“Khủng hoảng” xử lý rác thải - Bài 2: Tìm sự đồng thuận

HỮU PHÚC 04/09/2019 11:08

Ngoài tổ chức đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của người dân trong vùng dự án, các cấp chính quyền địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các bãi xử lý rác thải, tuyệt đối không để tái diễn sự cố gây ô nhiễm tương tự như thời gian qua.

Lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cam kết khắc phục triệt để sự cố ô nhiễm môi trường tại cuộc đối thoại với nhân dân xã Tam Xuân 2.
Lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cam kết khắc phục triệt để sự cố ô nhiễm môi trường tại cuộc đối thoại với nhân dân xã Tam Xuân 2.

Người dân phản đối

Các bãi rác, khu xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp quy mô lớn của tỉnh chủ yếu tập trung ở Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc). Người dân các thôn Bích Ngô, Bích Nam, Bích Sơn (xã Tam Xuân 2) đã nhiều lần tập trung phản đối, đỉnh điểm từ ngày 25 - 27.7, sau đó khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 dừng hoạt động cho đến nay. Thời gian qua, giữa chính quyền địa phương, ngành chức năng của tỉnh, Công ty CP Môi trường  đô thị Quảng Nam và người dân xã Tam Xuân 2 tổ chức đối thoại nhiều lần, gần đây nhất là ngày 28.8, song giữa các bên vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung. Hiện khu xử lý rác thải này vẫn chưa thể hoạt động trở lại do người dân tiếp tục cản trở, khiến khối lượng rác thải ùn ứ mỗi ngày nhiều thêm.

Bà Phạm Thị Khuê (thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2) cho biết, không thể cản trở mãi việc đưa xe vận chuyển rác thải vào khu vực xử lý của nhà máy, người dân yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả, không để tái diễn các sự cố xảy ra tương tự như phải khống chế mùi hôi, tuyệt đối không để nước thải rỉ ra môi trường. Bên cạnh đó, người dân kiến nghị để họ trực tiếp lấy mẫu nước quan trắc môi trường nếu thấy nghi ngờ; các ngành chức năng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phun hóa chất của công ty; quá trình xử lý, hệ thống xả thải phải đảm bảo quy định như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt dự án bãi rác Tam Xuân 2 rộng hơn 22ha (thay cho bãi rác Tam Đàn đã đóng cửa), dự án được đánh giá kỹ lưỡng báo cáo tác động môi trường, đảm bảo cự ly khoảng cách an toàn so với khu dân cư. Để đảm bảo vành đai khu xử lý an toàn, từ năm 2016 địa phương đã di dời 8 hộ dân ra ngoài phạm vi dự án. Khu xử lý này mỗi ngày tiếp nhận, xử lý bình quân 250 tấn rác thải sinh hoạt các loại ở TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn và Thăng Bình. Vì quá lo sợ ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng trong tương lai, cộng với tâm lý không muốn tồn tại bãi chứa rác tại địa phương nên người dân phản đối với nhiều ý kiến khác nhau.

Không để  “điểm nóng” về môi trường

Thực hiện cam kết với người dân

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, sự cố về mùi hôi ở khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 đã được công ty khắc phục triệt để. Về giải pháp ổn định chất lượng nguồn nước, đơn vị cam kết đầu tư 2,4 tỷ đồng hệ thống cấp nước sạch cho các thôn Bích Ngô, Bích Nam của xã Tam Xuân. Trước mắt, công ty sẽ cung cấp nước uống (mỗi hộ 10 bình nước đóng chai loại 20 lít mỗi tháng) cho các hộ dân khu vực gần khu xử lý cho đến khi công trình cấp nước sạch đi vào vận hành; tổ chức miễn 100% phí vệ sinh và hỗ trợ nhân công để thu gom, vận chuyển rác tại các thôn Bích Nam, Bích Ngô.

Đại diện Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, dự kiến hôm nay 4.9, đơn vị sẽ chủ động làm việc với người dân, truyền đạt thông báo kết luận của UBND huyện, đồng thời công ty tiến hành thực hiện như đã cam kết với người dân. Tuy vậy, việc đầu tư 25 nghìn mét vuông bạt phủ HDPE lên toàn bộ diện tích của khu vực đang xử lý chưa thể thực hiện do người dân còn “cấm đường”.

Câu chuyện ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân tại khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, theo nhìn nhận của Phó Giám đốc Sở TN&MT – bà Lê Thị Tuyết Hạnh, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư là Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam. Có nhiều nguyên nhân xảy ra sự cố do sự chủ quan lẫn khách quan, nhưng sai sót vẫn là yếu tố chủ quan, công ty chưa khắc phục ô nhiễm một cách triệt để. Điều này dẫn đến tâm lý hoài nghi về việc thực hiện cam kết, khả năng xử lý môi trường đảm bảo của công ty. Tại cuộc đối thoại ngày 28.8, nhiều ý kiến của nhân dân kiến nghị, các ngành chức năng cần kiểm tra lại báo cáo đánh giá tác động môi trường về khí thải, nước thải, mùi hôi thối nằm trong cự ly cho phép các khu dân cư. Chính quyền xã, ban nhân dân thôn cần thành lập tổ giám sát quá trình xử lý rác thải của nhà máy.

Chính quyền tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương tiếp tục xử lý lượng rác tồn đọng chưa đưa vào khu xử lý tập trung, đồng thời thực hiện kết hợp 2 hình thức vừa chôn lấp vừa đốt; kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh, không để chuyện rác thải trở thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – ông Trương Văn Trung cho rằng, chính quyền xã Tam Xuân 2 và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tiếp tục làm việc với người dân vùng dự án, truyền đạt ý kiến kết luận giải quyết của lãnh đạo huyện sau cuộc đối thoại ngày 28.8. Về phía công ty, phải tập trung lực lượng để khắc phục triệt để ô nhiễm, không để tái diễn sự cố tương tự; cam kết lộ trình và đưa ra mốc thời gian khắc phục hậu quả, mở cửa bãi rác trở lại để nhân dân giám sát. “Muốn vậy thì người dân cần hợp tác, thiện chí, không được cản trở để công ty đưa máy móc thiết bị, dụng cụ hóa chất vào khu xử lý khắc phục mùi hôi. Các thôn thành lập tổ giám sát hoạt động của nhà máy; nếu khu vực nào thấy nghi ngờ ô nhiễm có thể trực tiếp lấy mẫu nước để quan trắc môi trường. Khi nào có đủ cơ sở khoa học chứng minh trâu bò, ruộng lúa của bà con chết do ô nhiễm từ khu xử lý rác thì công ty có trách nhiệm bồi thường” – ông Trung nêu cách giải quyết.

Trong khi đó, để không gây áp lực cho bãi rác Tam Nghĩa (Núi Thành), lãnh đạo chính quyền yêu cầu công ty chỉ được phép chở rác đúng công suất cho phép (mỗi ngày vận chuyển 20 chuyến xe rác); chứ không tăng lên 30 - 40 chuyến xe rác vào bãi khiến dân bức xúc, tập trung cản trở, dừng hoạt động gần 10 ngày như thời gian vừa qua.

Bài cuối: Chọn cách xử lý phù hợp

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Khủng hoảng” xử lý rác thải - Bài 2: Tìm sự đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO