Đối thoại chính sách pháp luật lao động

DIỄM LỆ 15/11/2019 12:21

Hội nghị đối thoại chính sách pháp luật lao động (LĐ) giữa Bộ LĐ-TB&XH với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào hôm qua 14.11 thu hút nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu; trong đó DN nêu nhiều thắc mắc liên quan đến việc sử dụng LĐ.

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Hùng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: D.L
Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Hùng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: D.L

Nhiều thắc mắc

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nêu những sai phạm phổ biến thường gặp ở DN trong việc thực hiện pháp luật LĐ. Ông Hùng cho biết, đối với lĩnh vực việc làm, học nghề thường xảy ra sai phạm như thu phí đào tạo không đúng quy định, không đăng ký dạy nghề. Trong việc giao kết hợp đồng LĐ thì việc giao kết không đúng nội dung, không giao người LĐ giữ 1 bản hợp đồng LĐ, không cung cấp thông tin trước khi ký kết hợp đồng LĐ, giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ gốc của người LĐ, thử việc quá thời gian quy định, trả lương trong thời gian không đủ 85% so với mức lương công việc đó... Bên cạnh đó, DN cũng không tổ chức đối thoại định kỳ đối với người LĐ, nội dung thỏa ước LĐ sai luật hoặc chép luật, không xây dựng và đăng ký thang, bảng lương, không trả lương ngừng việc, làm thêm quá số giờ quy định...

Các DN có mặt tại hội nghị cũng nêu nhiều thắc mắc trong thực hiện pháp luật LĐ tại DN. Bà Mỹ Ái đến từ Công ty TNHH MTV Germton (Khu công nghiệp Đông Quế Sơn) hỏi: “Công ty chúng tôi có gần 3.000 LĐ làm việc ngành dệt may. Thực tế có nhiều LĐ tự ý nghỉ việc, chúng tôi có quyền sa thải hay không? Nếu người LĐ nghỉ việc mà chưa hết thời gian báo trước theo quy định thì công ty có trợ cấp không? Người LĐ cao tuổi phải đáp ứng đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH, nếu họ không đạt một trong 2 điều kiện trên có được gọi là LĐ cao tuổi không? Ngày nghỉ lễ không trúng Chủ nhật, nhưng nếu người lao động yêu cầu làm bù ngày Chủ nhật để được nghỉ lễ liên tục, vậy khi công ty cho làm ngày Chủ nhật có phải tính lương 150% không?...”. 

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Groz Beckert Việt Nam (Đại Lộc) thắc mắc chính sách đối với người LĐ nước ngoài: “Khi tập đoàn ở Đức cử người LĐ nước ngoài ở bất cứ chi nhánh nào của tập đoàn tại các nước trên thế giới đến Việt Nam thì trong công ty gọi là di chuyển nội bộ. Nếu xét theo pháp luật quy định thì căn cứ vào hiện diện thương mại của công ty đầu tư tại Việt Nam, nên công ty không được hưởng chế độ di chuyển nội bộ, mà phải xin phép và đóng BHXH ở Việt Nam, dù họ đã được đóng BHXH ở nước ngoài vì đều thuộc công ty mẹ tối cao ở Đức”.

Các doanh nghiệp khác cũng đã hỏi nhiều vấn đề, như Công ty Gami Hội An khi thuê LĐ đặc thù là nghệ sĩ, kiểm tra sức khỏe khi test dính đến người LĐ sử dụng chất cấm, vậy công ty có vi phạm không? Nếu đơn vị y tế xác nhận họ sử dụng chất cấm thì công ty có được chấm dứt hợp đồng LĐ không? Công ty Dusksan Vina (Tam Kỳ) thắc mắc rằng quy định về việc ký hợp đồng LĐ không xác định thời hạn đối với trưởng phòng kế toán, nhân sự... có được không? Người LĐ thông báo nghỉ việc trước 15 ngày, 30 ngày nhưng chưa đến ngày nghỉ thì họ lôi kéo, kích động những LĐ mới vào làm việc thì công ty có xem xét cho họ nghỉ việc trước thời hạn được không? Nếu công ty ký các hợp đồng dịch vụ vệ sinh, chăm sóc cây xanh có liên quan đến vấn đề không được thuê hợp đồng lao động trên 12 tháng hay không? Đại diện Công ty Lixil Inax (Điện Bàn) hỏi, môi trường làm việc trong điều kiện bụi đá, tiếng ồn... thì chỉ cần 1 trong các điều kiện hay phải tất cả các điều kiện mới là độc hại. Cơ sở nào để tính mức lương cao hơn 5% hay 7%?...

Giải đáp cặn kẽ

Ông Nguyễn Tiến Hùng đã trả lời nhiều nội dung mà DN thắc mắc. Cụ thể, theo quy định pháp luật thì người LĐ tự ý bỏ việc sẽ không có quyết định thôi việc, họ sẽ thiệt thòi vì không được trợ cấp nghỉ việc, bảo hiểm thất nghiệp, nên bắt buộc phải có đơn xin nghỉ việc thì mới giải quyết được. Nếu người LĐ đã bỏ đi, đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ thì ra thông báo cho LĐ, nếu họ không đến thì công ty quyết định chấm dứt hợp đồng LĐ với LĐ đó vì họ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ, nếu họ quay lại làm việc thì ra quyết định chấm dứt hợp đồng LĐ vì cộng dồn đã quá 5 ngày nghỉ việc trong tháng. LĐ thiếu một trong hai điều kiện đủ tuổi hoặc đủ thời gian đóng BHXH thì không gọi là LĐ cao tuổi. Nếu người LĐ tự thỏa thuận làm việc để nghỉ bù thì từng người LĐ phải ký đơn, không có tổ chức đại diện để gửi đơn. Theo quy định, nếu giữa 2 ngày nghỉ là ngày làm việc thì người LĐ có thể nghỉ liên tiếp 3 ngày, sau đó làm bù ở ngày nghỉ tiếp theo.

Việc di chuyển trong nội bộ DN theo quy định chỉ áp dụng trên lãnh thổ nước Việt Nam. Căn cứ trong giấy phép thì Groz Beckert có công ty mẹ ở Đức, di chuyển nội bộ theo cách gọi của công ty phải từ công ty mẹ ở Đức chứ không phải từ 1 công ty thành viên ở quốc gia khác đến Việt Nam. Người LĐ nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, nếu đã đóng BHXH thì lấy giấy chứng nhận để không tham gia BHXH 2 lần. Bộ luật Lao động mới sẽ sửa đổi theo hướng người LĐ nước ngoài được phép ký nhiều hợp đồng liên tiếp với LĐ, nhưng thời hạn không quá 2 năm. Khi giấy phép LĐ hết hạn thì đồng nghĩa với việc kết thúc hợp đồng LĐ. DN có sử dụng LĐ nước ngoài thì báo cáo, muốn tuyển mới thì phải đăng ký mới, bỏ giấy phép của người cũ, có giải trình với cơ quan quản lý LĐ địa phương lý do, nhu cầu thay đổi người.

Nếu chấm dứt hợp đồng với người LĐ thì chỉ khi cơ quan y tế kết luận không đủ sức khỏe làm việc, chỉ sa thải nếu bắt quả tang người LĐ sử dụng ma túy tại nơi làm việc. Người sử dụng LĐ giao kết hợp đồng LĐ với người LĐ căn cứ trên nhu cầu, tính chất công việc, nhu cầu đến đâu thì ký đến đó. Nếu công việc xác định thời hạn thì ký hợp đồng 6 tháng, 12 tháng. Khi người LĐ lôi kéo, kích động thì cần xác định nguyên nhân từ cả hai bên, nguyên tắc là công dân được quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Còn lôi kéo, kích động thì rất khó xác định, nên yêu cầu trách nhiệm từ DN. Chấm dứt hợp đồng LĐ bắt buộc phải theo quy định của pháp luật. Việc thuê lại LĐ có 17 nghề được thuê lại hợp đồng LĐ nên ông Hùng khuyến nghị DN cần đọc kỹ quy định. Tên nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã quy định cụ thể, chỉ xác định tên nghề, không cần quan tâm đến điều kiện làm việc thế nào. Khi tính lương tăng thêm 5% hay 7% thì phải có căn cứ xác định đó là việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm, hay việc bình thường...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại chính sách pháp luật lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO