Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

TRẦN NGUYỄN 13/02/2020 12:59

Để siết chặt quản lý nhà nước, nhiều địa phương đã công khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản; từ chối các doanh nghiệp có “tiền sử” sai phạm về môi trường, lợi dụng chuyển nhượng giấy phép khai thác.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hiện trạng một dự án thăm dò quặng sắt tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: T.N
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hiện trạng một dự án thăm dò quặng sắt tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: T.N

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, trước “điểm nóng” về khai thác vàng trái phép, đơn vị tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và gia hạn giấy phép khai thác vàng gốc tại mỏ vàng Đăk Sa (xã Phước Đức, Phước Sơn) của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn. Không để thất thoát tài nguyên khoáng sản, vừa qua UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, khoanh vùng khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; đồng thời ban hành 17 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng; cấp 12 giấy phép thăm dò khoáng sản, 9 quyết định phê duyệt trữ lượng, 4 quyết định gia hạn giấy phép khai thác.

Năm 2019, gần như các “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (thuộc huyện Nam Giang), hay tình trạng lén lút khai thác quặng thiếc ở huyện Bắc Trà My, Nam Trà My giảm rõ rệt. Theo Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên – môi trường), khi phát hiện các hoạt động trái phép, lực lượng liên ngành (gồm ngành tài nguyên – môi trường, quân đội, công an) lập tức huy động lực lượng tổ chức ngăn chặn, giải tỏa, bắt giữ và xử lý vi phạm theo pháp luật. Số vụ khai thác khoáng sản trái phép trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 giảm gần một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái.

Trong khi đó, Thanh tra Sở Tài nguyên -  môi trường cho biết, thời gian qua, ngành thanh tra  tập trung kiểm tra, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp có công suất khai thác thực tế (sản lượng kê khai để nộp thuế) trung bình của 2 năm liên tiếp thấp hơn 60% công suất khai thác ghi trong giấy phép; doanh nghiệp khai báo hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ; doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với các doanh nghiệp này, Sở Tài nguyên – môi trường tham mưu UBND tỉnh kiên quyết không xem xét đề xuất, tham mưu cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác các loại khoáng sản, kể cả gia hạn, chuyển nhượng. Bằng động thái cứng rắn, chính quyền tỉnh cũng xử lý mạnh tay các doanh nghiệp chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ và các doanh nghiệp liên tục có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản. Riêng các hồ sơ thủ tục đề nghị cấp phép khai thác, Sở Tài nguyên – môi trường là cơ quan “gác cổng” từ các khâu thẩm định đầu tư xây dựng công trình khai thác khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO