Ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam: Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu

DIỄM LỆ 05/12/2019 10:39

Nhiều chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội của tỉnh đến nay đã hoàn thành vượt mức. Những nhiệm vụ tưởng chừng như khó đạt được như giảm nghèo, giải quyết việc làm hay xuất khẩu lao động đều đã có kết quả hơn mong đợi.

Nhiều lao động miền núi đã thay đổi tư duy học nghề, lập nghiệp. Ảnh: D.L
Nhiều lao động miền núi đã thay đổi tư duy học nghề, lập nghiệp. Ảnh: D.L

Bám sát giảm nghèo

Từ đầu năm 2019, chỉ tiêu giảm nghèo được đặt ra, phải giảm hơn 5.000 hộ nghèo trong năm. Dựa trên thực trạng hộ nghèo được phân tích có sự chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng, nhiệm vụ này dường như là không thể hiện thực hóa. Nhưng nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh được ấn định bằng quyết tâm chính trị cao nhất, cả hệ thống từ tỉnh đến huyện, xã cùng vào cuộc. Nhiều cuộc làm giữa giữa Sở LĐ-TB&XH với các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao liên tục diễn ra.

Các huyện cũng vào cuộc bằng những nghị quyết, những nhiệm vụ cụ thể, được giao cho từng xã, thị trấn. Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh liên tục có những văn bản đôn đốc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Và đến đầu tháng 12.2019, theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của các địa phương, mục tiêu giảm 5.005 hộ nghèo không chỉ có khả năng đạt mà còn vượt. Dù vẫn còn chờ các địa phương cấp huyện rà soát, thẩm tra phê duyệt, nhưng kết quả sơ bộ cũng đem lại tín hiệu khả quan cho kết quả giảm nghèo của tỉnh năm 2019.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói, mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn trong năm 2019, nhưng kết quả đến nay đã đạt được là điều rất đáng phấn khởi. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện rất nhiều giải pháp, phối hợp cùng các địa phương bám sát thực trạng hộ nghèo của từng nơi để hỗ trợ thoát nghèo thực chất. Ngoài các cuộc làm việc thường xuyên, từ đầu tháng 10.2019, sở đã điều động thêm cán bộ từ các đơn vị, phối hợp với địa phương cấp huyện, thành lập nhiều tổ công tác trực tiếp đến các xã, thị trấn, đặc biệt là khu vực miền núi để hỗ trợ, giám sát việc rà soát kết quả giảm nghèo tận nơi.

“Cách này như kiểu cầm tay chỉ việc cho cán bộ làm công tác giảm nghèo vậy, hỗ trợ mọi mặt về nghiệp vụ, cách rà soát để họ làm đúng, thực chất, không bỏ lọt hộ nghèo trong diện phải rà soát, cũng như đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo ở địa phương theo chuẩn đa chiều đã quy định, hạn chế việc chạy chỉ tiêu giảm nghèo mà đưa con số rà soát không chính xác. Con số hộ giảm nghèo này chưa phải là con số cuối cùng, nhưng một điều chắc chắn là giảm nghèo đã đi vào thực chất hơn” - ông Triều chia sẻ.

Giải quyết việc làm hiệu quả

Năm 2019, trên toàn tỉnh, số lao động được tạo việc làm tăng thêm đạt 19.208 người (chỉ tiêu 15.000; xuất khẩu lao động 1.525 người (chỉ tiêu 1.500); tuyển sinh đào tạo nghề 35.568 người (chỉ tiêu 35.500). Trong năm đã xác nhận, điều chỉnh và thực hiện chế độ hơn 46 nghìn trường hợp người có công, không có hồ sơ tồn đọng cấp tỉnh, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được 6,848 tỷ đồng (bằng 228% kế hoạch), Quỹ “Bảo trợ trẻ em” vận động được 6,94 tỷ đồng (bằng 115,7% kế hoạch). Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công 8.156 hồ sơ, tất cả được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

Đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) ở cả thị trường trong nước và nước ngoài của tỉnh thời gian qua đã khởi sắc vượt bậc. Sau nhiều năm tuyển sinh khó, các trường trung cấp nghề của tỉnh năm này đều tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Đó là dấu hiệu đáng mừng khẳng định sự thay đổi trong quan niệm học nghề, lập nghiệp của người dân.

Không chỉ học nghề cao đẳng, trung cấp, các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 3577 của UBND tỉnh đều thu hút đông người học. Tổng số người học nghề qua các khóa đào tạo trong năm 2019 đạt 35.568 người (bằng 100,19% kế hoạch), đưa tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh lên 62,01%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư mới nên LĐ được giải quyết việc làm tăng thêm đạt hơn 19 nghìn người. Thậm chí những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp rất lớn nhưng số LĐ để cung ứng cho doanh nghiệp không đủ để cung ứng.

Đặc biệt, đào tạo nghề cho LĐ vùng nông thôn, miền núi theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh đã khẳng định hiệu quả. Từ khi có chính sách này đến nay, đã có 4.588 trường hợp được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trong đó có hơn 85% số LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số đã đến làm việc tại các doanh nghiệp.

Ông Triều cho biết, thành công lớn nhất của chính sách này chính là đã thay đổi được tư duy của LĐ miền núi, từ chỗ không chịu rời xa bản làng, nay đã đến được nơi làm việc mang tính chất công nghiệp, kỷ luật, nhiều gia đình đã thoát nghèo khi có LĐ đi làm việc theo Quyết định 3577. Việc này góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu LĐ cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo cho người dân. Trong giải quyết việc làm có kênh đi xuất khẩu LĐ đã đưa được 1.525 người đi làm việc ở các thị trường chất lượng, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam: Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO