Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng Cù Lao Chàm

VĨNH LỘC 17/03/2021 07:53

HĐND TP.Hội An vừa thông qua Nghị quyết thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên trên đảo, đặc biệt là diện tích rừng đặc dụng.

Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ giúp công tác quản lý, bảo tồn hệ sinh thái Cù Lao Chàm từ rừng xuống biển được thống nhất và hiệu quả. Ảnh: V.L
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ giúp công tác quản lý, bảo tồn hệ sinh thái Cù Lao Chàm từ rừng xuống biển được thống nhất và hiệu quả. Ảnh: V.L

Chồng chéo quản lý

Với sự phong phú về đa dạng sinh học, hàng chục năm trước Cù Lao Chàm đã được Chính phủ đưa vào nhiều văn bản quy hoạch, tuy nhiên đến nay, ngoài việc xây dựng khu bảo tồn biển thì một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ hầu như chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Chức năng quản lý, bảo vệ rừng trên đảo chủ yếu giao cho UBND xã Tân Hiệp làm chủ rừng;  phụ trách hỗ trợ nghiệp vụ và thực thi pháp luật lâm nghiệp là Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam (trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh).

Theo ông Võ Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, căn cứ theo Điều 16, Luật Lâm nghiệp 2017, việc giao diện tích rừng cho UBND xã Tân Hiệp quản lý là không phù hợp. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này đến từ việc chậm triển khai các hoạt động nhằm thành lập khu bảo tồn (bao gồm phần rừng tự nhiên trên đảo).

Chưa kể, năng lực quản lý tài nguyên rừng của UBND xã chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với tài nguyên rừng có giá trị bảo tồn cao. Chủ rừng chưa xây dựng được phương án quản lý rừng bền vững; thiếu dữ liệu cơ bản về tài nguyên, thiếu sự hỗ trợ và tham gia của các bên liên quan, đặc biệt các nhà khoa học; thiếu các định hướng bảo tồn và phát triển rừng, phát triển tài nguyên dược liệu.

Ngoài ra, việc có nhiều bên liên quan (UBND xã Tân Hiệp, đơn vị quân đội) cùng tham gia quản lý trên cùng một phạm vi không gian đã làm nảy sinh bất cập. Quá trình xây dựng, triển khai các công trình quốc phòng và một số công trình có liên quan đến doanh nghiệp đã làm suy giảm diện tích rừng trên đảo.

“Để bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, việc xây dựng dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm nhằm cụ thể hóa những quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quản lý tổng hợp hệ sinh thái từ rừng, biển và vùng bờ - vùng biển để giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay” - ông Vũ nói.

Chỉnh thể quản lý thống nhất

Khu vực nghiên cứu thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm thuộc địa giới hành chính xã Tân Hiệp. Tổng diện tích nghiên cứu là 23.500ha (235km2), bao gồm mặt biển và hệ thống 7 đảo xung quanh. Trong số này, Hòn Lao có diện tích lớn nhất, khoảng 1.147ha, là nơi sinh sống của người dân Tân Hiệp. Kinh phí thực hiện dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm đến năm 2030 khoảng 107,7 tỷ đồng.

Từ tháng 3.2019 UBND tỉnh đã có chủ trương giao Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm làm đơn vị chủ rừng (văn bản số 1518/UBND-KTN ngày 25.3.2019), chịu trách nhiệm chính trong việc theo dõi, quản lý và bảo vệ rừng trên đảo Cù Lao Chàm.

Điều này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhắc lại trong buổi gặp mặt doanh nghiệp du lịch gần đây, khẳng định tỉnh sẽ giao diện tích rừng trên đảo về cho Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm quản lý thống nhất từ núi đến biển, tạo thành chỉnh thể thống nhất của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Ông Võ Văn Vũ cho rằng, vị trí chủ rừng sẽ giúp xác lập phạm vi, quy mô ranh giới làm cơ sở quản lý hệ sinh thái rừng, biển và vùng bờ - vùng biển theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp, đảm bảo duy trì các tiêu chí của vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trên cơ sở hài hòa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương với bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong số 1.642,8ha phần đảo, tổng diện tích rừng bao phủ hơn 1.086,5ha, chiếm 66,14%, bao gồm 1.081ha rừng tự nhiên, hơn 5,5ha rừng trồng. Diện tích đất chưa có rừng và đất khác là 556,2ha, chiếm 33,86% tổng diện tích tự nhiên của toàn xã.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm ngoài bổ sung nhiệm vụ, đổi tên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn giúp công tác bảo vệ, phát huy giá trị đa dạng sinh học từ rừng xuống biển hiệu quả.

“Khi chủ rừng được giao về Ban Quản lý Khu bảo tồn biển chắc chắn sẽ tốt hơn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học, phục hồi, quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng… Hiện tại HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết trình UBND tỉnh xem xét để chờ phân định trách nhiệm” - ông Hùng thông tin.  

Các kết quả nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, ngoài diện tích rừng che phủ tương đối cao, khu vực đảo Cù Lao Chàm hiện có khoảng 947 loài động thực vật sinh sống và 1.309 loài sinh vật biển, trong đó rất nhiều loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, rừng tự nhiên trên các đảo có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm, nước ngọt, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO