Phục hồi ngành chế biến gỗ

NGUYỄN TRẦN 24/04/2020 13:58

Như các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng bị tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19; vì vậy một “kịch bản” phục hồi hoạt động kinh tế đã được ngành nông nghiệp tính toán.

Giảm nhập khẩu phụ liệu, chủ động nguồn nguyên liệu, đẩy nhanh trồng rừng gỗ lớn là những biện pháp để phục hồi ngành công nghiệp chế biến gỗ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: N.T
Giảm nhập khẩu phụ liệu, chủ động nguồn nguyên liệu, đẩy nhanh trồng rừng gỗ lớn là những biện pháp để phục hồi ngành công nghiệp chế biến gỗ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: N.T

Bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chế biến gỗ như Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (Hiệp Đức), Công ty CP Cẩm Hà (Hội An), Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai (Bắc Chu Lai)... đều bị giảm ít nhất 50% công suất hoạt động, cắt giảm nhân công lao động do hàng hóa bị ngưng trệ.

Rõ nhất là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu gỗ qua nước ngoài. Sở NN&PTNT cho biết, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gỗ qua thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật còn ít nên ảnh hưởng chưa lớn; chủ yếu các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ qua Trung Quốc bị ảnh hưởng từ cuối tháng 2 đến nay. Xu hướng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đang là sự chọn lựa ưu tiên của doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng như xuất khẩu.

Ở bình diện quốc gia, theo Bộ NN&PTNT, đến tháng 4.2020, khoảng 80% các đơn hàng bị tạm ngưng, chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ quý I.2020 chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, EU khoảng gần 9% đã gần như đóng băng; thị trường Nhật Bản chiếm 12%. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 10% chủ yếu xuất khẩu sản phẩm dăm gỗ đóng băng suốt nhiều tháng nay.

 Bộ NN&PTNT khảo sát, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bị ngừng trệ nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp cho nghỉ 40 - 80% nguồn lao động. Khảo sát ban đầu ở 130 doanh nghiệp, bình quân mỗi doanh nghiệp trong quý I thiệt hại 25 tỷ đồng. Hiện nay có khoảng 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, còn lại hơn 90% doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động.

Để khôi phục sản xuất cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp đã làm việc với các hiệp hội, làng nghề sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ để bàn giải pháp phục hồi kinh tế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, giải pháp căn cơ là giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, phát triển mạnh các cánh rừng gỗ lớn trong nước để chủ động nguyên liệu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tăng cường sản xuất phụ liệu trong nước, giảm nhập khẩu với giá thành cao.

“Hơn ai hết doanh nghiệp phải tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, bán hàng online; đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với sác sản phẩm khác để phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều quan trọng phải cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu; cơ cấu cho cả chuỗi từ trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đẩy nhanh việc quản trị rừng bền vững” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nêu giải pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phục hồi ngành chế biến gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO