Phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn: Cần giải pháp công nghệ phù hợp

HOÀNG LIÊN 23/12/2019 10:22

Việc nghiên cứu thực trạng xói lở bờ sông khu vực Vu Gia - Thu Bồn, nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với thực tiễn... là nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra tại hội thảo xung quanh đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn tỉnh Quảng Nam”, do Viện KH-CN chủ trì.

Bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Đại Thạnh, Đại Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, hình thành những vách đứng. (Ảnh chụp tại Đại Thạnh vào cuối năm 2018). Ảnh: H.LIÊN
Bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Đại Thạnh, Đại Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, hình thành những vách đứng. (Ảnh chụp tại Đại Thạnh vào cuối năm 2018). Ảnh: H.LIÊN

Diễn biến phức tạp

Qua khảo sát thực tế và sử dụng mô hình toán Mike mô phỏng vận chuyển bùn cát trong sông, ứng dụng công nghệ viễn thám trong đánh giá diễn biến lòng dẫn sông Vu Gia - Thu Bồn, các chuyên gia đánh giá, khu vực bờ sông lưu vực Vu Gia - Thu Bồn nhiều năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng của quá trình xói lở bờ sông.

Theo TS. Vũ Thị Thu Lan - chủ nhiệm đề tài nêu trên, hiện tượng sạt lở, bồi tụ bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp về quy mô, cường độ và mức độ. Riêng sông Thu Bồn đoạn từ huyện Duy Xuyên đến Cửa Đại có tổng chiều dài khoảng 46km có đến 20 vị trí xói lở, tổng chiều dài lên tới 21,9km. Riêng một số đoạn sông bị sạt lở vào các năm trước đã và đang thi công các công trình chỉnh trị như đoạn sông về phía hạ lưu cầu Câu Lâu, Kỳ Lam, Điện Trung, Điện Thọ thi công bằng kè áp mái hộ bờ... Xói lở trên sông Thu Bồn diễn ra mạnh ở khu vực Giao Thủy tới Cửa Đại, lưu vực sông Vĩnh Điện diễn ra xói lở mạnh.

Cũng theo TS.Lan và cộng sự, đến năm 2016, lưu vực Vu Gia - Thu Bồn có 75 điểm xói lở ven các con sông, tổng chiều dài 82km tập trung ở các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên và Điện Bàn. Trong 15 năm (2002 - 2017), mùa lũ nào cũng xảy ra xói lở và ngày càng có xu hướng lấn sâu vào các khu dân cư, đe dọa đời sống người dân. Số liệu thống kê cho thấy, sự xói lở nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến dân sinh với 19.500 hộ dân sinh sống dọc bờ sông bị ảnh hưởng, làm thiệt hại hơn 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp ven sông. Hiện có hơn 12.000 hộ dân, với hơn 4.600 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ xói lở bờ sông cao. Nhiều công trình chống xói lở cũng thường xuyên bị đe dọa sự ổn định và mất an toàn.

Tác động của con người rất lớn

Theo TS. Vũ Thị Thu Lan, nguyên nhân gây xói lở bờ sông do tác động của điều kiện tự nhiên (yếu tố địa chất, địa mạo, địa hình, thủy văn...) của khu vực nghiên cứu khá phức tạp, khả năng thoát lũ kém. Sông ngắn, lòng sông dốc, mạng lưới sông hình nan quạt, lòng sông uốn khúc rất mạnh với nhiều đảo cát, bãi ngầm và bãi bồi tụ hai bên bờ lòng dẫn chính. Do địa hình không có hệ thống đê khống chế, vì vậy quá trình phát triển lòng dẫn diễn ra khá tự do. Kiến tạo khu vực cửa sông, bờ sông thuộc khối nâng, do đó hiện tượng xói lở diễn ra mạnh, lòng sông, địa chất lòng sông biến động, hai bên bờ sông, bãi bồi biến động mạnh... Chế độ dòng chảy và sự suy giảm, hụt lượng bùn cát trong sông là những tác động nghiêm trọng.

TS. Lan cho rằng, tác động của con người từ giao thông đường thủy, hoạt động của các công trình thủy điện, hiện tượng xả lũ đột ngột, sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ đất rừng sang các mục đích khác cũng là tác nhân gây xói lở mạnh. Trong đó, tác động của con người trên bề mặt như vận hành các hồ chứa, công trình thủy điện trên thượng nguồn là những nguy cơ khiến cho quá trình xói lở diễn ra nghiêm trọng. Sự hoạt động của nhiều tàu hút cát trên sông cũng là nguyên nhân gây xói lở mạnh bờ sông… Việc vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng lưu giữ lại và xả qua đập nên nước trong, rất ít bùn cát là nguyên nhân gây xói lở ngang.

Tìm giải pháp tối ưu

Th.S Nguyễn Đại Trung - Trường Cao đẳng công nghệ - Kinh tế và thủy lợi miền Trung chỉ ra, trên khu vực Vu Gia - Thu Bồn có 75 tuyến kè bảo vệ bờ sông Vu Gia - Thu Bồn, Ly Ly, với tổng chiều dài 66,1km. Các tuyến được đầu tư xây dựng được đánh giá ổn định, phát huy tác dụng bảo vệ cho 10.000 hộ dân, gần 6.000ha đất sản xuất, cơ sở hạ tầng ở vùng trọng điểm khác ở vùng ven sông sạt lở. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy hiện tượng một số tuyến kè bị hư hỏng.

Th.S Trung phân tích, các công trình kè bờ sông vùng Vu Gia - Thu Bồn hiện nay chủ yếu là kè mỏ hàn, bao gồm kè mỏ hàn đặc, kè mỏ hàn rỗng (cọc); giải pháp bãi cây chìm (cây cối, trồng tre); kè bảo vệ bờ (bảo vệ trực tiếp) gồm kè bảo vệ bờ có mái nghiêng, kè thẳng đứng bằng bê tông cốt thép, kè mềm chắn sóng Geotube, kè mềm sử dụng thảm thực vật (trồng cỏ vetiver), tạo thảm thực vật trồng cây chịu ngập (bần, đước, dừa nước, cói) để chắn sóng, bảo vệ đất dọc bờ sông kết hợp các giải pháp kỹ thuật như: gia cố tạm thời vùng sạt lở bằng lưới, rọ đá, bao đất, cọc tre, cọc gỗ, tạo thảm thực vật.

Cũng theo Th.S Trung, giải pháp tạo bờ kè sinh thái được các chuyên gia khuyến cáo gần đây, bên cạnh giải pháp kè cứng. Công trình kè sinh thái Cẩm Kim đã phát huy tác dụng là thực tế, tạo đà bảo vệ bờ sông, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch. Với giải pháp này, cần tiến hành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là sử dụng mỏ hàn và các khóa sinh học để hạn chế xói mòn đáy sông và trượt lở bờ sông; giai đoạn 2 là bảo vệ bờ sông bằng các thảm thực vật tại vùng ngập nước ven sông, mái ta luy bờ sông và vùng ven sông nhằm tạo cảnh quan, đa dạng sinh học vùng ven sông...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn: Cần giải pháp công nghệ phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO