Đại diện UNESCO tại Hà Nội: Khu sinh quyển cần tiên phong giảm rác thải nhựa

QUỐC TUẤN 12/11/2019 10:41

Nhận thức về mối nguy của rác thải nhựa trong cộng đồng đang dần có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên để giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống vẫn còn là một câu chuyện dài phía trước. Với vai trò, sứ mệnh của mình, các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta cần là các hình mẫu về tiết giảm và hướng tới nói không với rác thải nhựa. Quảng Nam Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Lan Hương - Điều phối bộ phận khoa học Văn phòng UNESCO tại Hà Nội về vấn đề này.

Cù Lao Chàm - Hội An là một trong những khu dự trữ sinh quyển đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Q.T
Cù Lao Chàm - Hội An là một trong những khu dự trữ sinh quyển đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Q.T

* Bà đánh giá như thế nào về những thành tựu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa của Cù Lao Chàm - Hội An và theo bà đâu là điểm mấu chốt để đạt được điều đó?

Bà Trần Lan Hương: Điều đáng ghi nhận, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trên cả nước nói không với túi ny lon ngay từ năm 2009 - thời điểm mà hầu hết địa điểm khác vẫn còn hoặc chưa hề nhận thức và có động thái về vấn đề này. Một dấu ấn tích cực khác khi Cù Lao Chàm không dừng lại với những thành công bước đầu mà cố gắng hướng đến mục tiêu cao hơn trong bối cảnh mới chính là giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ rác thải nhựa.

Ở đây, không khó để nhận thấy sự thành công đến từ chính nhận thức và sự hợp tác của cộng đồng. Có thể nói, xây dựng được nhận thức đúng đắn từ cộng đồng là yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu. Bắt nguồn từ một mô hình có phạm vi nhỏ giờ đây nó đã lan tỏa ra ngoài phạm vi của địa phương. Cũng cần nhắc đến sự ủng hộ và vai trò tích cực của chính quyền địa phương, khi chỉ đạo triển khai mạnh mẽ cả một phong trào “nói không với túi ny lon”.

* Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu sinh quyển vẫn tồn tại dai dẳng và nó nguy hại ra sao khi so với việc ô nhiễm ở các khu vực khác, thưa bà? 

Bà Trần Lan Hương: Hiện nay, ranh giới, địa hình trong hệ thống các khu sinh quyển ở Việt Nam rất đa dạng bao gồm cả: núi cao, rừng, đồng bằng, ven biển, đảo… Vì vậy việc ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung ở khu sinh quyển rất dễ tác động xấu đến nguồn nước - yếu tố tác động rất lớn đến đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, tổn hại môi trường ở các khu sinh quyển đe dọa trực tiếp làm tổn thương hệ sinh thái với rất nhiều hệ động thực vật quý hiếm khiến môi trường mất cân bằng nghiêm trọng. Điều này tất yếu dẫn đến chất lượng môi trường sống của các đô thị, nông thôn lân cận các khu sinh quyển sẽ tụt dốc thảm hại.

* Vậy, theo bà các khu sinh quyển cần “tuyên chiến” với rác thải nhựa?

Bà Trần Lan Hương: Tôi cho rằng, các khu sinh quyển cần đi tiên phong trong việc chống lại rác thải nhựa và đưa ra các sáng kiến giúp giảm thiểu rác thải nhựa trong cuộc sống cộng đồng. Các khu sinh quyển cần là mô hình phát triển bền vững, điển hình ở các địa phương mà nó tọa lạc. Trong các khu sinh quyển, ngoài vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt còn có vùng đệm và vùng chuyển tiếp diễn ra các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động. Đây là các khu vực lý tưởng để thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa từ đó cải thiện sinh kế, môi trường cho cư dân bản địa, giúp cho cả hệ sinh thái trong khu sinh quyển có được một chất lượng sống bền vững.

Thực tế hiện nay, không chỉ Cù Lao Chàm - Hội An, các khu sinh quyển khác đều đang có những động thái mạnh mẽ để “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Nhiều sáng kiến, giải pháp xanh để tiết giảm cũng như khuyến khích cộng đồng tham gia được lồng ghép sinh động như “đổi chai nhựa lấy quà”, “biến rác thành tiền”…

* Nhưng việc tiết giảm rác thải nhựa ở các nơi vẫn chủ yếu đến từ việc tuyên truyền và phụ thuộc không nhỏ vào ý thức của cộng đồng mà thiếu đi khung pháp lý và tính răn đe mạnh mẽ hơn...

Bà Trần Lan Hương: Đây rõ ràng là một hạn chế khiến việc giảm thiểu rác thải nhựa chưa thể như kỳ vọng. Một bộ phận cộng đồng vẫn chưa xây dựng được ý thức tự giác về việc bảo vệ môi trường nhất là khi vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa liên quan đến hành vi sinh hoạt hàng ngày. Ngoài việc tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức từ người dân cần thiết phải có sự định hướng và cam kết cụ thể từ phía chính quyền các cấp. Thời gian qua, UNESCO cùng Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này cũng là một cách để thúc đẩy các nhà quản lý có thể xây dựng kế hoạch hành động, nền tảng cơ bản để xử lý vấn đề căn cơ, đồng bộ.

Về lâu dài, cần hình thành một khung pháp lý bài bản để kiểm soát rác thải nhựa nhất là tại các khu sinh quyển và các chế tài quy định cụ thể đối với các hành vi trái với quy định hạn chế rác thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường tại khu sinh quyển. Đơn cử như hiện nay tại Hồ Gươm (Hà Nội) đã tổ chức ghi hình, treo biển xử phạt người xả rác tại phố đi bộ. Việc này bước đầu đem lại kết quả tích cực, khiến người dân cũng như du khách chấp hành tốt hơn rõ rệt.

* Các giải pháp, vật liệu thay thế hiện khá hạn chế có phải cũng là một rào cản, bà có nghĩ vậy không?

Bà Trần Lan Hương: Thực sự đây là một câu chuyện khó giải quyết trong một sớm, một chiều. Chúng tôi luôn khuyến khích và có những cơ chế hỗ trợ các khu sinh quyển cố gắng thực hiện các hoạt động tái chế một cách tối đa nếu có thể. Hiện nay, UNESCO cũng đang cố gắng phối hợp với Bộ KH&CN có các chương trình khuyến khích giới trẻ nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm thay thế, vật liệu thân thiện với môi trường để giải quyết một phần nào đó vấn đề này.

* Vậy UNESCO cũng như Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam kỳ vọng gì vào việc xây dựng chương trình hành động trong thời gian đến của các khu sinh quyển?

Bà Trần Lan Hương: Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có những cam kết cụ thể từ ban quản lý các khu sinh quyển, bên cạnh đó là xác định kế hoạch hành động, xây dựng sáng kiến liên quan đến xử lý rác thải nhựa để triển khai với các mốc thời gian cụ thể. Ở đây, ngoài vai trò của ban quản lý còn phải đề cập đến sự tham gia của chính quyền, người dân, doanh nghiệp địa phương bởi chỉ khi có được sự tương tác, kết nối hiệu quả giữa các bên liên quan thì mới có thể trông đợi vào kết quả tích cực từ các chương trình hành động.

* Hầu hết khu sinh quyển hiện nay đều phát triển hoạt động du lịch mạnh mẽ, đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến áp lực từ rác thải nhựa. Vậy đâu là giải pháp để hài hòa, cân bằng giữa khai thác và bảo tồn?

Bà Trần Lan Hương: Các khu sinh quyển đều sở hữu cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên đặc sắc đi kèm với đa dạng sinh học cao nên việc phát triển du lịch là điều tất yếu và cũng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi luôn khuyến cáo chính quyền ở các khu sinh quyển cần chủ động ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm. Mới đây, vào tháng 9.2019, chúng tôi cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức hội thảo “Du lịch không rác thải”. Đây là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi các giải pháp hướng tới du lịch xanh cũng như có giải pháp quản lý rác thải hiệu quả từ hoạt động du lịch. Ngoài ra, UNESCO cũng có hướng dẫn, khuyến cáo không chỉ ở các khu sinh quyển mà còn với các di sản thiên nhiên thế giới về việc hạn chế số lượng khách du lịch ở một ngưỡng nhất định. Ngoài Cù Lao Chàm thời gian qua đã khống chế không quá 3.000 khách/ngày ra đảo thì các nơi khác như Sơn Đoòng (Quảng Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hay Tràng An (Ninh Bình) đã chứng minh hoạt động hiệu quả nhờ việc cân bằng lượng khách so với khả năng phục vụ của các điểm đến.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại diện UNESCO tại Hà Nội: Khu sinh quyển cần tiên phong giảm rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO