Mở rộng diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng

TRẦN NGUYỄN 15/09/2020 09:17

Chính quyền huyện Phước Sơn đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây dược liệu bản địa dưới tán rừng để phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch.

Quần thể sâm ba kích tím được bảo vệ nghiêm ngặt tại rừng phòng hộ Đắc Mi thuộc xã Phước Chánh (Phước Sơn). Ảnh: H.P
Quần thể sâm ba kích tím được bảo vệ nghiêm ngặt tại rừng phòng hộ Đắc Mi thuộc xã Phước Chánh (Phước Sơn). Ảnh: H.P

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Quảng cho biết, địa phương đã lập đề án quy hoạch rừng sâm ba kích với diện tích gần 9.000ha ở rừng phòng hộ Đăk Mi để bảo tồn, nhân giống, hỗ trợ cho người dân. Nhiều năm nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Phước Sơn từng bước được cải thiện, nhờ vào sự đầu tư của các tổ chức quốc tế.

Điển hình, dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ và Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ cải thiện sinh kế cho 75 hộ dân ở xã Phước Xuân và Phước Mỹ phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu trồng dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Theo thống kê, qua nhiều năm có hàng chục hộ thoát nghèo bền vững từ các mô hình trồng ba kích, sản xuất chăn nuôi. Tại xã Phước Chánh, từ khi phát hiện cây ba kích tím, chủ rừng và chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và nhân giống đại trà nhằm cung cấp cho người dân trồng ở những khu rừng khác trên địa bàn huyện. Theo thị trường hiện nay, cây sâm ba kích tím tự nhiên có giá dao động 400 nghìn đồng/kg; nếu được nhân giống, mở rộng diện tích trồng, thì nhiều xã vùng cao sẽ có cơ hội giảm nghèo nhanh.

Phước Sơn đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu tại xã Phước Chánh với diện tích hơn 5ha. Theo UBND huyện, thời điểm này, Công ty TNHH Sâm Sâm xin thuê 100ha đất trồng ba kích dưới tán rừng ở xã Phước Kim; Công ty M-Lead (Kon Tum) khảo sát trồng sâm Ngọc Linh tại thôn 6 (xã Phước Lộc); Công ty CP Dược liệu miền Nam (Bình Dương) và Công ty CP Hòa Bình Xanh đang khảo sát lập dự án đầu tư tại xã Phước Thành và Phước Lộc. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ 80% giống và kỹ thuật trồng cây dược liệu cho người dân.

Theo phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 thì Phước Sơn chỉ được quy hoạch các loài dược liệu như ba kích với diện tích 1.041ha, sa nhân 748ha, quế 449,6ha. Tuy nhiên, Sở NN&PTNN đề xuất UBND tỉnh đưa thêm các cây dược liệu khác vừa phát hiện trên địa bàn huyện vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025.  Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Quảng cho rằng,  địa phương coi trọng phát triển nông, lâm nghiệp, mở rộng quy mô trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu để thu hút du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO