Hưởng lợi từ chính sách quản lý rừng

TRẦN NGUYỄN 12/06/2020 06:30

Thời gian qua, nhiều địa phương đã được hưởng lợi từ cơ chế hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 theo Nghị quyết số 46, ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh và chính sách trồng rừng gỗ lớn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay có 4/4 chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc sở đã phê duyệt phương án hỗ trợ khi chuyển đổi mô hình giữ rừng từ giao khoán bảo vệ cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư sang lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh.

9 huyện miền núi, trung du cũng đã được phê duyệt phương án. Chỉ các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Hội An thực hiện giao khoán rừng theo Quyết định số 886, ngày 16.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh.

Tổng diện tích theo 13 phương án được phê duyệt đến thời điểm này là 387.213ha (chiếm 84,7% so với Nghị quyết số 46). Trong đó diện tích chuyển sang hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là 243.976ha (chiếm 63%); 143.236ha tiếp tục được giao khoán bảo vệ rừng (chiếm 37%).

Nhiều chủ rừng đang gặp khó khăn khi kinh phí phân bổ theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh chưa kịp thời. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp kinh phí thực hiện cho 5 đơn vị chủ rừng ở các huyện Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Quế Sơn, Đại Lộc; trong khi nguồn vốn vẫn chưa triển khai ở Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, các ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My và Hiệp Đức.

Về kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 – 2020, Quảng Nam sẽ trồng 10.000ha. Tuy nhiên hiện nay cả tỉnh mới thực hiện diện tích 768ha tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn.  Năm 2020, theo kế hoạch, ngành nông nghiệp trồng rừng gỗ lớn với diện tích 5.323ha.

Đánh giá về thực hiện Nghị quyết số 46 HĐND tỉnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, năm 2019, khi xây dựng phương án triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, đơn giá dịch vụ môi trường rừng ở một số lưu vực đạt 400 nghìn đồng/ha (không thuộc phạm vi áp dụng Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh). Tuy nhiên, năm 2020, đơn giá chi trả dịch vụ môi trường ở những lưu vực giảm mạnh (thấp hơn 400 nghìn đồng/ha) so với năm 2019 nhưng chưa điều chỉnh bổ sung diện tích để áp dụng theo Nghị quyết số 46 nên các chủ rừng gặp khó khăn về kinh phí để thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hưởng lợi từ chính sách quản lý rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO