Quy hoạch bảo vệ môi trường: Bị lệ thuộc nhiều loại quy hoạch khác

HỮU PHÚC (thực hiện) 28/03/2020 08:44

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ môi trường (BVMT), xem đây như yếu tố phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc quy hoạch BVMT thường đi sau các loại quy hoạch khác, kéo theo hệ lụy phát sinh nhiều “điểm nóng” ô nhiễm, gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường tại nhiều địa phương. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT về vấn đề này.

Bà Hạnh cho biết, kỳ quy hoạch BVMT là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm, nhưng quy hoạch còn bị phụ thuộc bởi nhiều loại quy hoạch khác, như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất. Quảng Nam đã đầu tư nhiều hạng mục bảo vệ môi trường, tuy nhiên do hạn chế về nguồn lực, mỏng về nhân lực nên việc khắc phục ô nhiễm chưa triệt để.

* Ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực sản xuất ở các cụm công nghiệp (CCN). Bà có thể nói rõ hơn về thực trạng này?

 

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh: Đến nay, UBND tỉnh thành lập 53/92 CCN (trong đó có 49 CCN đi vào hoạt động). Có 9/49 CCN đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường và 3/49 CCN phát sinh nước thải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Đối với các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì yêu cầu các cơ sở sản xuất trong CCN có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra ngoài. Riêng về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại thì tất cả nhà máy trong CCN đều thu gom, lưu chứa và hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý.

Mặc dù quy hoạch nhiều CCN, nhưng nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh thấp (giai đoạn 2003 - 2019 hơn 349 tỷ đồng, bình quân 20,5 tỷ đồng/năm). Năm 2019, ngân sách tỉnh đã bố trí 21 tỷ đồng cho 5 CCN. Đáng nói, một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường. Lực lượng cán bộ làm quản lý môi trường các cấp quá mỏng chưa giải quyết triệt để được ô nhiễm môi trường, nhất là nước thải.

* Luật BVMT ra đời năm 2014 quy định cụ thể về nguyên tắc lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường. Vậy, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch BVMT là gì?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh: Quy hoạch BVMT phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Kỳ quy hoạch BVMT là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm. Thực tiễn quy hoạch đất đai có nội dung liên quan đến môi trường thời gian qua cho thấy nhiều bất cập. Đó là, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, khi quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thay đổi thường xuyên, quy hoạch sử dụng đất sẽ bị điều chỉnh, thiếu ổn định trong thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và công tác lập quy hoạch về BVMT.

Chưa kể đến song song tồn tại nhiều loại quy hoạch, giữa các quy hoạch lại có sự thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến công tác lập quy hoạch BVMT theo tinh thần của Luật BVMT 2014 đến thời điểm này vẫn chưa được các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện.

* “Điểm nóng” gần đây là người dân liên tục cản trở không cho xe chở rác vào các khu xử lý rác thải tập trung. Vì sao tình trạng này kéo dài dai dẳng?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh: Ô nhiễm rác thải không chỉ bức xúc tại Quảng Nam mà ở nhiều tỉnh thành. Tuy đã đầu tư, cải tạo các công trình xử lý rác thải, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do tâm lý chung của phần lớn người dân không muốn đem rác từ nơi khác đến gần nhà mình và lo ngại với hình thức xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp.

Vì vậy, để tiếp tục giải quyết vấn đề này, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực truyền thông, vận động nhân dân địa phương chia sẻ, đồng thuận chủ trương về quản lý rác thải. Hiện các ngành và địa phương đang thống nhất lựa chọn vị trí để đầu tư khu xử lý rác thải công nghệ cao. Cạnh đó, yêu cầu các địa phương phải đầu tư khu xử lý rác thải để chủ động trong công tác xử lý rác thải.

* Điều chỉnh quy hoạch của tỉnh theo hướng mỗi địa phương có một khu xử lý rác thải để giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải hiện nay. Việc lấy ý kiến nhân dân tới đâu và nguồn lực nào đầu tư các khu xử lý rác thải?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh: Năm 2011, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn giai đoạn 2011 – 2020. Nhưng sau hơn 5 năm thực hiện đã xuất hiện một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế quản lý chất thải rắn. Vướng mắc là cộng đồng dân cư không đồng thuận các vị trí đầu tư theo quy hoạch khu xử lý rác thải.

Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhưng đến nay, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là việc xác định vị trí, diện tích trong đề án tuy được UBND huyện thống nhất bằng văn bản, nhưng chưa được nhân dân đồng thuận. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất đổi tên thành đề án quản lý chất thải rắn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều quan trọng nhất của đề án là có sự đồng thuận của người dân sinh sống gần vùng được quy hoạch làm khu xử lý.

Đại diện Sở TN&MT đối thoại với người dân tại trụ sở xã Tam Xuân 2 chung quanh bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành).
Đại diện Sở TN&MT đối thoại với người dân tại trụ sở xã Tam Xuân 2 chung quanh bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành).

Thời gian qua, các bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng)... trở thành điểm nóng, kéo theo phản ứng dây chuyền người dân chặn xe chở rác vào khu xử ý tập trung của tỉnh tại xã Tam Xuân 2, Tam Nghĩa, Đại Hiệp. Trong khi đó, người dân có nhiều ý kiến trái chiều quanh các địa điểm đầu tư dự án xử lý rác thải mới.

Từ năm 2015 trở về trước, các doanh nghiệp môi trường hoạt động công ích, do ngân sách nhà nước cấp, nhưng từ tháng 10.2017 đến nay chuyển sang làm dịch vụ. Phí dịch vụ vệ sinh của hộ dân chi trả nhằm thực hiện công tác thu gom, vận chuyển; còn ngân sách nhà nước chi trả chi phí xử lý rác thải (65.145 đồng/tấn rác). Trường hợp áp dụng công nghệ đốt thì ngân sách nhà nước chi trả theo đơn giá trung bình khoảng 390.000 đồng/tấn rác, mức chi rất cao so với khả năng cân đối ngân sách.

* Hiện nay, Sở TNMT được UBND tỉnh giao làm cơ quan chủ trì lấy ý kiến của các ngành, địa phương về cơ chế hỗ trợ đầu tư các bãi - khu xử lý chất thải rắn. Cơ chế hỗ trợ nào mang tính khả thi, thưa bà?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh: Hiện nay, Sở TN&MT đang tập hợp ý kiến của các ngành và địa phương về cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn, chuẩn bị trình kỳ họp HĐND tới. Phần lớn ý kiến đều tập trung vào hỗ trợ xây dựng dự án khu xử lý rác thải tập trung; hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh của cấp xã; hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường xung quanh khu xử lý rác thải tập trung.

Về cơ chế hỗ trợ thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn đảm bảo các quy định kỹ thuật; giai đoạn 2025 - 2030 phân loại rác thải tại nguồn đảm bảo các quy định kỹ thuật cho các xã trên địa bàn huyện. Ngày 13.3.2020, Thường trực HĐND tỉnh có phiên làm việc cuối cùng để trực tiếp nghe Sở TN&MT báo cáo giải trình, thống nhất các quy định về đối tượng áp dụng và hạng mục hỗ trợ.

Tuy nhiên, để cơ chế có tính khả thi cao và sớm đi vào thực tế, thì Sở TN&MT không thể đóng vai trò quyết định mà cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị. Đứng từ góc độ tham mưu về chuyên môn công tác quản lý môi trường, Sở TN&MT khẳng định rằng, cơ chế hỗ trợ là cơ sở pháp lý quan trọng ban đầu, tạo ra bước đột phá thuận lợi để có thể giúp ngành tham mưu chính quyền các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch bảo vệ môi trường: Bị lệ thuộc nhiều loại quy hoạch khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO