để xây dựng hình ảnh và thương hiệu Quảng Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn.
Ông Đậu Anh Tuấn.

Đo lường chất lượng điều hành kinh tế

* PCI có ý nghĩa gì khi các tỉnh thành đều lấy làm thước đo cho năng lực điều hành, thưa ông?

- Ông Đậu Anh Tuấn: PCI là bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2005. Sau 15 năm, bộ chỉ số này đã trở thành thước đo không thể thiếu trong đánh giá sự phát triển của mỗi địa phương. Những “ngôi sao cải cách” dần được khẳng định và ghi nhận, như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bình Dương... Không dừng lại ở đó, mỗi địa phương đều đã và đang nỗ lực hết sức để nâng hạng PCI. Không chỉ tạo ra sự sôi động cho “đường đua” này mà còn đặt ra sự cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.

Từng doanh nghiệp tư nhân khó có thể phản ánh trực tiếp những vướng mắc của mình cho lãnh đạo các tỉnh, các cơ quan liên quan tại địa phương! PCI giúp chuyển tải tiếng nói của doanh nghiệp lên các cơ quan nhà nước có liên quan. Họ đang gặp khó khăn, kiến nghị và mong muốn gì? PCI thực hiện điều này. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất!

PCI - đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn doanh nghiệp tư nhân đã được sử dụng khá rộng rãi. Các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến sử dụng để tham khảo khi tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thậm chí có nhiều tập đoàn, công ty tham khảo dữ liệu này để lập kế hoạch kinh doanh. PCI đưa đến một thông điệp quan trọng: Chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền cũng quan trọng, cần được chú ý chứ không chỉ những yếu tố có sẵn khác như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng hay quy mô thị trường…

* Quảng Nam đứng đâu trong dòng chảy này?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Có thể nói Quảng Nam là một địa phương có nhiều giải pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quảng Nam được xác nhận là một trong những tỉnh tiên phong trong việc đưa ra các sáng kiến, áp dụng mô hình mới trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, những quy định về đầu tư… Chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch hành động (kể từ năm 2016 luôn đứng trong nhóm có chỉ số tốt, đạt từ 60 điểm trở lên, luôn lọt vào tốp 10 tỉnh thành có chỉ số PCI cao nhất nước). Hiện thực hóa rõ nhất là liên tiếp 5 năm lọt vào nhóm 10 tỉnh thành có thứ hạng cao nhất và năm 2019, Quảng Nam đã leo lên hạng 6 - đạt mức cao nhất trong 15 năm qua cho thấy xu hướng không chỉ giữ vững mà ngày càng được cải thiện.

Đánh giá khảo sát, giám sát từ doanh nghiệp sẽ tạo ra sức ép cải cách cho các cơ quan công quyền. Ảnh: T.D
Đánh giá khảo sát, giám sát từ doanh nghiệp sẽ tạo ra sức ép cải cách cho các cơ quan công quyền. Ảnh: T.D

Song, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn. Hiện có 5 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải. Theo khảo sát có khoảng 63% doanh nghiệp gặp khó tìm kiếm khách hàng, 35% doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn, 34% doanh nghiệp không dễ tìm kiếm nhân sự thích hợp, 28% doanh nghiệp khó tìm đối tác kinh doanh và 27% doanh nghiệp chao đảo khi thị trường biến động. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn!

Sức ép cải cách

* PCI được cho là đo đếm, đánh giá được chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền. Vậy “làn sóng” đánh giá năng lực cạnh tranh cơ quan công quyền (DDCI) như lên cơn sốt gần đây sẽ thể hiện điều gì? Có thực sự cần thiết không, thưa ông?

- Ông Đậu Anh Tuấn: DDCI không còn là chuyện đơn lẻ của mỗi địa phương mà đã trở thành “mệnh lệnh” từ Chính phủ. Hiện thực hóa DDCI hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là động lực của các địa phương. Năng lực điều hành kinh tế của các cơ quan công quyền đặt dưới quyền giám sát, cho điểm của doanh nghiệp đã buộc các cơ quan này vào tâm thế phải thường xuyên cải cách. Nỗ lực cải cách hành chính sẽ mạnh mẽ, sâu rộng hơn, đến từng cán bộ, công chức. DDCI giúp cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, tích cực, hạn chế mà PCI chỉ ra thông qua những thông tin phản ánh từ chính các đối tượng sử dụng dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp. Từ 3 địa phương năm 2014 đã lên đến 54 địa phương thực hiện cuộc đánh giá này vào năm 2020. Cái gì không đo đếm được thì rất khó để kiểm soát. Chính quyền địa phương rất khó đưa ra một chương trình thay đổi đúng trọng tâm, đúng điểm nóng nếu không có thông tin.

Có được thông tin khách quan, chính xác để các cơ quan công quyền sử dụng thông tin ấy để thúc đẩy thay đổi. Cụ thể, qua cuộc điều tra này, thấy doanh nghiệp tiếp quá nhiều đoàn thanh tra trong một năm, gây tốn kém chi phí thời gian, gây đình trệ sản xuất, kinh doanh, gây phiền hà doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sự nhũng nhiễu hoặc khảo sát 10 doanh nghiệp mà hết 9 doanh nghiệp than phiền việc thực hiện thủ tục hành chính quá khó khăn, không đúng quy định pháp luật… là chuyện bất thường. Từ những thông tin như vậy, chính quyền có thể đưa ra một chương trình để chấn chỉnh, cắt giảm, hay có biện pháp cải thiện. Việc định kỳ đánh giá khả năng điều hành của địa phương sẽ tạo ra văn hóa tự điều chỉnh hành vi thực thi pháp luật, thể hiện vai trò công bộc. Trao quyền cho doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực, tạo ra sức ép cho cơ quan công quyền để thực hiện những cuộc cải cách đáng kể.

* Theo ông, Quảng Nam có đủ năng lực, cơ hội để cải thiện hình ảnh, tạo dựng thương hiệu địa phương thông qua năng lực cạnh tranh hay không?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Không gian phát triển của địa phương tốt hơn nhiều các tỉnh thành lân cận, cân bằng cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề… là điểm mạnh của địa phương. Tuy nhiên, thiếu cảng biển, sân bay quốc tế, thiên tai khắc nghiệt là những bất lợi, sẽ khó thu hút các dự án đầu tư kinh doanh lớn, chất lượng cao, nhân lực tốt. Có tiềm lực kinh tế, quyết tâm, nhưng địa phương vẫn quá phụ thuộc vào ngành ô tô (luôn tiềm ẩn rủi ro cạnh tranh) sẽ bất ổn, ít mang tính bền vững ngân sách là bài toán cần phải tính toán. Cần tạo lực để thu hút đầu tư trên diện rộng!

Quảng Nam có đủ cơ hội, khả năng để cải thiện hình ảnh địa phương. Nhưng muốn cải thiện được thì phải biết đích xác, nhận diện cho được điểm nghẽn để gỡ bỏ. Không phải ban hành nhiều hay ít văn bản, chính sách, cơ chế mà nhận diện cho được việc thực thi các quyết định đã ban hành, kết quả tác động chính sách, công việc đó đem lại, tác động đến người dân, doanh nghiệp như thế nào.

Nhiều tỉnh thành, dù truyền thông, thông tin rầm rộ về môi trường đầu tư, nhưng vẫn gây thất vọng. Không ít nhà đầu tư chán nản khi vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trên thực tế, những vướng mắc về thủ tục liên ngành đôi khi không có “lối ra”. Quảng Nam đã mở nhiều hội nghị phân tích chỉ số PCI hàng năm, tiến hành DDCI. Chính quyền đã thức nhận vấn đề, nhưng để chuyển tải tư tưởng cải cách một cách thông suốt từ lãnh đạo đến cán bộ các cấp, mới là bước chuyển quan trọng của Quảng Nam. Hiện tỉnh thành nào cũng đều cho là có chính sách, cơ chế tốt. Hơn nhau ở chất lượng thực thi. Các cuộc khảo sát phải chất lượng, khách quan, chính xác, kịp thời để có thể xử lý, thúc đẩy thay đổi. Nếu không thì những cam kết hay diễn ngôn có cánh về quyết tâm đổi mới có hay, đẹp đến thế nào cũng không có nghĩa. Hiện có đến 67% doanh nghiệp tại Quảng Nam nói lãnh đạo tỉnh có chủ trương tốt nhưng không được thực hiện tại các sở, ngành, địa phương. Gần 27% cho rằng có những sáng kiến tốt không thực thi. Vậy ưu tiên cho cải cách không phải là chính sách nữa mà là chuyện thực thi ở các sở, ngành, địa phương.

Covid-19 đẩy nền kinh tế suy giảm. Những giải pháp miễn thuế, giảm tiền thuê đất cần rất nhiều nguồn lực (nằm ngoài tầm với của địa phương) thì cắt giảm chi phí thông qua cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… cho doanh nghiệp (cũng là hỗ trợ) vẫn là giải pháp quan trọng. Nếu chính quyền Quảng Nam giải quyết tốt chuyện này trong thẩm quyền của mình thực sự công bằng và hiệu quả thì PCI sẽ gia tăng cũng như hình ảnh, thương hiệu địa phương sẽ càng ngày được nhận diện, thu hút nhiều nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương: Minh bạch thông tin, thực thi chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO