Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cần thống nhất và đồng bộ

TRẦN HỮU 22/10/2020 06:15

Chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đem lại nguồn tài chính ổn định giúp chủ rừng, các địa phương bảo vệ rừng bền vững. Tuy nhiên, nhiều nơi công cụ đánh giá chi trả chính sách này vẫn còn thiếu đồng bộ, nhất quán.

Một buổi tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Sông Kôn (Đông Giang). Ảnh: T.H
Một buổi tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Sông Kôn (Đông Giang). Ảnh: T.H

Nhiều hình thức chi trả

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, từ năm 2011 đến nay đơn vị đã ký hợp đồng với 80 đơn vị sử dụng DVMTR, chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy điện, nước sạch, du lịch, sản xuất công nghiệp gây phát thải lớn ra môi trường. Cơ quan có thẩm quyền đã phê duyêt được 15 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 281.671ha (giao khoán cho 287 nhóm hộ, 161 cộng đồng, với 15.247 hộ tham gia và 282 hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách).

Toàn bộ diện tích trên giao cho 11 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 9 UBND các xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng có thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Nhằm thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT, hạn chế chi trả bằng tiền mặt, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tiền hành giải ngân cho người dân thông qua hệ thống điện tử (thẻ ATM, mobile banking, Viettel Pay); tuy nhiên hình thức này chưa áp dụng phổ biến ở các địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh khi nhiều trường hợp được hưởng lợi DVMTR vẫn còn nhận tiền mặt. Tỷ lệ giải ngân ở một số địa bàn vùng cao còn hạn chế do công tác kiểm kê rừng chưa hoàn thiện.

Tại huyện Nam Giang, năm 2019 thực hiện chính sách chi trả DVMTR, các chủ rừng trên địa bàn huyện đã thực hiện giao khoán hơn 53.318ha cho 202 nhóm hộ với kinh phí hơn 9 tỷ đồng, hầu hết số tiền chi trả DVMTR được thanh toán qua hệ thống điện tử. Nhưng theo phản ánh của người dân, Nam Giang hiện nay chỉ có 1 trụ ATM đặt tại trung tâm hành chính huyện, cách xa nhiều xã vùng cao từ 50 - 70km nên việc rút tiền gặp nhiều khó khăn, không mang tính thực tế. Vì tình cảnh tương tự, một số hộ đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang vừa qua còn nhận tiền mặt; và nhiều chủ rừng, người dân địa phương đề nghị nên quay lại hình thức chi trả bằng tiền mặt như trước đây.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, hệ thống Qũy Bảo vệ - phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương hiện đang áp dụng cơ chế kiểm tra giám sát về thu, chi tiền DVMTR, ký kết hợp đồng, quản lý bảo vệ rừng, chi trả qua tài khoản và trồng rừng thay thế. Các ngành liên quan đang hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn kiểm tra, giám sát đánh giá và thanh toán tiền DVMTR qua giao dịch điện tử, chi trả qua tài khoản ngân hàng, bưu điện.

Tại Quảng Nam, hiện tồn tại hai hình thức giao khoán bảo vệ rừng gồm giao cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư và thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Dù có nhiều hình thức chi trả DVMTR, nhưng qua đánh giá, cơ bản đồng tiền sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại các đơn vị chủ rừng, UBND các xã hàng năm đã dần đi vào nền nếp, tình trạng khai thác rừng, phá rừng làm nương rẫy hằng năm giảm đi rõ rệt.

Cần công cụ đánh giá đồng bộ

Bình quân hàng năm Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương và cấp địa phương thu được 1.300 tỷ đồng, chiếm 22% tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp. Số tiền này, đã được chi trả cho 418.731 chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng, trong đó có 417.676 hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư và 1.055 tổ chức. Theo đó, quản lý hiệu quả khoảng gần 6 triệu héc ta rừng, chiếm 42% diện tích rừng cả nước.

Theo Hội Chủ rừng Việt Nam, để bảo vệ được rừng, không chỉ dựa vào một chính sách chi trả DVMTR mà cần nhiều các cơ chế, mở rộng các loại dịch vụ, mức chi trả cũng cần tính toán lại để đảm bảo tương xứng với giá trị và nỗ lực bảo vệ rừng đặt ra. Đồng thời cần tạo thêm cơ hội để người chi trả, người nhận chi trả và các bên liên quan trực tiếp thảo luận để tiếp tục cải thiện chính sách tốt hơn. Để chính sách chi trả công khai, minh bạch thì phải giám sát đánh giá giữa bên cung ứng DVMTR và bên sử dụng DVMTR; giám sát nội bộ, giám sát theo cấp quản lý, giám sát theo chương trình dự án.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp đang rà soát, xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chi trả DVMTR thống nhất trên cả nước. Đồng thời có lộ trình xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá gồm tiếp tục nghiên cứu, thí điểm để tổng kết, bổ sung các nội dung giám sát và đánh giá trong Nghị định số 156 của Chính phủ năm 2018. Đây là nghị định có sửa đổi, bổ sung một số chính sách chi trả DVMTR từ Nghị định 99 của Chính phủ ban hành năm 2010. Hệ thống chi trả DVMTR sẽ lồng ghép được vào các hệ thống giám sát môi trường và giám sát rừng khác hiện có (ví dụ như hệ thống kiểm lâm, hay triển khai kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2020 - 2030.

Một số Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh cho rằng, số liệu phục vụ cho việc giám sát, đánh giá chi trả DVMTR hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ. Một số tỉnh đang sử dụng số liệu về diễn biến rừng từ kiểm lâm nhưng số liệu này chưa phải là số liệu giám sát thực hiện chi trả DVMTR. Thêm vào đó, các hướng dẫn hiện hành về giám sát, báo cáo, đánh giá chi trả DVMTR và sinh kế địa phương khó khăn, dẫn đến không thể xây dựng hệ thống nhất quán từ địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cần thống nhất và đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO