Bất động sản gặp khó vì dịch Covid-19

NGUYỄN TRẦN 15/04/2020 04:03

Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản (BĐS) giảm giá sâu, giao dịch chậm. Trong khi đó, nhiều dự án thận trọng đầu tư, chưa quyết định rao bán.

Giao dịch đất đai ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) diễn ra rầm rộ hồi đầu năm 2019. Ảnh: N.T
Giao dịch đất đai ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) diễn ra rầm rộ hồi đầu năm 2019. Ảnh: N.T

Săn đất

Năm 2019, thị trường BĐS ở khu vực phía bắc của tỉnh, nhất là ở khu vực đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) hoạt động khá sôi nổi. Nguyên nhân là vùng này giáp ranh với đô thị Đà Nẵng, có nhiều dự án lớn đang đầu tư.

Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS

Bộ TN&MT vừa đề xuất Chính phủ triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án kinh doanh BĐS cũng như các dự án đầu tư đang gặp vướng mắc về đất đai. Theo bộ này, quy định của pháp luật phải đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án. Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ TN&MT trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp được miễn tiền thuê đất, xem xét đưa nội dung thống nhất này vào nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án BĐS tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Đó là khu đô thị Đại Dương Xanh (phường Điện Dương), khu đô thị Hera Complex Riverside (phường Điện Ngọc), khu đô thị Coco Riverside (phường Điện Dương), khu đô thị An Phú (phường Điện Nam Trung và Điện Dương), khu đô thị Phú Thịnh (phường Điện Dương), khu đô thị Trung Nam (phường Điện Nam Trung) và khu đô thị QNK1 (phường Điện Ngọc và Điện Dương).

Đầu năm 2020, các chủ đầu tư đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư thì dịch Covid-19 xảy ra nên các dự án triển khai rất chậm chạp, thậm chí án binh bất động. Giao dịch chủ yếu ở các dự án trước đây đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng, có hồ sơ pháp lý rõ ràng.

Ông T., quê ở phường An Xuân (Tam Kỳ) cho biết, ông và người quen vừa mua cả chục lô đất ở khu đô thị Ngọc Dương Riverside (phường Điện Ngọc) với giá mỗi lô hơn 2 tỷ đồng. Mỗi lô đất này hồi cuối năm ngoái rao bán ít nhất 2,6 tỷ đồng.

“Chúng tôi mua mục đích chính để khi cần bán lại kiếm lời, nên khi biết BĐS giảm giá do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên anh em quyết bỏ tiền ra kinh doanh. Mặt khác, đất ở đây rất có triển vọng sinh lợi vì chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đang thực hiện dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò ” – ông T. nói.

Theo giới buôn bán BĐS, hiện nay giá đất giảm bình quân 20% so với cuối năm 2019, thậm chí có nơi giảm tối đa 40%, nếu không đi vay tiền ngân hàng mà dùng vốn tự có bỏ ra đầu tư BĐS thời điểm này dễ có lợi nhuận hơn. Ông T. cho biết, nhóm kinh doanh BĐS của mình chỉ nhắm tới những phân khúc nhà phố hay đất nền được quy hoạch đồng bộ, đất có giấy tờ pháp lý rõ ràng.

Từ cuối tháng 2.2020 đến nay, thị trường BĐS rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Người đầu tư BĐS phần lớn có nguồn lực tài chính mạnh, ít phục thuộc vào vốn vay ngân hàng, dốc tiền mua đất với kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ được hâm nóng trong quý III và cuối năm 2020. Việc nhiều người “săn đất” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành còn ở lý do nhiều chủ đầu tư đã mở rộng ưu đãi, có nhiều hình thức khuyến mãi và giá bán giảm ít nhất hơn 20% so với cuối năm 2020.  

Nhà đầu tư thận trọng

Hai năm qua, giá đất sốt liên tục thu hút lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng giao dịch bằng nguồn tiền ngắn hạn, tiền vay nhiều rủi ro, trong khi gần đây Nhà nước siết chặt pháp lý, ngân hàng dừng cho vay BĐS khiến nhà đầu tư gặp khó khăn. Phần lớn chủ đầu tư triển khai các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh đều huy động vốn từ khách hàng mua đất qua đơn vị phân phối sản phẩm, vay tài chính của các quỹ đầu tư phát triển để vừa thi công hoàn thiện kết cấu hạ tầng vừa đóng các loại thuế cho Nhà nước.

Ông Đỗ Thái Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ An Dương (trụ sở văn phòng tại TP.Hội An) cho biết: “Khi Nhà nước siết chặt các quy định thủ tục hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư sẽ thận trọng trong triển khai dự án, chấp nhận hệ số sinh lời thấp”.

Nhiều dự án đất đai đang lên kế hoạch kinh doanh, lập các kịch bản đối phó trong tình hình dịch Covid-19 làm chậm giao dịch BĐS. Chủ đầu tư dự án đất nền ở khu đô thị trung tâm hành chính Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn) đang tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Theo Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Trung Tín – đơn vị đang phát triển phân khu Diamond City tại Điện Thắng Trung, hiện tại dự án hoàn thiện khối lượng hạ tầng được 80%, xong phần bó vỉa lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng; dự kiến quý II.2020 sẽ trải thảm nhựa, trồng cây xanh. “Khi thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng dự án mới quyết định rao bán công khai trên thị trường” - đại diện lãnh đạo công ty cho biết.

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, thị trường BĐS vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không xuất hiện tình trạng bong bóng. Nhưng nhận định về năm 2020 cơ quan này dự báo BĐS sẽ gặp nhiều khó khăn và khó đoán định, nhất là còn lâu các địa phương mới khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19 và không biết bao giờ thì dịch bệnh mới được kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất động sản gặp khó vì dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO