Anh viết đến khi... tay bị run!

HỒ DUY LỆ 20/06/2020 13:15

Anh là Nguyễn Đình An, quê gốc Điện Quang, Gò Nổi. Anh sinh năm 1934, tại thị xã Hội An. Được 3 tuổi, mẹ đưa anh ra Bắc ở với ba.

Anh Nguyễn Đình An (bên phải) thăm nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận. Ảnh: HỒ DUY LỆ
Anh Nguyễn Đình An (bên phải) thăm nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận. Ảnh: HỒ DUY LỆ

Khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh, tháng 11.1965, anh rời Thủ đô Hà Nội, chia tay nghề giáo, chia tay người yêu sắp cưới, vào chiến trường, công tác ở Ban Tuyên huấn Khu 5, làm phóng viên Báo Cờ giải phóng Khu Trung Trung Bộ.

Bám dân làm... báo

Được đi công tác là anh về Quảng Đà. Gò Nổi - quê nội của anh, là một địa bàn để áp sát, tấn công Đà Nẵng nên rất ác liệt. Đại bác từ các trận địa pháo Bồ Bồ, An Hòa, Cẩm Hà, thay nhau bắn. Bắn ngày, bắn đêm, bắn từng bầy, bắn từng đợt, bắn cầm canh... Rợn người là pháo 410 ly từ tàu Giuxơri của Hạm đội Mỹ ngoài biển, bắn một lúc 16 quả, nổ như bom tấn, rung đất, rung hầm. Loại pháo tàu cũng khó chịu và đầy đe dọa như bom tọa độ. Máy bay Mỹ thả bom tọa độ một loạt 5, 6 quả. Căn nhà anh chị Phụng - nơi anh Trần Văn Anh và Hồ Hải Học ở và hầm của nhà chị Bình - nơi anh Nguyễn Đình An và Hoàng Kim Tùng ở, cách nhau chừng 300 mét, mà muốn qua lại đưa bài vở, trao đổi công việc cũng phải chờ sau loạt bom tọa độ rồi mới cắm cổ chạy sang.

Mức độ bom đạn ác liệt tăng theo tỷ lệ nghịch với số dân bám trụ, chỉ còn lại một số gia đình và cá nhân đủ sức chịu đựng, kiên cường đội bom, kiên cường bám trụ với du kích, dù biết cái chết luôn rình rập. Bà con, dưới mắt anh em chúng tôi, không là người dân bình thường mà là những chiến sĩ cách mạng, là chỗ dựa tinh thần của cách mạng.

Những ngày cuối năm 1968, chỉ cần dời cơ quan ra xa tọa độ bom, có thể bớt ác liệt, đỡ căng thẳng thần kinh, giảm bớt thương vong. Vậy mà, các xóm dân kiên cường vẫn còn những con người bám trụ, thế là, các nhà báo cũng bám trụ với dân, cùng đội ác liệt với dân, cho đến khi gia đình Sáu Khòm xã đội chết gần hết, còn Chị Bình, chị Xuân, chị Ngôn, chị Phụng, chị Hai Thinh, chị Bảy Ui, bà Bảy Giai, chạy ra vùng ven, khu dồn, ra Đà Nẵng.

Trên đất Gò Nổi hố bom nối tiếp hố bom, địch cho xe cày ủi, cày đi cày lại, xúc hết không còn người dân nào, anh em nhà báo theo du kích rúc vào bãi bói. Chịu cảnh “mồ côi dân”, tìm đâu ra tô mỳ Quảng đơn sơ mà ngon miệng của bà Bảy Giai, chỉ còn biết đọc lại câu ca của anh em ghiền mỳ Quảng ứng khẩu mà thành: “Đã đến đây rồi các bạn ơi/ Nồi nhưn nước đã sục sục sôi/ Chị Bảy xắn quần lau chén đũa/ Rửa tay, quệt mũi... múc cho tôi...”.

Anh làm thủ trưởng của tôi

Giữa tháng 12.1968, cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà từ Bảo An, Gò Nổi, dời về thôn Một xã Điện Thái, Điện Bàn. Đào được cái hầm chữ A chống phi pháo ở chưa đầy một tuần, thì vào lúc 9 giờ sáng ngày 29.12.1968, máy bay Mỹ ném bom trúng miệng hầm, anh Trần Văn Anh vừa vọt lên chạy được mươi mét thì trúng bom, hy sinh.

Hôm ấy, anh An đang núp cùng hầm với bộ phận Báo Giải phóng Quảng Đà. Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh trao đổi với Bí thư Khu ủy Năm Công, cho anh An ở lại Quảng Đà, thay vị trí anh Trần Văn Anh. Sau trận thoát chết đó - là lần đầu tiên tôi gặp anh An. Từ ấy, anh là thủ trưởng của tôi.

Khi ở núi Đại Lộc, vùng Khe Hoa, Dốc Ông Thủ, thì xuống vùng ven Ái Nghĩa mua gạo, nhu yếu phẩm. Khi lên núi Hòn Tàu, lúc ở trong hóc núi Cù Hang - Hòn Quắp, lúc bên con khe dưới chân núi Chúa, lúc ở trong một hang đá bên bờ con khe Dâu, khi thì trú tạm trong một căn hầm bên sườn núi, dưới chân ‘‘miếng Lở’’, bên khe Cát… Ở ăn trong hang đá, họp hội trong hang đá, viết báo, viết văn, làm thơ, làm ra những tờ báo gửi đến người đọc. Chúng tôi xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất, Xuyên Trà, Duy Ninh, Bà Rén… mua gạo, mắm, sữa, đường...

Để chủ động mọi tình huống, cơ quan đơn vị nào cũng phải tổ chức sản xuất tự túc cải thiện nguồn lương thực. Chúng tôi qua đèo Đòn Gánh xuống Đồng Lùng, Nghi Sơn, tìm đất trồng rau, chúng tôi băng rừng, vượt đèo Le, lên Sơn Phúc - nơi một thời là ‘‘Đồng Nai con’’ của Quế Sơn, tìm đất dân làng bỏ hoang cuốc đất trồng khoai, cấy lúa.

Anh viết đến khi tay run

Sau 8 năm gian khổ, gầy, yếu, tháng 10.1973, trên cho anh An ra Hà nội an dưỡng và cưới vợ. Sau ngày 30.4.1975, anh đưa vợ và con gái về quê, trở lại với nghề nhà giáo, làm Trưởng ty Giáo dục, làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã, làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Thời gian luôn bận rộn công việc, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn viết bài cho báo.

Anh không xài vi tính, thường viết hơi dài. Anh viết xã luận, diễn văn, tùy bút, bút ký... Thời đại vi tính nên tòa soạn báo ngại nhận bài viết tay. Biết vậy, gửi bài, anh liền gọi điện thoại cho Tổng Biên tập. Đôi khi, viết bài xong, anh mang đến tận tòa soạn báo, ngồi đọc cho mấy em vi tính gõ. Xong, in cho anh một bản, đọc lại. Thấy bài cần cho báo nào, thì gửi.

Từ ngày về hưu, anh còn giữ một cái chức, không quyền, không lương: Trưởng ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Quảng Đà! Lần gặp mặt gần đây nhất, tháng 3.2018, anh triệu tập. Khi anh em đến đông đủ - 120 người, anh bảo tôi phát biểu chào hỏi thăm thay anh. Từ hôm đó, có chuyện chi cần, anh gọi cho tôi. Như là, anh em nào vừa nhập viện, tổ chức đi thăm. Hoặc nghe tin nên hỏi thăm tình hình sức khỏe anh em.

Hơn một năm nay anh bị một cái bệnh khó chịu - Parkinson - tay run. Nói được, ăn lưng chén cơm như tự hồi nào, đầu óc vẫn tỉnh táo, còn nhớ tên nhiều người, nhớ nhiều chuyện vui, buồn. Từ khi anh bị run tay, sức khỏe suy giảm, anh muốn viết một bài báo cũng chịu! Và là lúc các thành viên trong ban liên lạc bắt đầu kiệt sức: Hải Học từ biệt mọi người. Nguyễn Sỹ Hiền bị tai nạn, phải nhập viện đi xe lăn. Ngô Gia Lầu trượt ngã, quẹo chân, nhập viện. Trường Hoàng đi lại khó…

“...ăn còn thấy ngon là vui rồi!”

Lần này, nghe anh gọi điện, tôi lên liền. Như dự đoán, anh trao đổi với tôi việc chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 45 ngày giải phóng. Có mấy việc: Viết thư xin tiền. Ba bản, gửi cho 3 nơi: Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam và Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Có lẽ đây là lần gặp mặt cuối cùng! Xin kha khá, ngoài cho bữa liên hoan nhẹ, no, còn để cho số anh chị em già quá, yếu quá.

Dự trù, có thể là dịp 29.3. Có thể là 30.4. Có thể ngày 19.5 - sinh nhật Bác. Nhưng Covid-19 hoành hành, anh không gửi thư đi! Vừa đẩy lùi được dịch thì đến Ngày Báo chí 21.6! Lại thăm anh. Tay anh vẫn run!

Hồi ở núi, anh là thủ trưởng, vừa là quản gia - có chút chi tươi là anh xắn quần quá đầu gối, xắn tay áo, lo cho bữa ăn ngon miệng… Anh em lội rừng hái được mấy mụt măng, anh không cho xào, trộn đậu phụng, ngồi xắt nhỏ, luộc chín, dầm muối, để chua chua, ăn được ba bốn bữa…

Nai lưng cõng được gùi cải xanh từ đồng bằng lên, anh không cho ăn tươi, đem phơi vài nắng cho héo rồi dầm muối để dành nấu canh với cá hộp. Ăn hết dưa cải, nước muối dưa cũng nấu được mấy bữa canh chua!

Ôi, thương sao những ngày làm việc không biết mệt, đi cả ngày không thấy mỏi chân. Và, thèm ăn, ăn khoai, sắn, bắp vẫn không thấy no!

Bây chừ, anh em nào đến thăm, anh rất vui. Hỏi anh ngủ được không, ăn ngon miệng không?

Anh bảo ăn còn thấy ngon là vui rồi!

Dấu vết ký ức

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 82 sinh nhật Bác Hồ, Ban Tuyên huấn Quảng Đà tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, củng cố tinh thần cán bộ đảng viên, khẳng định tư tưởng tiến công, dù cho đế quốc Mỹ ngoan cố không chịu ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Vào đêm 21 rạng ngày 22.5.1972, có 3 chiếc pháo đài bay B52 của Mỹ ném 3 loạt bom xuống khu vực khe đá, nơi Ban Tuyên Huấn đóng cơ quan. Một quả bom tấn làm sập cái hang đá điện đài, nơi có 5 người, một loạt bom quét trúng ngay trước hang đá văn phòng, làm cho 14 trong số 15 người trong hang chết và bị thương, sức ép của loạt bom như muốn hất tung tôi và anh An ra khỏi hang đá cạn của Báo Giải phóng Quảng Đà…

Sau bao mùa nắng mưa bão bùng, tất cả dấu vết của một thời làm báo, làm công tác chính trị - văn hóa - tư tưởng đã trở thành quá khứ. Còn chăng ở trong ký ức, là những kỷ niệm về một thời làm báo, lo công tác chuyên môn thì ít mà lo cho cái ăn luôn thiếu đói, lo cho chỗ ở để tránh đạn bom thì nhiều. Nhớ chiều chiều lội dọc theo những con suối cạn ghập ghềnh đá, nước trong veo, háo hức một bữa canh ngọt khi dõi theo những con cá con con, những con ốc đá to bằng đầu ngón tay út, và rau ranh, rau má…

Nhắc lại là nhớ về, những cán bộ chiến sĩ, phóng viên trong cơ quan ngày gian khổ ấy: Các anh Trần Văn Anh, Hồ Hải Học, Nguyễn Đình An, Hoài Hà, Vũ Thành Lê, Dương Tấn Nhường, Đỗ Nhung, Nguyễn Trọng Định, Hoàng Kim Tùng, Trần Mậu Tý… và tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Anh viết đến khi... tay bị run!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO