"Chết đứng" rừng phòng hộ - Bài 1: Trở lại hiện trường

HỮU PHÚC 14/05/2020 06:32

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng sản xuất và phòng hộ vào đợt nắng nóng cao điểm đã đặt địa bàn huyện Đông Giang vào tình thế hiểm nguy. Nhiều đồi núi thăm thẳm màu xanh ngày nào giờ bị thiêu rụi hoàn toàn. Người dân địa phương đặt nhiều câu hỏi về nguyên nhân cháy rừng với sự hồ nghi về việc buông lỏng quản lý của chủ rừng, ngành chức năng và chính quyền địa phương. Vì thế, đã đến lúc gấp rút giải quyết dứt điểm sự nhập nhằng trong quy hoạch rừng hiện nay.

Khu vực cháy rừng nằm gần công trình nhà máy thủy điện Sông Bung 5. Ảnh: H.P
Khu vực cháy rừng nằm gần công trình nhà máy thủy điện Sông Bung 5. Ảnh: H.P

BÀI 1: TRỞ LẠI HIỆN TRƯỜNG

Còn lại sau thảm họa cháy rừng ở xã Mà Cooih (Đông Giang) là màu đen của tàn tro, rừng cây trụi lá trong thế “chết đứng”.  Thỉnh thoảng bắt gặp ở khoảnh rừng sâu là những đám khói bay mịt mùng trong cái nắng đổ lửa.

Hiểm nguy rình rập

Theo đường ĐT609 từ An Điềm đến khu du lịch Cổng trời Đông Giang đang thi công dang dở rồi qua đường Hồ Chí Minh, chúng tôi trở lại địa phận xã Mà Cooih, nơi vừa xảy ra “thảm họa” cháy rừng. Tháng 5, trời nóng như đổ lửa, phóng mắt nhìn lên nhiều dãy núi ở thôn A Sờ (xã Mà Cooih) thấy rõ mồn một màu đất đỏ au do người dân đã thu hoạch keo xong, đang dọn đất. Giữa lưng chừng núi bỗng xuất hiện đóm lửa nhen nhóm.

Từ cây cầu của nhà máy thủy điện Sông Bung 5 nhìn lên, đại ngàn đã bị thiêu rụi. Khu vực này nằm kề công trình công cộng, nhà dân và cả trụ điện cao thế. Sát đường Hồ Chí Minh, gần với nơi để bảng chỉ dẫn đường vào văn phòng làm việc của nhà máy thủy điện Za Hung, có nhiều vị trí khói bay ngùn ngụt do lực lượng chức năng chưa dập hết lửa.

Ông Alăng Man (người dân xã Kà Dăng, Đông Giang) nhưng sống ở làng A Sờ mấy chục năm nay, cho biết thung lũng Mà Cooih vốn yên bình nên trước đây chủ đầu tư nhà máy thủy điện, chính quyền địa phương mới chọn làm nơi để lập nghiệp, xây dựng làng tái định cư Pache Palanh, nhưng gần đây dân làng bất an bởi các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra.

“Đồng bào Cơ Tu sống dựa vào cái nương cái rẫy, thu nhập từ nghề khai thác mây, măng tre, lấy mật ong; nhưng nếu cháy hết rừng tự nhiên không biết đồng bào dựa vào đâu để kiếm sống. Trước mắt dân sẽ thiếu nước uống do mất rừng” – ông Alăng Man nói.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang nằm đơn độc giữa rừng núi hoang vắng, một cán bộ kiểm lâm ướt đẫm mồ hôi sau khi cùng với cán bộ công an điều tra rời hiện trường. Chưa bao giờ số liệu báo cáo cháy rừng ở Đông Giang lại được cập nhật liên tục như mấy tuần vừa qua.

Gần đây nhất là Báo cáo số 19 (ngày 11.5.2020) của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang về đốt rừng cháy lan tại xã Mà Cooih lúc 11 giờ trưa 10.5. Có ít nhất 20,6ha rừng tại khoanh 3, tiểu khu 153 của xã này bị thiệt hại, rừng do UBND xã Mà Cooih quản lý.

Trước đó, ngày 7.5 cũng có báo cáo xảy ra cháy gần 1ha rừng phòng hộ tại khoảnh 4, tiểu khu 152 xã Mà Cooih, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý. Đây chỉ là báo cáo, còn thực tế đáng quan ngại hơn nhiều, như lời Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang – ông Vũ Phúc Thịnh nói, cao điểm mùa khô ngày nào đơn vị cũng nhận tin cháy rừng.

Liên tiếp trong 4 ngày (từ ngày 6 - 9.5), ít nhất 300 lượt người gồm lực lượng huyện đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ, chủ rừng, cộng đồng, thôn xã trực tiếp chữa cháy tại khoảng 6, 7 thuộc tiểu khu 160 xã Mà Cooih.

Sơ ý hay cố ý?

Về vụ cháy rừng ở tiểu khu 160 xã Mà Cooih, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang đã cung cấp sơ đồ khu vực rừng bị cháy với diện tích hơn 31,3ha, được UBND tỉnh quy hoạch là rừng phòng hộ.

Những dãy núi đã bị cạo trọc sau vụ cháy rừng. Ảnh: H.P
Những dãy núi đã bị cạo trọc sau vụ cháy rừng. Ảnh: H.P

Báo cáo số 04, ngày 11.5.2020 của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 thể hiện: Tối ngày 1.5, đơn vị nhận thông tin xin đốt rẫy của ông Nguyễn Phi Hùng là trưởng nhóm lao động cho nhóm hộ ông Phạm Ba. Nhưng ngày 2.5 qua kiểm tra, đơn vị này nhận thấy toàn bộ khu vực rẫy cũ và rẫy mới đều đã cháy hết. Điều đáng nói, đến ngày 5.5, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang mới đến hiện trường, đồng thời huy động lực lượng chữa cháy, đến 21 giờ 30 cùng ngày mới khống chế được ngọn lửa.

Vì sao cháy rừng với quy mô lớn như vậy nhưng sau 4 ngày Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang mới đến xử lý, trong khi trụ sở làm việc đóng gần với khu vực cháy? Là đơn vị chịu sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang, nhưng vì sao Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 không kịp thời báo cáo lên cấp trên về vụ cháy rừng để nhiều ngày sau chủ rừng mới đến hiện trường? Đây là câu hỏi mà cơ quan chức năng đang tập trung xác minh làm rõ.

Theo tài liệu hồ sơ chúng tôi thu thập, năm 2001, Công ty Nông lâm sản xuất khẩu Prao (doanh nghiệp nhà nước) có hợp đồng giao khoán đất trồng rừng với nhóm hộ gồm 4 hộ dân, do ông Phạm Ba (trú ở Khuê Trung, Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) làm nhóm trưởng. Địa điểm giao khoán khoảnh 6, 7 thuộc tiểu khu 160 xã Mà Cooih, với tổng diện tích 120,5ha để trồng rừng, thời hạn từ tháng 6.2001 đến tháng 6.2050.

Tuy nhiên, sau đó 2 hộ còn lại đã chuyển nhượng diện tích này cho hộ ông Phạm Ba và ông Vũ Phúc Thịnh (hiện nay là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang). Người dân bảo ông Thịnh và ông Phạm Ba cùng sở hữu quyền sử dụng đất trồng rừng thuê người đốt luôn cả rừng phòng hộ để chiếm đất trồng rừng?

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Phúc Thịnh – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang cho rằng ý kiến như vậy là không đúng, bởi diện tích 80ha trong số 120,5ha đã được nhóm hộ trước đây nhận khoán có hợp đồng trồng rừng; diện tích còn lại chưa trồng hết. Diện tích mà ông Phạm Ba thuê người đốt rừng cháy lan ra ngoài cũng nằm trong số diện tích 120,5ha mà năm 2001 doanh nghiệp nhà nước giao cho nhóm hộ trồng rừng.

“Diện tích cháy lan theo xác minh là rừng phòng hộ nhưng thuộc phạm vi 120,5ha. Lẽ ra vào năm 2017, khi UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, phải công bố cho các hộ dân biết. Thực tế tại đây, Nhà nước quy hoạch rừng phòng hộ khi nhiều người dân đã canh tác ổn định lâu dài, không hề hay biết đưa rừng sản xuất vào quy hoạch chức năng phòng hộ” – ông Thịnh giải thích.

Vị lãnh đạo chủ rừng này cũng thừa nhận, gặp khó khăn khi giải quyết các vụ việc liên quan đến đất rừng, vì bản thân có tham gia trồng rừng. Một vụ cháy rừng khác xảy ra lúc 11 giờ trưa ngày 10.5, gây thiệt hại 20,6ha được xác định là đất nông nghiệp, ngoài quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất).

------------------

Bài 2: Quy hoạch rừng phòng hộ trên đất rẫy

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chết đứng" rừng phòng hộ - Bài 1: Trở lại hiện trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO