Sự cố môi trường Nhà máy cồn Đại Tân: Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân

HOÀNG LIÊN 28/09/2019 15:42

(QNO) - Nhiều ngày qua, sau sự cố tràn dầu fusel tại Nhà máy cồn Đại Tân (xã Đại Tân, Đại Lộc), hàng chục người dân vẫn túc trực 24/24 trước cổng ngăn cản hoạt động của nhà máy và yêu cầu chính quyền các cấp đối thoại, giải thích rõ nguyên nhân sự cố cũng như mức độ ô nhiễm ra môi trường khu dân cư.

Người dân tụ tập trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân. Ảnh: H.L
Người dân tụ tập trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân. Ảnh: H.L

Không chịu thấu mùi hôi

Gần 1 tuần qua, hàng chục người dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân) sống lân cận khu vực Nhà máy cồn Đại Tân (Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) dựng lều túc trực 24/24 trước nhà máy. Bà Tô Thị Lan (70 tuổi, thôn Nam Phước) bức xúc: “Cực chẳng đã mới bỏ công việc nhà ra đây ngồi giữ cổng nhà máy này. Không chỉ gây ô nhiễm khí thải nặng nề, nhà máy còn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ao hồ, kênh mương, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Giếng nước lân cận khu vực nhà máy giờ không ai dám sử dụng nữa rồi”.

Trước đó, như Báo Quảng Nam online thông tin, khuya 18.9, khi người dân khu vực này đang say giấc ngủ bỗng ai nấy giật mình khi ngửi thấy mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà, kèm với đó là mùi hắc, khiến ai nấy tức ngực, khó thở, chảy nước mắt, nước mũi. “Dù không còn lạ với hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy, tuy nhiên, mùi hôi mới phát tán gần đây thì cực kỳ khó chịu, tới mức phải buồn nôn” - ông Trương Hùng (65 tuổi, thôn Nam Phước) nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc (45 tuổi, sống sát nhà máy) cho biết, hiện cống xả thải của nhà máy xả ra hai điểm chính: một điểm ở chắn tràn Hố Chính, một điểm xả ra con suối và cả hai điểm nguồn nước đều dẫn về các khu dân cư của xã Đại Tân và Đại Phong (Đại Lộc). Ở các điểm này, nguồn nước xả thải ra môi trường có màu đen kịt, kết dính như bùn, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nguồn nước đen kịt tại khu vực cống xả thải ra môi trường. Ảnh: H.L
Nguồn nước đen kịt tại khu vực cống xả thải ra môi trường. Ảnh: H.L

Có mặt tại khu vực nhà máy vào ngày 23 & 24.9, đi vòng quanh một số nhà dân thôn Nam Phước, chúng tôi nhận thấy mùi hôi và mùi hắc vẫn còn phát tán trong không khí rất nặng gây buồn nôn, khó chịu. Bầu không khí tại đây vẫn bị bao trùm bởi ô nhiễm. Không ít người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh, khi di chuyển qua khu vực nhà máy đều phải bịt mũi, che khẩu trang kín mít vì không tài nào chịu thấu mùi hôi thối.

Ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân xác nhận, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do sự cố tràn dầu fusel trong quá trình sản xuất. Theo ông Tĩnh, vào đêm xảy ra sự cố, công nhân vận hành để tràn dầu fusel - một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng.

Sau sự cố tràn dầu fusel, Sở TN&MT, Công an huyện Đại Lộc đã đến hiện trường kiểm tra, cử lực lượng chức năng lấy mẫu không khí, nước thải và có sự giám sát của người dân Đại Tân để đưa đi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Lực lượng chức năng cũng đã niêm phong các cống xả từ hồ sinh thái của nhà máy nhằm ngăn chặn tình trạng dầu fusel tràn ra môi trường bên ngoài, chờ công bố kết quả xử lý.

Kiến nghị di dời hoặc di dân

Phần lớn người dân xã Đại Tân đều kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng có giải pháp di dời nhà máy ra khỏi khu vực dân cư (sinh sống từ ngày giải phóng) để đảm bảo an sinh. Ước tính, khu vực lân cận nhà máy hiện có hơn 100 hộ dân sinh sống có nguy cơ bị tác động, ảnh hưởng.

“Ai cũng có nguyện vọng một là đóng cửa nhà máy, hai là bố trí tái định cư để người dân di dời. Gần 10 năm qua, nỗi thống khổ khi phải ngửi mùi hôi thối của bà con đã vượt ngưỡng cho phép” - ông Bùi Chính Thức (thôn Nam Phước) nói. Ông Trần Xuân Vương (cùng thôn) kiến nghị: “Nếu chính quyền các cấp cho nhà máy này tồn tại thì nên di dời dân chúng tôi ra khỏi khu vực, bố trí tái định cư và hỗ trợ để chúng tôi xây dựng cuộc sống mới. Còn nếu giữ dân lại thì nên di dời nhà máy, bởi chúng tôi không thể chịu nổi nữa”.

Đại diện lãnh đạo nhà máy đối thoại với người dân tại buổi đối thoại do UBND huyện Đại Lộc tổ chức chiều 24.9. Ảnh: H.L
Đại diện lãnh đạo nhà máy đối thoại với người dân tại buổi đối thoại do UBND huyện Đại Lộc tổ chức chiều 24.9. Ảnh: H.L

Ông Đoàn Kim Bình - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, ngay sau sự cố, xã đã lập tức kiểm tra, báo cáo lên huyện, tỉnh ngay trong sáng 19.9. “Người dân đưa ra hai lựa chọn như trên. Nếu cho phép nhà máy hoạt động trở lại thì phải tính biện pháp khắc phục, yêu cầu cam kết cụ thể không tái diễn vi phạm và tính tới phương án di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng, cùng với đó là quỹ đất tái định cư, hỗ trợ di dời, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Với phạm vi của xã, chúng tôi phối hợp với huyện, lực lượng chức năng ở huyện vận động người dân ổn định tình hình” - ông Bình nói.

Chiều 24.9, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chủ trì buổi đối thoại với người dân Đại Tân và lãnh đạo nhà máy về vụ việc. Người dân tiếp tục yêu cầu huyện, Sở TN&MT cùng các cơ quan chức năng làm rõ, có văn bản trả lời cụ thể về nguyên nhân, liệu đây có phải là “sự cố” hay việc cố ý xả thải ra môi trường. Người dân yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động, không được can thiệp vào khâu xử lý, tiêu độc môi trường để chờ các cơ quan của tỉnh đối thoại.

Được biết, khu vực nhà máy còn 9.000m3 dịch ở dạng men, cần phải sớm xử lý để tránh tác động nặng đến môi trường toàn xã. PV sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sự cố môi trường Nhà máy cồn Đại Tân: Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO