Hỗ trợ lao động là người khuyết tật

PHAN VINH 14/01/2020 14:04

Nhiều năm qua, Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng - Phú Thịnh (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) đặc biệt sử dụng lao động là người khuyết tật tại địa phương, mang đến cho họ một công việc và chế độ đãi ngộ công bằng, ổn định.

Nhiều lao động là người khuyết tật thích nghi tốt với môi trường công nghiệp. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều lao động là người khuyết tật thích nghi tốt với môi trường công nghiệp. Ảnh: PHAN VINH

Vào môi trường công nghiệp

Bị chứng teo chân bẩm sinh, anh Nguyễn Xuân Công (khối phố Cẩm Thịnh, thị trấn Phú Thịnh) lớn lên trong vô vàn khó khăn. Rời ghế nhà trường khi việc học còn dang dở nhưng không chấp nhận là gánh nặng cho gia đình, anh quyết tâm lên Đắk Lắk kiếm việc làm vì nghe nhiều người nói trên đó cần lao động.

Bôn ba với nhiều nghề làm thuê ở đất Tây Nguyên nhưng vì khuyết tật đôi chân mà anh không thể theo được công việc nào dài lâu hoặc nhiều người chủ không chấp nhận năng suất lao động thấp. Năm 2016, anh về quê cưới vợ và nghe Công ty  TNHH May mặc Mỹ Hưng - Phú Thịnh sẵn sàng nhận lao động là người khuyết tật, anh nộp hồ sơ và may mắn được nhận vào làm ổn định đến nay.

“Công việc của tôi tại Mỹ Hưng Phú Thịnh là một vị trí trong chuyền nhiều công đoạn sản xuất, gia công các loại quần áo. Có lúc tôi đứng máy may, cũng có lúc làm khâu gắn nút… So với những công việc mà tôi làm hồi trước thì ở đây khá nhẹ nhàng và thuận lợi. Đã vào chuyền nào thì ngồi một chỗ nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến khiếm khuyết của đôi chân” - anh Công nói.

Làm việc tại Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng - Phú Thịnh không chỉ có anh Công mà còn có đến hơn 20 lượt người khuyết tật khác. Hiện tại, công ty này đang sử dụng 8 lao động thường xuyên là người khuyết tật tại địa phương. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng cảm thấy công việc thuận lợi và nhẹ nhàng như anh Công. Vì làm việc trong môi trường công nghiệp nên tất cả mọi công đoạn phải đi vào nền nếp, khuôn khổ. Các vị trí trong chuyền phải làm việc cùng năng suất với nhau thì mới vận hành và đạt năng suất tốt.

Trường hợp của chị Huỳnh Thị Sen (SN 1988, thôn Xuân Trung, xã Tam Đàn, Phú Ninh) bị khuyết tật cột sống và mất 3 ngón tay khi làm việc tại Mỹ Hưng - Phú Ninh là không dễ dàng chút nào. Chị Sen chia sẻ: “Khi vào chuyền thì mọi người chạy, mình cũng phải chạy. Nhưng sức khỏe của mình hạn chế, nhiều lúc mệt, hàng ứ đọng lại tại vị trí của mình. Cũng may mọi người hiểu, thông cảm và giúp đỡ cho nên công việc không bị ách tắc. Có lúc đang làm, tự dưng trong người bị choáng, mình phải xin nghỉ một lát rồi mới làm việc lại được”.

Đãi ngộ công bằng

Theo ông Phan Đức Hùng (Phòng Quản lý nhân sự, Công ty May mặc TNHH Mỹ Hưng - Phú Thịnh), công ty được thành lập năm 2014, tiêu chí mà Ban giám đốc đặt ra khi tuyển dụng lao động là ưu tiên người địa phương, biết may cơ bản, siêng năng trong công việc. Chính vì vậy, việc tuyển dụng trở nên thoáng hơn và không khắt khe đối với lao động là người khuyết tật. Hiện tại, 8 công nhân là người khuyết tật đang làm việc ổn định tại công ty. Trong đó, có người đã làm trên 3 năm. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng lao động là người khuyết tật đối với công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Tiến độ hoạt động chung của các chuyền khó đảm bảo năng suất vì sức khỏe của họ cũng có phần hạn chế. Một số trường hợp bị câm, điếc khiến công ty không khai thác hết khả năng lao động vì khó tương tác. Ngoài ra, cũng có trường hợp không thích nghi được với môi trường công nghiệp mà tự ý bỏ việc giữa chừng, không xin phép làm mất vị trí trong chuyền đột xuất.

Theo ông Hùng, sau khi sử dụng lao động là người khuyết tật tại địa phương vào làm việc công ty có sự đồng cảm, chia sẻ và thương mến họ. Công ty trả lương theo năng suất công việc và có nhiều người khuyết tật nhưng năng suất lao động không thua người bình thường. Có người tìm được công việc phù hợp thì siêng năng, chịu khó, tạo động lực và cảm hứng cho những lao động khác trong công ty.

“Đến nay, các chế độ đãi ngộ dành cho công nhân ngành may mặc được chúng tôi áp dụng đồng đều, không có sự phân biệt, vào mỗi dịp lễ, tết, tất cả mọi người đều thưởng và nhận quà. Đồng thời, hiện nay công ty cũng đang đóng bảo hiểm cho hơn 300 lao động với khoản chi phí mỗi năm khá cao. Khi người lao động khuyết tật vào làm việc tại công ty thì bảo hiểm y tế của họ tại địa phương bị cắt và công ty phải đóng khoản này. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động là người khuyết tật, chúng tôi mong muốn các ban ngành hỗ trợ, chia sẻ khoản bảo hiểm này đối với công ty” - ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ lao động là người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO