Tìm cách quản lý rác thải vùng ven biển

QUỐC TUẤN 13/12/2019 12:49

Áp lực từ rác thải nhựa ngày càng đè nặng lên “sức khỏe” hệ sinh thái tự nhiên, xã hội, trong đó có hệ thống di sản. Buổi tọa đàm “Bảo tồn và phát triển: Từ góc nhìn cộng đồng” diễn ra hôm qua 12.12, tại TP.Hội An, tiếp tục gợi mở giải pháp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững để cộng đồng địa phương có nhận thức đúng đắn và triển khai các hoạt động thiết thực. 

Du lịch học tập dần phát triển tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An), mở ra thêm một phương thức phát triển bền vững cho du lịch địa phương. Ảnh: Q.T
Du lịch học tập dần phát triển tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An), mở ra thêm một phương thức phát triển bền vững cho du lịch địa phương. Ảnh: Q.T

Ứng xử với rác thải

Rác thải biển gây tác động mạnh và lâu dài đến các mục tiêu phát triển bền vững vùng ven biển, đến tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học và đã trở thành vấn đề toàn cầu. Theo khảo sát của Trung tâm Sinh thái và bảo tồn (Trường Đại học Exeter, Vương quốc Anh), hằng năm có khoảng 1.000 con rùa biển chết do rác thải nhựa đại dương. Một nghiên cứu khác ở Australia cho thấy, khoảng 700 nghìn đến 1 triệu con chim biển đã bị chết do vướng vào hoặc ăn rác thải nhựa. 

Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất có thể là biến rác thải thành những đồng tiền hữu ích bên cạnh phát triển công nghiệp chất thải, tăng cường chuyển giao công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải nhựa và có cơ chế, chính sách khuyến khích các sáng kiến công nghệ. “Cần có cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn, từng bước biến rác thải nhựa đại dương thành tài nguyên tái sử dụng, khi đó việc thu hút người dân chống rác thải nhựa sẽ dễ dàng hơn nhiều” - PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi nhận định.

Đại diện một doanh nghiệp du lịch tại Hội An chia sẻ cách tái chế rác thải để giảm thiểu rác tại nguồn. Ảnh: Q.T
Đại diện một doanh nghiệp du lịch tại Hội An chia sẻ cách tái chế rác thải để giảm thiểu rác tại nguồn. Ảnh: Q.T

Đồng quản lý rác thải sinh hoạt theo phương thức phân loại rác tại nguồn chính là “con đường đi” bền vững của rác thải và định hướng chiến lược quản lý rác thải tại TP.Hội An. Điểm đến cuối cùng hiện nay của rác thải sinh hoạt tại TP.Hội An là bãi rác Cẩm Hà và các cơ sở thu mua phế liệu; tuy nhiên sự quá tải đã dẫn đến việc một lượng đáng kể rác đã phát tán tự do ra sông, biển… Ông Trần Hữu Ngọc - Phó Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Hội An cho biết, hiện nay các chế tài xử phạt sau một thời gian triển khai phân loại chưa có, ngoài ra một bộ phận khách du lịch có ý thức kém nên chương trình phân loại rác tại nguồn dù có hiệu quả vẫn chưa kiểm soát được khối lượng rác tăng đáng kể trong thời gian qua.

Là địa phương diễn ra “sự cố rác thải” trong 3 tháng vừa qua, huyện Núi Thành đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân xử lý rác thải tại nguồn và tổ chức 8 buổi chia sẻ cách quản lý rác thải ở 7 xã cho hơn 800 người dân. Bà Bùi Thị Hồng – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Núi Thành chia sẻ: “Chúng tôi đang thay đổi dần, từ cách truyền thông bị động chuyển sang gợi ý người dân tự chia sẻ những câu chuyện nhỏ nhất mà họ ứng xử với rác giúp giảm thiểu rác thải. Khi người dân tự vận động cùng nhau thực hiện thì sẽ có sự giám sát chặt chẽ lẫn nhau, từ đó việc bảo vệ môi trường lan tỏa và hiệu quả hơn”.

Phải cân bằng sinh kế

Đồng quản lý là công cụ hài hòa được mối quan hệ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn đa dạng sinh học tại Cẩm Thanh (Hội An). Theo TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: “Du lịch Cẩm Thanh từ nền tảng cảnh quan, văn hóa phong phú đã được cộng đồng hình thành du lịch làng dừa, làng lúa và làng rau, có thể ví von bằng ba hình ảnh nhện, kiến và ong cần mẫn xây dựng chất riêng cho du lịch hệ sinh thái rừng dừa nên đã đến lúc cần một mô hình tổng hợp quản lý hệ sinh thái này cho sự phát triển lâu dài”. 

Ở Cẩm Thanh, du lịch học tập bước đầu tạo ra sự khởi sắc khi doanh thu từ hoạt động này trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt gần 500 triệu đồng, từ đó dần hình thành “trung tâm du lịch học tập” tại khu vực. Ở đó, cây dừa nước là tài sản cá nhân của nhóm người trồng và được khai thác lá dừa theo mùa vụ, nhưng nếu ai chặt phá tài nguyên này thì sẽ bị loại trừ khỏi nhóm nên người dân rất ý thức bảo vệ vì gắn chặt với quyền lợi của chính mình.

Nguồn rác thải tại các nhà hàng, khách sạn ở đô thị cổ Hội An đang tạo áp lực lên di sản trong khi một bộ phận doanh nghiệp còn e ngại tiếp cận với các giải pháp xử lý bền vững bởi vấn đề chi phí. Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: “Doanh nghiệp cần nhận thức quản lý rác thải không phải là chi phí mà là đầu tư cho kế hoạch dài lâu và có kế hoạch lồng ghép vào giá trị tăng thêm của sản phẩm du lịch được du khách chấp nhận”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách quản lý rác thải vùng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO