Chống thất thoát tài nguyên

TRẦN HỮU 27/02/2020 11:34

Trung ương và Quảng Nam đã phân vùng quy hoạch khoáng sản, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, chống thất thoát tài nguyên.

Lãnh đạo tỉnh trong lần kiểm tra khoáng sản cát tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn). Ảnh: T.H
Lãnh đạo tỉnh trong lần kiểm tra khoáng sản cát tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn). Ảnh: T.H

Sớm gỡ bất cập

Theo Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT), các loại khoáng sản như vàng thiếc, than đá phân bổ chủ yếu ở trung du, miền núi nằm phân tán, không tập trung nên khâu quản lý, bảo vệ thường rất khó khăn. Một vướng mắc, Quảng Nam đã chủ trương đóng cửa rừng từ hàng chục năm nay, nhưng vẫn có không ít dự án khoáng sản tác động đến rừng tự nhiên.

Tại khu 1, mỏ than Sườn Giữa (xã Đại Hưng, Đại Lộc), Bộ TN-MT đã cho phép Công ty CP Tập đoàn Thái Group thăm dò khoảng sản trên diện tích hơn 323ha từ năm 2016 đến nay. Tương tự, hàng chục ki-lô-mét vuông được bộ này chấp thuận cho các doanh nghiệp thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng, than đá, đá vôi, các loại khoáng sản khác tại các huyện miền núi. Hầu hết giấy phép khai thác, thăm dò trữ lượng đều tác động đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Cục Kinh tế địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) thống kê, trong số hàng chục nghìn mỏ khoáng sản của cả nước, đến nay chỉ có khoảng 300 mỏ khoáng sản với tổng giá trị 585 tỷ đồng đã được đấu giá thành công. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra con số gần 5.000 tỷ đồng không thu được số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu tài nguyên khoáng sản được xác định là Chính phủ chậm ban hành nghị định thực hiện Luật Khoáng sản, thiếu thông tin về trữ lượng khoáng sản.

Theo thống kê, có ít nhất 20 khu vực được Bộ TN&MT và UBND tỉnh cho chủ trương lập thủ tục điều tra, thăm dò, cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho doanh nghiệp. Thực tế xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng thăm dò để lén lút khai thác trái phép tài nguyên.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam - ông Lại Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép như than, titan, đất hiếm… vẫn còn xảy ra. Mặc dù,  Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên nhưng việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát sỏi lòng sông, than, hay khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Vì vậy, theo Bộ TN&MT cần xác định các loại khoáng sản có giá trị về mặt chiến lược, lâu dài để dự trữ cho đất nước. Đối với những mỏ đang khai thác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp; có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong và sau quá trình khai thác, không để lại hậu quả làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân trong khu vực…

Quy hoạch theo nhóm

Theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì đối tượng của quy hoạch bao gồm các nhóm khoáng sản: quặng chì, kẽm; quặng crômit, mangan; quặng đá quý, đất hiếm; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; quặng thiếc, vonfram và antimon; quặng vàng, đồng, niken, molipđen; khoáng chất công nghiệp serpentin, barit, grafit, fluorit, bentonit, diatomit và talc; khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, magnezit; khoáng chất mica, pyrit, quarzit, thạch anh, silimanit, sericit, vermiculit và các loại quặng apatit, bô xit, sắt, titan.

Hiện nay, Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT, các tỉnh, thành phố thuộc trung ương trong khâu lập quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quan điểm phát triển; không thuộc khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản mà các địa phương khoanh định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đã thẩm định. Trên cơ sở tài nguyên trữ lượng của các loại khoáng sản và được cập nhật đến thời điểm lập quy hoạch, thông tin cập nhật hiện trạng về các dự án đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác, cần phân tích, đánh giá hiện trạng, kết quả đạt được trong kỳ quy hoạch.

Theo Bộ TN&MT, quy hoạch khoáng sản cần chỉ ra những vướng mắc, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch; tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới, kết quả nghiên cứu trong nước; lợi thế cạnh tranh của khoáng sản qua chế biến. Nhóm lập quy hoạch phải tính đến dự phòng ứng phó khi nền kinh tế có biến động tích cực hoặc tiêu cực tác động đến quy hoạch.

Đối với các khoáng sản thuộc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram và antimon giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn hiệu lực…, thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống thất thoát tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO