Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cần sớm tháo gỡ bất cập

TRẦN HỮU 20/08/2020 07:24

Để triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hiệu quả, cần công cụ đánh giá, giám sát chính sách này một cách đồng bộ và phù hợp hơn với thực tiễn.

Phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đồng bào vùng cao xã Mà Cooih (Đông Giang). Ảnh: H.P
Phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đồng bào vùng cao xã Mà Cooih (Đông Giang). Ảnh: H.P

Thiếu thống nhất

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng cấp Trung ương lẫn địa phương đang áp dụng cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ việc thu, chi tiền DVMTR, ký kết hợp đồng, quản lý bảo vệ rừng, chi trả qua tài khoản và trồng rừng thay thế. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhiều địa phương trong cả nước sử dụng số liệu diễn biến rừng từ cơ quan kiểm lâm cung cấp nhưng số liệu này chỉ là một trong những cơ sở để giám sát thực hiện chi trả DVMTR.

Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam tập huấn, hướng dẫn và phổ biến 4 loại phương pháp đánh giá, gồm giám sát đánh giá giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR; giám sát nội bộ; giám sát theo cấp quản lý; giám sát theo chương trình dự án. Vướng mắc là mỗi nơi vận dụng một kiểu, thiếu thống nhất. Vì vậy, về phía Quảng Nam, Sở NN&PTNT đề xuất, Bộ NN&PTNT nhanh chóng xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chi trả DVMTR thống nhất trên cả nước. Đồng thời có lộ trình xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá gồm tiếp tục nghiên cứu, thí điểm để tổng kết, bổ sung các nội dung giám sát và đánh giá trong Nghị định số 156 của Chính phủ. Đồng thời, Quỹ  Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam phối hợp với Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng cấp tỉnh và các chương trình, dự án tiếp tục thí điểm, tổng kết, tham mưu Tổng cục Lâm nghiệp ban hành sổ tay hướng dẫn giám sát và đánh giá chi trả DVMTR.

Về chính sách chi trả DVMTR, năm 2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 99, đến năm 2018 lại có Nghị định số 156. Lần này, mở rộng hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Riêng cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp, hiện nay có 25 tỉnh, thành phố, xác định được danh sách cơ sở phải nộp tiền DVMTR. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, ngành lâm nghiệp sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chây ì, nợ đọng tiền chi trả DVMTR kéo dài. Triển khai mạnh mẽ việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để nâng cao tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong công tác giải ngân.

Chọn lựa hình thức giải ngân phù hợp

Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tổ chức hội thảo, tập huấn với nhiều chủ rừng, các hạt kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương hướng dẫn cách thức chuyển tiền đến tài khoản của chủ rừng thông qua kênh ViettelPay. Bằng hình thức này, chủ rừng sẽ nhận được tin nhắn thông báo trên điện thoại về số tiền nhận được. Nếu muốn rút tiền mặt, chủ rừng có thể đến đại lý ủy quyền của Viettel nơi gần nhất để làm thủ tục nhận tiền. Có thể sử dụng để thanh toán trực tuyến, chuyển khoản cho người thân hay thanh toán tiền điện, tiền nước qua thao tác trên điện thoại mà không cần dùng tiền mặt.

Việc chi trả DVMTR qua ứng dụng ViettelPay có nhiều tiện ích, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát. Bộ NN&PTNT đưa ra lộ trình, đến cuối năm 2019 các địa phương không dùng tiền mặt để chi trả tiền DVMTR. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, kế hoạch năm 2020 chấm dứt sử dụng tiền mặt trong chi trả DVMTR khó triển khai đồng loạt ở các chủ rừng, địa phương trên địa bàn tỉnh, do nhiều chủ rừng mới triển khai thí điểm mô hình chuyển từ hình thức giao khoán bảo vệ rừng ở nhóm hộ, cộng đồng dân cư sang thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tỷ lệ giải ngân ở một số địa bàn vùng cao còn hạn chế do công tác kiểm kê rừng chưa hoàn thiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chi trả phí DVMTR qua hệ thống điện tử (thẻ ATM, mobile banking, Viettel Pay) dù được đánh giá mang tính bảo mật cao và phù hợp với xu hướng hiện nay, nhưng ở một số huyện miền núi còn bất cập. Đơn cử, tại huyện Nam Giang, năm 2019, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, các chủ rừng trên địa bàn huyện đã thực hiện giao khoán hơn 53.318ha cho 202 nhóm hộ với kinh phí (chi tạm ứng) hơn 9 tỷ đồng, hầu hết số tiền chi trả DVMTR đều được thanh toán qua hệ thống điện tử (ATM, mobile banking, Viettel Pay). Nhưng theo nhiều người dân địa phương, Nam Giang hiện nay chỉ có 1 trụ ATM đặt tại trung tâm hành chính huyện, cách xa nhiều xã vùng cao từ 50 - 70km nên việc rút tiền gặp nhiều khó khăn. Theo UBND huyện, để khắc phục hạn chế trong thanh toán tiền qua hệ thống điện tử, địa phương đề xuất tiếp tục cách thức thanh toán qua mạng lưới bưu điện như trước đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc nhận tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cần sớm tháo gỡ bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO