Tạo sinh kế từ cây ba kích

HOÀNG LIÊN 20/08/2019 10:32

Chính sách hỗ trợ người dân vùng cao xã Phước Mỹ, Phước Xuân (Phước Sơn) trồng cây ba kích tím được kỳ vọng mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển cây ba kích dưới tán rừng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cây ba kích tím thích nghi với đất rừng Phước Sơn. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Cây ba kích tím thích nghi với đất rừng Phước Sơn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Sinh kế từ cây dược liệu

Tiểu dự án “Sinh kế bền vững với cây dược liệu cho cộng đồng ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam” (Dự án Trường Sơn Xanh) hướng đến mục tiêu hỗ trợ cải thiện sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống trong khu vực vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, thông qua hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu trồng dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Đây cũng được xem là một trong những cách thức giúp người dân nâng cao nhận thức về giá trị của cây dược liệu, giúp người đồng bào thiểu số ở Phước Sơn đa dạng sinh kế dưới tán rừng...

Dự án triển khai từ tháng 8.2018 đến 8.2019, hỗ trợ 75 hộ dân (tương đương 300 người dân) thuộc 2 xã Phước Xuân và Phước Mỹ xây dựng mô hình sinh kế từ cây dược liệu. Trong tổng số 75 hộ dân, dự án triển khai thành 5 nhóm sản xuất, trong đó Phước Mỹ xây dựng 2 nhóm, Phước Xuân 3 nhóm hộ trồng ba kích. Tham gia dự án, người dân 2 xã trên được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng (kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích) trên tổng diện tích hơn 6ha.

Dự án cũng hỗ trợ 44.000 cây giống ba kích (8.800 cây/nhóm hộ), giúp người dân trồng dưới tán rừng tự nhiên. Dự án có tổng ngân sách hỗ trợ hơn 735 triệu đồng, trong đó có 567 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, 115 triệu đồng đối ứng từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới - Chương trình phát triển vùng Phước Sơn và 53 triệu đồng đóng góp công lao động và phân vi sinh từ các tổ nhóm hưởng lợi.

Chị Hồ Thị Phượng (thôn 2, xã Phước Mỹ) - đại diện cho 2 nhóm hộ trồng ba kích ở Phước Mỹ chia sẻ, toàn xã có 2 nhóm hộ được hỗ trợ, nhóm hộ ở thôn Đắk Kà Lang với 9.820 cây ba kích trên diện tích 1,3ha và nhóm hộ Đắk Xăng được hỗ trợ 7.700 cây giống. “Bà con tham gia trồng nhiệt tình lắm, ai nấy mong muốn được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo. Nhưng khi trồng, cây này còn mới, đường sá đi lại sản xuất còn khó vì vùng này đồi dốc cao, cây khó giữ được nước, tán rừng không dày nên cây bị chết bởi khô hạn cũng nhiều. Bà con mong dự án tiếp tục hỗ trợ nguồn giống để trồng bổ sung, hỗ trợ kỹ thuật giâm hom cây ba kích cũng như hỗ trợ về khâu đầu ra khi vài năm tới có sản phẩm” - chị Phượng nói.

Xã Phước Xuân có 3 nhóm hộ tham gia trồng ba kích. Theo anh AXia - trưởng nhóm hộ thôn Lao Mưng, từ khi nhận cây giống do dự án hỗ trợ, anh và cán bộ kỹ thuật đã tích cực vận động người dân trồng ba kích dưới tán rừng, có bón phân vi sinh và người dân hưởng ứng làm theo. “Xã có 3 nhóm hộ trồng, mỗi nhóm có 16 hộ, được hỗ trợ hơn 10.000 cây giống. Chúng tôi rất mừng là cây sống được, hơn 90% nhưng thời tiết khô hạn là mối lo của bà con” - anh AXia nói.

Tiếp tục duy trì, nhân rộng

Theo ông ANgo - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Xuân, bên cạnh thuận lợi, khó khăn từ mô hình cũng không ít. Một phần đây là đối tượng cây trồng mới, lại trồng dưới tán rừng, tâm lý bà con lo lắng khi cây ba kích trồng có chu kỳ dài 3 - 4 năm. Phải làm sao để người dân được hưởng lợi từ cây ba kích trồng dưới tán rừng, nếu không thì người dân đã nghèo lại càng nghèo, họ rất dễ nản lòng. Việc liên kết với các nhà thu mua sản phẩm là điều xã quan tâm. Bà con rất trông mong về một cơ hội đổi đời từ cây dược liệu. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân về kỹ thuật để duy trì và phát triển mô hình. Từ sự vận động của địa phương, hiện có 7 hộ tiếp tục đăng ký trồng và yêu cầu được hỗ trợ giống ba kích để trồng dưới tán rừng.

Theo ông Lê Viết Nhân - điều phối viên tỉnh Quảng Nam (Dự án Trường Sơn Xanh), bước đầu, tỷ lệ sống của cây ba kích dưới tán rừng đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tại một số vùng triển khai dự án của 2 xã, do ảnh hưởng của khô hạn kéo dài trên diện rộng, việc chăm sóc cây ba kích gặp khó, tỷ lệ hao hụt khoảng 20% sau 1 năm trồng. Các mô hình cần được tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ theo dõi từ phía địa phương sau khi dự án kết thúc. Cần tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ các nhóm hộ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc hơn 6ha ba kích từ dự án và tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng dưới tán rừng. Cần tiến tới thành lập HTX/tổ hợp tác sản xuất kinh doanh ba kích; hỗ trợ xây dựng kế hoạch marketing, xây dựng website cho ba kích Phước Sơn…

Ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban Quản lý chương trình phát triển vùng huyện Phước Sơn cho biết, việc phát triển trồng cây ba kích là hướng đi đúng nhằm giúp đồng bào Phước Sơn đa dạng sinh kế dưới tán rừng. Huyện tiếp tục đầu tư, phát triển, nhân rộng mô hình và nghiên cứu thị trường tiêu thụ nhằm giúp bà con cải thiện sinh kế dưới tán rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo sinh kế từ cây ba kích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO