Tiên Phước đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống cháy rừng

ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN 25/05/2020 10:41

(QNO) - Ngành kiểm lâm và chính quyền các cấp ở Tiên Phước đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp 2017 vì nguyên nhân cháy rừng ở địa phương này thường xuất phát từ các hành vi xâm phạm rừng như đốt ong lấy mật, đốt thực bì...

Để ngăn các mối nguy cơ dẫn đến cháy rừng, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng Tiên Phước thường xuyên tuần tra. Ảnh: Đ.Q
Để ngăn các mối nguy cơ dẫn đến cháy rừng, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng Tiên Phước thường xuyên tuần tra. Ảnh: Đ.Q

Đề cao cảnh giác

Dẫn chúng tôi băng theo lối mòn tuần tra tại tiểu khu 544 (địa phận xã Tiên Châu, thuộc quản lý của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam), anh Mai Xuân Để - bảo vệ rừng của công ty nói: “Rừng sản xuất thì chủ rừng luôn ý thức tốt, nghiêm ngặt trong phòng chống cháy rừng. Mối lo của chúng tôi là những người lạ vào rừng”.

Đó chính là những người đi lấy mật ong, đi bẫy chim, hái hoa lan…, chỉ cần một hành động thiếu ý thức, mang lửa vào rừng thì hiểm họa cháy đã rình rập, cận kề là hàng nghìn cây thông ca-ri-bê. Vì vậy, tổ bảo vệ rừng của công ty phải thường xuyên tuần tra, kịp phát hiện các trường hợp vào rừng để nhắc nhở, tuyên truyền. Nếu nhận thấy có nguy cơ xâm phạm rừng hoặc không an toàn, tổ và cán bộ kiểm lâm yêu cầu họ rời khỏi địa phận bảo vệ.

“Khó khăn nhất của chúng tôi là diện tích rừng lớn, các trường hợp vào rừng từ nhiều ngả đường khác nhau nên khó phát hiện ngay. Từ sự chủ động cảnh giác của người dân được giao rừng, hỗ trợ cán bộ từ Hạt Kiểm lâm Tiên Phước nên khó khăn này cũng giảm đi; tuy vậy chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, chủ động chống lại các nguy cơ dẫn đến cháy rừng” - anh Để cho hay.

Theo Hạt Kiểm lâm Tiên Phước, đặc thù rừng tại địa phương chủ yếu là rừng sản xuất với diện tích khoảng gần 25.200ha. Có 7 xã nằm trong danh sách trọng điểm về cháy rừng là Tiên Thọ, Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Châu… Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời gian cao điểm khai thác rừng trồng, người dân đi lấy mật ong nên nguy cơ cháy rừng lớn do bất cẩn khi dùng lửa đốt thực bì, đốt ong lấy mật, hoặc cả việc vứt tàn thuốc cháy dở…

Theo báo cáo, năm 2019, hơn 10ha rừng trồng keo của người dân đã cháy rụi. Và cách đây chưa lâu, tại địa phương này cũng xảy ra cháy rừng nhưng may mắn là lực lượng bảo vệ rừng và người dân kịp dập lửa nên thiệt hại được giảm thiểu.

Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm 2020, Hạt Kiểm lâm Tiên Phước đã tham mưu chính quyền địa phương ban hành các phương án phòng chống cháy rừng. Dựa vào căn cứ này, mỗi địa phương thành lập ban chỉ đạo cấp xã, trong đó có tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng để thực hiện công tác bảo vệ rừng.

“Cạnh đó, hạt kiểm lâm đã chọn 8 xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để hợp đồng 8 cán bộ chuyên về công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trong những tháng khô hanh. Tất cả lực lượng bảo vệ rừng trên toàn huyện luôn trực chiến 24/24 và sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, máy móc để ứng phó khi có tình huống cháy xảy ra” - ông Đặng Văn Tiến, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước cho biết.

Người dân ý thức

Song hành với công tác tăng cường, củng cố nhân lực, Tiên Phước cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Theo đó, trước khi đốt phải báo cáo với kiểm lâm địa bàn, tổ bảo vệ rừng địa phương, thôn trưởng để giám sát kiểm tra. Nghiêm cấm người dân đốt thực bì sau khai thác vào những ngày cấp cảnh báo cháy rừng ở cấp 4, 5…

Tuyên truyền kiến thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân. Ảnh: Đ. Q
Tuyên truyền kiến thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân. Ảnh: Đ.Q

Theo ông Tiến, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy muốn bảo vệ rừng thì lấy việc phòng ngừa cháy rừng làm chính. Nên địa phương rất chú trọng công tác tuyên truyền, xem đây là biện pháp ưu tiên, thường xuyên.

Ông Tiến chia sẻ: “Nội dung tuyên truyền phải mộc mạc nhất cho dân dễ hiểu. Ngoài việc tuyên truyền lưu động thì luôn lồng ghép với các cuộc hội họp ở địa phương để tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng”.

Điều này đã giúp người dân nâng cao hơn ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu) kể, trước đây nhiều người dân còn thờ ơ với công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, từ việc tuyên truyền liên tục của chính quyền, ngành kiểm lâm nên nhân dân trong thôn rất tích cực trong công tác phòng chống cháy rừng.

“Khi phát thực bì thì dọn ít nhất 5-6 mét, dọn rộng đường ranh ra, mang bình bơm để phun nước hết xung quanh rồi mới đốt mà phải đốt ngược với chiều gió để cho cháy chậm. Bà con ở đây nay cảnh giác lắm, chỉ cần thấy ngọn khói bốc lên ở mô là họ hướng theo đến nơi để coi rừng có bị cháy hay không” - ông Sơn nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiên Phước đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO