Khơi nguồn dược liệu hàng hóa

Kỹ sư LÊ MUỘN 24/01/2020 16:57

(Xuân Canh Tý) - Thấy được tiềm năng từ cây dược liệu, Quảng Nam đã sớm có cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển. Hiện vùng nguyên liệu dần được mở rộng, nên cần tính đến các giải pháp xây dựng ngành công nghiệp chế biến đủ mạnh để gia tăng giá trị sản xuất.

Sâm Ngọc Linh trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sâm Ngọc Linh trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nguồn nguyên liệu dồi dào

Với hơn 830 loài cây thuốc, trong đó ngoài sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu quý hiếm, còn có nhiều cây thuốc quý như ba kích, đảng sâm, lan kim tuyến, giảo cổ lam, đương quy, thất diệp nhất chi hoa… có thể gây trồng ở miền núi của tỉnh; chưa kể nấm dược liệu và nhiều cây thuốc khác có thể trồng rộng rãi.

Từ chỗ thu hái trong tự nhiên và gây trồng tự phát, cây dược liệu đã được ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn gây trồng. Bên cạnh gây trồng trong nhân dân, đã có một số doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến dược liệu. Nhờ đó, sâm Ngọc Linh được mở rộng trong vùng quy hoạch; không những đã hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ tuyệt diệt mà bước đầu còn có sản phẩm hàng hóa.

Diện tích trồng mới đảng sâm, ba kích, sa nhân, chè dây, đinh lăng được mở rộng. Nam Trà My, Tây Giang là những địa phương điển hình về phát triển cây dược liệu. Điều đáng mừng, đã có một số sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao như thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm từ sâm Ngọc Linh và một số thảo dược khác; Chương trình OCOP cũng thúc đẩy hoàn thiện, phát triển các sản phẩm từ thảo dược.

Tuy vậy, sản xuất cây dược liệu vẫn còn nhiều bất cập, manh mún, chưa được đầu tư canh tác tốt nên năng suất thấp, có nguy cơ làm suy giảm môi trường rừng và đất dốc; phần lớn các loại dược liệu được bán ở dạng thô và các sản phẩm chế biến giản đơn như ngâm rượu, cao chế biến thủ công, giá trị gia tăng thấp, khó mở rộng thị trường; giá bán còn cao, khó làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến.

 

Tại hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam (năm 2017) đã khẳng định, để đưa dược liệu Việt Nam thành thế mạnh, cần xây dựng ngành công nghiệp chế biến dược liệu (công nghiệp dược, dược mỹ phẩm…) đủ mạnh để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt. Đồng thời, cũng cho thấy công nghiệp chế biến dược liệu của nước ta còn gặp nhiều khó khăn; trong đó có những khó khăn về tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước ngoài và còn thiếu các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan cho phát triển sản phẩm...

Giải pháp nào?

Với đặc thù của Quảng Nam, để phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, cần quan tâm đến những giải pháp phát triển bền vững. Cụ thể, với yêu cầu đầu tư cao về vốn, công nghệ, nghiên cứu phát triển (R&D), các doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng đầu tư sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược mỹ phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các chủ thể OCOP đang phát triển các sản phẩm địa phương từ dược liệu (như các loại rượu, trà thảo dược, tinh dầu từ thảo dược, cao thảo dược…), nếu đăng ký đúng nhóm sản phẩm, thì hầu hết không đảm bảo yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) theo quy định từ Thông tư 18/2019/TT-BYT của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế nên xem xét hạ thấp mức quy định về điều kiện sản xuất và phân cấp cho địa phương kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cho nhóm sản phẩm này; đồng thời các chủ thể sản xuất cũng cần có lộ trình thực hiện GMP, sản phẩm sẽ có nhiều lợi thế trong mở rộng thị trường. 

 

Ngoài ra cần quản lý, hướng dẫn khắc phục những bất cập hiện nay, thâm canh phù hợp để mở rộng diện tích các vùng trồng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng các cây dược liệu đã có thị trường (sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích, sa nhân…); vừa giúp tăng thu nhập, tạo lập các điều kiện sản xuất dược liệu hàng hóa, vừa là thực tiễn thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư chế biến các dược liệu đã có hoặc các loài dược liệu khác theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cần lưu ý, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của Sở NN&PTNT về kỹ thuật gây trồng với từng loài dược liệu; nhất là trồng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu khác dưới tán rừng tự nhiên, hạn chế đến mức thấp nhất suy thoái môi trường rừng.

Điều quan trọng nữa, cần làm tốt công tác quản lý giống, bảo tồn sâm Ngọc Linh và các nguồn gen cây thuốc bản địa; phát huy lợi thế vùng miền núi, phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên theo tiêu chuẩn hữu cơ, các cây thuốc còn lại theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn GACP-WHO, bảo đảm truy xuất nguồn gốc dược liệu. Thúc đẩy hình thành các HTX, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất dược liệu hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và đại diện nông hộ thực hiện các hợp đồng với doanh nghiệp chế biến.

Cơ chế, chính sách cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, các công nghệ hiện đại, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao; hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho nông hộ hiệu quả thấp, nên chuyển sang hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức đại diện (hợp tác xã, tổ hợp tác) để thúc đẩy hợp tác sản xuất dược liệu hàng hóa...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi nguồn dược liệu hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO