Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã: Cần ngăn chặn, xử lý kiên quyết

TRẦN NGUYỄN 24/04/2020 13:58

Nguồn lây dịch bệnh Covid-19 được cho từ động vật hoang dã (ĐVHD), và cũng do thói quen sử dụng thịt ĐVHD của nhiều người. Vì vậy, đây là thời điểm hợp lý để các công cụ quản lý nhà nước thực thi có hiệu quả các biện pháp bảo vệ ĐVHD.

Tổ bảo vệ rừng ở sông Kôn (Đông Giang) tháo dỡ bẫy thú rừng. Ảnh: T.N
Tổ bảo vệ rừng ở sông Kôn (Đông Giang) tháo dỡ bẫy thú rừng. Ảnh: T.N

Chiêu bài hợp thức hóa ĐVHD

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, quý I.2020, lực lượng chức năng tịch thu 41kg động vật rừng, 16 cá thể chim, tháo dỡ 976 bẫy thú. Ở một báo cáo khác của cơ quan này cho biết, từ năm 2018 đến nay, cơ quan kiểm lâm đã tịch thu 130 cá thể động vật rừng, gần 900kg động vật rừng vận chuyển, mua bán trái quy định.

Đây chỉ là con số quá nhỏ so với thực tế tiêu thu thịt thú rừng khá phổ biến hiện nay. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dù đã ký cam kết nhưng vẫn lén lút hoặc ngang nhiên mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Những cơ sở kinh doanh nhà hàng chuyên “hàng rừng” có đủ kiểu để đối phó với lực lượng chức năng. Trong trường hợp họ bị bắt quả tang nuôi nhốt, tiêu thụ ĐVHD, chủ cơ sở kinh doanh sẵn sàng trưng ra một bản hợp đồng kinh tế với cơ sở nuôi nhốt ĐVHD hợp pháp.

Việc biến một con thú rừng từ nguồn gốc tự nhiên sang hợp pháp không phải là chuyện khó. Hoặc, các chủ cơ sở kinh doanh thường nuôi nhốt cá thể, để đông thịt thú rừng với số lượng ít để kiểm lâm xử lý xuê xoa, hoặc có thể bỏ qua. Với chiêu bài này mà nhiều nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ ĐVHD có... “đất sống”. Thực tế, cán bộ kiểm lâm, cảnh sát môi trường thường chỉ phát hiện, xử lý hành vi vận chuyển ĐVHD trái phép với các cá thể nguy cấp.

Cùng với việc thiết lập nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, sự vào cuộc của các tổ chức nước ngoài đã giúp Quảng Nam giữ gìn sự đa dạng sinh học ở nhiều cánh rừng, đặc biệt ở dãy Trường Sơn. Trong khi đó, tình trạng dùng súng, bẫy bắt thú rừng có xu hướng phức tạp ở các huyện miền núi, nhất là khu vực biên giới Việt – Lào.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa yêu cầu 18 địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện phương châm “5 không” (không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD). Đáng chú ý, nghiêm cấm tuyệt đối việc gây nuôi ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp hoặc có nguồn gốc săn bắt từ rừng tự nhiên.

Xóa bỏ thị trường “chợ đen”

Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tiếp tục cảnh báo các loài ĐVHD đang bị đẩy đến bờ vực diệt vong vì nhu cầu tiêu thụ không kiểm soát của con người. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, các chuyên gia bảo tồn của WWF đưa ra kiến nghị cần xóa bỏ thị trường “chợ đen” về buôn bán các ĐVHD và quy trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương để xảy ra vi phạm. Bởi hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều địa điểm, chợ buôn bán ĐVHD quy mô lớn, nhỏ khác nhau ở nhiều địa phương.

Cạnh đó, các nhà hàng đặc sản tiêu thụ các loài ĐVHD vẫn lén lút hoạt động và nguồn cung cấp vẫn được duy trì dù không còn công khai như trước. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD - chương trình Việt Nam và Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, 5 năm (2013 – 2017), có đến 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý; 41.328kg cá thể và sản phẩm bị thu giữ; 1.461 đối tượng vi phạm và 432 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Về công cụ pháp lý, Chính phủ có Nghị định số 06, ngày 22.1.2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, mọi hoạt động săn bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.

Ông  Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, khi có chỉ đạo của Thủ tướng tăng cường kiểm soát ĐVHD ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19, ngành đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm thuộc các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát nhập khẩu ĐVHD vào Việt Nam. Trước mắt tạm dừng hoạt động xác nhận bảng kê lâm sản, vận chuyển lâm sản là ĐVHD ra khỏi địa phương, cho đến khi có thông báo mới.

Kiểm lâm địa phương quản lý hoạt động gây nuôi, chế biến, kinh doanh ĐVHD. Khi phát hiện ĐVHD mắc các bệnh truyền nhiễm, cần khoanh vùng, xử lý theo quy định pháp luật về thú y. Cùng với đó, các đơn vị chức năng địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở không để ĐVHD nhập lậu vào nước ta.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh – ông Phan Tuấn cho biết, từ tháng 3 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã có cuộc tổng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để hoạt động buôn bán, vận chuyển, chế biến tiêu thụ ĐVHD theo đúng Công điện số 05 của Thủ tướng cũng như chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã: Cần ngăn chặn, xử lý kiên quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO