Được mùa quế Trà My

MỸ HẠNH 09/04/2020 12:51

Được mệnh danh là “Cao sơn ngọc quế”, giống quế Trà My được huyện Nam Trà My xem là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Các sản phẩm từ quế đang có sức cạnh tranh, giá bán ổn định, từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Người dân phấn khởi thu hoạch khi quế được mùa, được giá.Ảnh: M.H
Người dân phấn khởi thu hoạch khi quế được mùa, được giá.Ảnh: M.H

Những ngày này, người dân huyện Nam Trà My bắt đầu bước vào mùa thu hoạch quế. Vỏ quế năm nay có giá cao hơn mọi năm đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu đáng kể để cải thiện kinh tế. Để người dân thêm gắn bó với cây quế quê hương, chính quyền địa phương đã xây dựng, nhân rộng những cách làm hay nhằm phát huy nội lực của địa phương trong việc bảo tồn và phát triển giống quế Trà My.

Được mùa, được giá...

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm người dân rầm rộ thu hoạch quế. Những năm gần đây, nhờ đầu ra ổn định nên quế được thu mua và vận chuyển tiêu thụ nhanh chóng. Trong khoảng thời gian này, vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu nhất. Tất cả sản phẩm của cây quế như vỏ quế, thân, lá và cành, người trồng quế đều có thể bán được cho các cơ sở sản xuất dùng làm nguyên liệu chế biến. Với ưu điểm này mà sản phẩm từ quế luôn cho giá trị kinh tế cao trên thị trường.

Đến thôn 1 (xã Trà Dơn), hỏi người trồng quế nhiều nhất xã, người dân địa phương hầu như ai cũng biết và sẵn lòng chỉ đường đến nhà ông Nguyễn Ngọc Oanh. Ông cho biết: “Hiện tại, quế vạt có giá 60 nghìn đồng/kg, quế ống 70 nghìn đồng/kg. Mỗi cây quế trưởng thành cho thu hoạch khoảng 15kg vỏ với giá trị khoảng 1 triệu đồng. Mỗi héc ta khoảng 1.000 - 1.200 cây, cho thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng. Với vườn quế hơn 10ha, khai thác gối đầu nên năm nào gia đình tôi cũng thu về từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”.

Tại xã Trà Leng, Trà Dơn và xã Trà Mai, quế được trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, xung quanh vườn nhà. Hộ ít nhất cũng hơn vài trăm cây, nhiều thì tới vài héc ta.

Chị Hồ Thị Yên (thôn 1, Trà Dơn) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi quanh năm chỉ biết làm nương, trồng lúa, lo chạy ăn từng bữa. Năm 1998, từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã đăng ký hơn 2.400 cây quế về trồng trên diện tích gần 2 ha. Sau hàng chục năm chăm sóc, đến nay đồi quế đã cho thu hoạch. Mỗi năm, bình quân tỉa thưa vườn quế để bán, gia đình thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây quế, gia đình tôi mạnh dạn ươm thêm cây giống, đầu tư mở rộng diện tích trồng quế, nâng tổng diện tích quế lên hơn 5ha; trong đó hơn 2ha đang cho thu hoạch”.

Ông Trần Văn Nương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Dơn khẳng định: “Với giá quế hiện tại, trên địa bàn xã không có cây trồng nào hiệu quả bằng cây quế bởi không như cây trồng khác, nông dân có thể tận dụng được thân, lá, vỏ... từ quế để bán cho thương lái. Có thể nói, thu nhập từ cây quế của người dân đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập”.

Chú trọng bảo tồn và phát triển

Thực hiện Nghị quyết 40/2017/NQ-HĐND, ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển quế Trà My trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025, UBND huyện Nam Trà My đã lập phương án bảo tồn và phát triển quế gốc Trà My, bố trí kinh phí thực hiện.

Năm 2019 đã bố trí hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ 361.500 cây quế cho 670 hộ/10 xã trồng trên tổng diện tích là 345ha. Hỗ trợ trồng xen 10.285 cây cam/74,8ha/310 hộ/10 xã. Hỗ trợ chăm sóc 30 cây trội, 10 héc ta rừng giống. Đồng thời, mở 10 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 670 hộ trồng quế.

Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đến nay, UBND huyện đã hoàn thành việc hỗ trợ cho nhân dân và giải ngân 100% kế hoạch vốn giao năm 2019. Kết quả kiểm tra, nghiệm thu đến nay, tỷ lệ cây sống từ 90 - 95%. Có nơi người dân tự kiểm tra và trồng dặm, có nơi đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay, chủ trương của huyện là tăng tỷ lệ cây trồng trên đơn vị diện tích nên nhiều nơi, người dân tự trồng thêm, đạt mật độ từ 2.500 - 3.000 cây/ha.

Để bảo tồn và phát triển cây quế Trà My, các ngành chức năng của huyện đã tổ chức hướng dẫn các hộ dân quản lý, chăm sóc và thu hái hạt giống đúng theo quy trình, tổ chức kiểm tra, thẩm định từ khâu thu hái hạt giống đến khi cây con xuất vườn.

Năm 2019, toàn huyện đã thu hái được 313kg hạt, trong đó tổ chức gieo ươm tại vườn dược liệu huyện 180kg, cung ứng cho đơn vị sản xuất giống quế trong huyện 63kg, cung ứng cho các đơn vị ngoài huyện 70kg.

“Trong năm 2020, huyện dự kiến trồng tập trung 80ha/88.000 cây/200 hộ/10 xã, trồng phân tán 80ha/80.000 cây/200 hộ/10 xã, hỗ trợ trồng xen cây sa nhân, đinh lăng, cây cam cho 80ha/10.120 cây/200 hộ/10 xã, hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ 30 cây trội tại xã Trà Dơn. Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, đến nay đã thu hái được 378,5kg hạt quế, sẽ tiếp tục thu hái cho đến hết mùa vụ, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu trồng và phát triển cây quế Trà My năm 2020 trên địa bàn huyện” - ông Mẫn cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Được mùa quế Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO