Thăng Bình khó mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn

TRUNG THỰC 03/06/2020 13:58

Huyện Thăng Bình đang có nhiều cơ chế để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà đa số người dân trồng rừng chỉ từ 3 đến 4 năm là thu hoạch. Do đó, việc mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân Thăng Bình chủ yếu bán rừng keo 4 - 5 năm tuổi. Ảnh:T.T
Người dân Thăng Bình chủ yếu bán rừng keo 4 - 5 năm tuổi. Ảnh:T.T

Giữa tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn Long Hội, xã Bình Chánh, Thăng Bình) tiến hành khai thác gần 2ha rừng trồng keo lá tràm của gia đình. Tổng số tiền ông thu được khi bán rừng keo này khoảng 85 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông cho biết, tính đến thời điểm bán thì rừng keo chỉ mới được hơn 3 năm tuổi. “Lẽ ra thì phải đến mùa hè năm sau tôi mới khai thác nhưng không biết bị bệnh gì mà gần đây tôi phát hiện keo bị chết từng vùng nhỏ rồi nhanh chóng lan rộng ra. Sợ keo chết hết nên tôi đành phải khai thác sớm chứ nếu để đến sang năm thì sẽ được giá hơn” – ông Đoàn cho biết.

Ông Đoàn Ngọc Hoài (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) – một thương lái có nhiều năm thu mua keo trồng của người dân cho biết, hầu hết người dân địa phương bán cây từ 4 - 5 năm tuổi, rất hiếm có người trồng cây lâu năm. Hiện nay giá keo nguyên liệu khoảng 1,1 triệu đồng/tấn, đây là mức giá tương đối cao, người trồng rừng có lãi. Với mức giá này thì trung bình mỗi héc ta rừng, sau khi trừ chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc..., người dân có thể lãi khoảng 70 triệu đồng. Giá keo nguyên liệu dăm gỗ cao, cộng với nhanh thu hồi vốn là nguyên nhân chính của việc người dân bán keo non như hiện nay. “Một phần cũng do thời tiết ở miền Trung mình, mùa mưa thường kéo dài và thường xuyên có bão nên người trồng rừng sợ keo bị ngã, sẽ thất thu nên tâm lý người dân muốn bán sớm để an toàn” – ông Hoài cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hiện địa phương có hơn 8.000ha rừng, trong đó diện tích rừng sản xuất là hơn 6.000ha. Người dân đang trồng rừng theo tập quán cũ là trồng với mật độ dày, khoảng 5.000 cây/ha. Mặc dù vẫn có hiệu quả kinh tế nhưng về mặt kỹ thuật trồng cũng như mật độ rừng là không đảm bảo. Khi UBND tỉnh có chủ trương và cơ chế khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn thì huyện Thăng Bình ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ để tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Cụ thể, đối với Nghị quyết số 25-NQ/HU của Huyện ủy Thăng Bình về tích tụ tập trung ruộng đất, với mỗi héc ta rừng trồng gỗ lớn, người dân sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 9.7.2019 của HĐND huyện Thăng Bình về phát triển kinh tế vùng tây thì huyện sẽ hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha rừng trồng gỗ lớn đối với 7 xã cánh tây của huyện gồm Bình Phú, Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Quế, Bình Chánh, Bình Định Bắc và Bình Định Nam.

Theo ông Hương, đối với trồng rừng gỗ lớn thì kỹ thuật rất quan trọng, mật độ rừng phải đảm bảo cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m và thời gian chăm sóc cây là từ 8 đến 10 năm. Trồng rừng gỗ lớn có hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng rừng theo tập quán cũ. Theo ước tính trồng rừng gỗ lớn cho sinh khối gấp 3 đến 4 lần so với tập quán trồng rừng cũ của người dân. Cụ thể, nếu người dân trồng rừng theo tập quán cũ thì mỗi héc ta rừng trồng trong thời gian từ 4 – 5 năm sẽ thu hoạch được khoảng 100 tấn. Còn đối với trồng rừng gỗ lớn, sau thời gian chăm sóc từ 8 - 10 năm, tỷ lệ cây sinh trưởng tốt sẽ cho thu hoạch được từ 300 đến 400 tấn/ha. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn có thể khai thác gỗ để bán làm mỹ nghệ, giá trị kinh tế sẽ cao hơn gấp 1,5 lần so với việc bán để làm nguyên liệu dăm gỗ. Tuy vậy, vì muốn thu hồi lợi nhuận nhanh cộng với tâm lý tiếc đất khi phải trồng khoảng cách quá rộng khiến nhiều người dân chưa mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn. “Với những cơ chế khuyến khích của tỉnh cũng như của huyện Thăng Bình, chúng tôi hy vọng năm 2020 này, toàn huyện sẽ trồng được 300ha rừng gỗ lớn, nâng tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2020 của huyện lên 515ha” – ông Nguyễn Văn Hương nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình khó mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO