“Khủng hoảng” xử lý rác thải - Bài cuối: Chọn cách xử lý phù hợp

HỮU PHÚC 05/09/2019 10:52

Nhận thấy các bãi rác lâu nay chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Quảng Nam chọn mô hình lò đốt hiện đại mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo huyện Núi Thành và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tổ chức đối thoại với người dân xã Tam Xuân 2.
Lãnh đạo huyện Núi Thành và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tổ chức đối thoại với người dân xã Tam Xuân 2.

Không xả nước thải ra môi trường

Để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và quá trình đô thị hóa, trước đây tỉnh đã tính toán quy hoạch phạm vi, cự ly không gian các bãi rác, khu xử lý rác thải để các địa phương dễ thu gom, vận chuyển, xử lý. Từ năm 2010, hạng mục đầu tư hạ tầng xử lý tại các bãi rác tại Núi Thành, Đại Lộc, Hội An đều bằng nguồn vốn ngân sách. Tại thời điểm đó, cách tiếp cận công nghệ hạn chế, giống như nhiều địa phương khác của cả nước, kể cả các thành phố lớn như TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chủ yếu sử dụng hình thức chôn lấp. Ngoại trừ rác thải y tế, chất thải rắn độc hại, dùng công nghệ lò đốt, thì hầu hết rác thải sinh hoạt thông thường đều chôn lấp. Thế nhưng, đến nay hàng loạt các bãi rác tập trung của tỉnh chiếm diện tích khá lớn, lần lượt trong tình trạng quá tải. Cụ thể, các hộc chứa rác của bãi Đại Hiệp (Đại Lộc) đã đầy từ cuối năm 2018 nên trước đó UBND tỉnh chủ động đầu tư dự án lò đốt rác Đại Nghĩa (Đại Lộc) không sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp.

Quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án lò đốt rác xã Đại Nghĩa tuy chậm nhưng khối lượng đến nay đạt hơn 90%. Để được phê duyệt, dự án trải qua quá trình “sát hạch” kỹ càng, thận trọng đánh giá báo cáo tác động môi trường và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Về lo ngại ô nhiễm nguồn nước khi đặt nhà máy phía thượng nguồn sông Vu Gia, cả cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, các nhà khoa học đều cho rằng người dân vùng hạ du hoàn toàn an tâm. Chính quyền tỉnh khẳng định, công nghệ lò đốt rác này đã được giới chuyên môn, Bộ Khoa học và công nghệ thẩm định và áp dụng thành công tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, TP.Hà Nội... Điều quan trọng, ưu điểm của công nghệ lò đốt là hoàn toàn không xả nước thải ra môi trường bên ngoài. Còn dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Tam Xuân 2, công suất hoạt động 240 tấn rác/ngày đêm, với tổng mức đầu tư 99 tỷ đồng, xử lý rác thải cho TP.Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh và vùng đông của tỉnh thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai. Hiện nay, chủ đầu tư là Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.

Việc đầu tư dự án xử lý rác thay thế là quyết định đúng đắn, bởi lò đốt rác tại xã Đại Nghĩa sẽ thay cho khu chôn lấp tại xã Đại Hiệp hiện đã đầy, đang làm thủ tục đóng cửa; lò đốt rác tại Tam Xuân 2 thay cho khu chôn lấp rác tại đây đã gần đầy giai đoạn 1. Đây là hai khu xử lý rác thải tập trung lớn của tỉnh, công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng các tỉnh, thành phố lớn và các nước tiên tiến trên thế giới đang vận hành; nếu so sánh thì ưu việt và đảm bảo môi trường hơn rất nhiều so với kiểu chôn lấp.

Cần ứng xử phù hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: “Các vị trí xây dựng lò đốt rác được lựa chọn phù hợp với các quy định của pháp luật, phân vùng hợp lý để chi phí vận chuyển chấp nhận được, trên cơ sở đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương bằng các cuộc khảo sát thực tế, họp và ghi biên bản. Một bộ phận người dân lo xa chuyện ô nhiễm là điều dễ hiểu, nhưng đã có kết luận rõ ràng, cụ thể của cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học, nên chính quyền mong muốn người dân đồng thuận và có thái độ ứng xử văn minh với rác”.

Thời gian qua, trước các ý kiến trái chiều, chính quyền các cấp đã chủ động đối thoại với nhân dân, công khai thông tin dự án; cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động, giải thích để người dân ủng hộ chủ trương chung. Chính quyền tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan tổ chức họp rất nhiều lần, khảo sát thực tế, điều chỉnh thay đổi vị trí xây lò đốt rác cho phù hợp, đồng thời tổ chức cho một số người dân đi thực tế tại các lò đốt rác triển khai rất thành công ở một số địa phương. Thiện chí hơn, doanh nghiệp cam kết bằng văn bản với nhân dân về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, không để nước thải tràn ra ngoài khi đi vào hoạt động.

Hiện nay, Quảng Nam chủ trương xã hội hóa các nguồn lực đầu tư về lĩnh vực bảo vệ môi trường, thực tiễn cho thấy số lượng doanh nghiệp tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn. Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thời điểm này vẫn là đơn vị số 1 của tỉnh phụ trách lĩnh vực công ích trên. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – ông Trương Văn Trung, người dân cần vì cái chung, tạo điều kiện để công ty khắc phục sự cố môi trường, đồng thời có thái độ ứng xử đúng mực với môi trường. Nếu cản trở, công ty không hoạt động được thì lượng rác thải ùn ứ lớn để lại nhiều hệ lụy tiêu cực, trở thành lo lắng chung của xã hội.

Phân loại rác thải tại nguồn chưa đồng bộ

Thời gian qua,  4 phường nội thị của TP.Hội An gồm Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Nhờ việc tuyên truyền rộng rãi về tính hữu ích của việc phân loại rác thải tại nguồn nên người dân dần thay đổi nhận thức, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho khu vực phố cổ. Tuy nhiên, vì thiếu hạ tầng xử lý, chưa trang bị đầy đủ phương tiện xe chuyên thu gom từng loại rác nên việc thí điểm cũng gặp không ít khó khăn. Người dân ở phường Minh An cho biết, chính quyền vận động bà con bỏ rác riêng ra các bọc nhưng khi gom thu, công nhân môi trường vẫn bỏ chung rồi kéo ra xe ép rác không có ngăn phân loại; thấy vậy nên người dân không mặn mà với việc phân loại tại nguồn. Người dân trong khu phố cổ còn thói quen mang rác ra bỏ tại các thùng rác công cộng dành cho khách du lịch. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, công nhân môi trường khi thu gom rác chỉ giữ lại những vỏ chai bia, đồ nhựa vào một hộc riêng trên xe chuyên dụng để có thể lấy bán lại cho các cơ sở thu mua phế liệu. Tương tự, trước khi đưa ra rác thải ra bãi tập kết, người dân hầu hết chỉ giữ lại các loại rác (chai nhựa, vỏ bia lon, phế phẩm khác…) để bán phế liệu; các loại rác thải còn lại đều bỏ chung trong một bao bì mang đến thùng đựng của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam.

Trong những ngày qua, khi lượng rác ùn ứ nhiều do người dân cản trở không cho xe rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vào khu xử lý, nhiều địa phương đã hướng dẫn nhân dân đốt tại chỗ một số loại rác thải (giấy bìa, carton, lá cây); chỉ những loại rác thải không còn dùng được mới đem đi bỏ. Phó Giám đốc Sở TN&MT – bà Lê Thị Tuyết Hạnh cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định, chế tài nào xử phạt hành vi không phân loại rác thải tại nguồn, mà mới dừng lại ở việc thí điểm, tuyên truyền, vận động là chính. Các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội phân loại rác thải ở giai đoạn thí điểm nhiều năm nay vẫn chưa hiệu quả. Việc phân loại rác thải tại nguồn chủ yếu tự phát, gặp nhiều bất cập do hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ (thiếu xe phân loại rác, không đủ nguồn kinh phí, nhân lực để bố trí thời gian xử lý rác phân loại phù hợp). Trong khi đó, theo TS.Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN&MT), tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Khủng hoảng” xử lý rác thải - Bài cuối: Chọn cách xử lý phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO