Một tấm gương cộng sản mẫu mực

DUY HIỂN 15/02/2020 10:06

Nhà ông Phan Văn Nghi ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Vị đại tá về hưu này khi biết chúng tôi đang làm một bộ phim tài liệu về bố mình - cụ Phan Văn Định - vị Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam đã nói: “Tôi không được gần bố nhiều vì cả bố con chủ yếu sống trong quân đội. Nhưng tôi nhớ sau năm 1945, một lần anh tôi hỏi: Bố ạ, đời người hạnh phúc nhất là gì? Bố tôi bảo: Đời người hạnh phúc nhất là sống có lý tưởng. Đời bố, cái phút giây tại bãi cát Trường Lệ, Hội An, khi tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam là giờ phút sung sướng nhất. Vì bố đã có những người đồng chí, được tham gia vào cuộc đấu tranh của Đảng để giải phóng dân tộc”.

Ông Phan Văn Định thời trẻ. (Ảnh tư liệu gia đình)
Ông Phan Văn Định thời trẻ. (Ảnh tư liệu gia đình)

Quãng đời hoạt động cách mạng của ông Phan Văn Định trên đất Quảng Nam – Đà Nẵng lâu nay đã được đề cập nhiều nhưng bức chân dung cả cuộc đời ông thì chưa thật rõ nét. Lần theo những nhân chứng, những người thân và những tài liệu viết tay mà ông để lại, chúng tôi mới vỡ vạc thêm nhiều điều. Tháng 10 năm 1930 xảy ra sự kiện một đảng viên ở Duy Xuyên phản bội khai báo khiến Đảng bộ Quảng Nam bị vỡ nặng, toàn bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong đó có Phan Văn Định bị bắt, rồi bị đày đi nhà tù Lao Bảo. Trong tù Phan Văn Định đã tích cực tham gia đấu tranh chống đánh đập, đòi cải thiện đời sống người tù. Năm 1934 Bảo Đại lên ngôi, cho tiến hành một đợt ân xá, Phan Văn Định do vậy cũng được ra tù trước thời hạn, về quê nhưng bị quản thúc gắt gao.

Dòng họ Phan làng Đông Thái của ông Định có nhiều người hoạt động cách mạng; tiêu biểu là Phan Trọng Bình, anh thúc bá của Phan Văn Định, người từng dự lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu cùng với Phạm Văn Đồng, Tôn Quang Phiệt… Qua sự hỗ trợ của Phan Trọng Bình, năm 1941 ông Định móc nối liên lạc rồi cùng người em ruột là Phan Văn Tư ra Hà Nội, sắm thuyền theo sông Thao, sông Lô chuyên chở gạo muối lên bán mạn Tuyên Quang rồi mua lâm thổ sản về bán lại. Nhưng thực chất đó là hoạt động Việt Minh. “Bố tôi kể có lần phải đánh đắm cả chiếc thuyền cùng tất cả hàng hóa để phi tang tài liệu” - ông Phan Văn Nghi kể.

Đến năm 1944, tình hình cách mạng cả nước phát triển mạnh, thực hiện chủ trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ông Phan Văn Định được lệnh về quê Đức Thọ, Hà Tĩnh hoạt động. Ông được phân công làm ủy viên quân sự, chuyên lo công tác huấn luyện, tập võ cho tự vệ bí mật. “Những năm 1944 - 1945 thị trấn Đức Thọ bị máy bay Đồng Minh bắn phá nên chính quyền tay sai Nam triều dời phủ đường về dinh Hoàng Cao Khải nằm ở làng tôi. Ngày 16.8.1945 tôi đang ở quê ngoại bên kia sông La thì nghe dì tôi qua báo làng có việc chi chộn rộn lắm. Anh em tôi bơi qua sông chạy về thì thấy bố tôi dẫn đầu đoàn người tiến vào dinh Hoàng Cao Khải. Ông lệnh tự vệ bắt trói tri phủ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng”.

*
*            *         

Năm 1946, Phan Văn Định được điều vào quân đội, chỉ huy một cánh quân trên mặt trận Na Pê giáp Lào để ngăn chặn quân Pháp đang lăm le vượt cửa khẩu Cầu Treo tiến xuống đánh chiếm Hà Tĩnh. Những năm chống Pháp, ông Định phụ trách công tác giao thông sau đó sang cục Quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần. Rồi cải cách ruộng đất nổ ra. “Nhà tôi thoát nạn là nhờ ông Trần Văn Quang, từng là Chính ủy Quân khu 4, thủ trưởng cũ của bố tôi can thiệp. Vả lại bố tôi từng hoạt động cùng ông Trần Văn Tăng, anh ruột của ông Quang ở Hội An. Năm 1929 khi ông Trần Văn Tăng giữ chức Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam thì bố tôi làm cấp phó. Tình đồng chí, anh em sâu nặng vậy nên bố tôi qua cơn hoạn nạn”. Phần ông Định, năm 1957 được điều sang Cục Nông trường của quân đội nhưng ông bảo không quen ngồi văn phòng, thích xuống cơ sở hơn. Bởi vậy ông lần lượt đi một số nơi rồi cuối cùng xin chuyển về Nông trường Hương Sơn, Hà Tĩnh và nghỉ hưu vào năm 1966.

Một ông Định giản dị, làm vườn rất giỏi, vườn cam ông chăm luôn xanh tốt và trĩu quả là hình ảnh mà người làng Đông Thái vẫn quen thấy. Cho đến một hôm, đó là ngày 15.4.1979 khi Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến về làm việc với Hà Tĩnh đã lên xã Tùng Ảnh, Đức Thọ thắp hương cố Tổng Bí thư Trần Phú và nhận ra ông Định. Hai người bạn cố tri thời hoạt động cách mạng ở Đà Nẵng ôm chầm lấy nhau trong sự ngỡ ngàng, xúc động của những người chứng kiến. Những năm 1925 - 1926 tại Đà thành, nhóm thanh niên yêu nước Lê Duẩn, Lê Văn Hiến, Phan Văn Định… đã cùng lập nhóm đọc sách báo yêu nước như Việt Nam hồn, Hồi trống tự do, Tân thế kỷ…, cùng trăn trở con đường giải phóng, và rồi cuộc đời cách mạng đã đưa họ đi những phương trời khác nhau nhưng tình tri kỷ thì vẫn vẹn nguyên. Sau lần gặp gỡ ấy Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành sự quan tâm đặc biệt với người bạn cũ.

*
*               *

Những người từng tiếp xúc, nghiên cứu về vị lão thành cách mạng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định đều nhận thấy ở ông một đức tính nổi bật, đó là sự khiêm nhường. Năm 1979 Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức sưu tầm, xuất bản hồi ký của các vị tiền bối cách mạng, nhà văn Nguyễn Bá Thâm được phân công viết về cụ Phan Văn Định. Nhà văn vẫn còn nhớ như in về lần gặp gỡ ấy: “Ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là  một con người rất thong dong, điềm đạm, kể chuyện cực kỳ khiêm tốn, không khoe khoang chức vụ gì cả. Khi tôi hỏi chuyện về những năm tháng cụ hoạt động ở Đà Nẵng, Hội An rồi làm Bí thư Tỉnh ủy, cụ kể rất khiêm tốn, chủ yếu kể về phong trào, kể về đồng đội của mình như vợ chông ông Lê Văn Hiến - bà Thái Thị Bôi, ông Huỳnh Lắm, bà Trần Thị Dư… Mọi thứ với cụ rất chân tình, rất dễ gần gũi”.

Ông Bùi Xuân - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, người tham gia biên soạn Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930 - 1975 khi bình luận về sự kiện Phan Văn Định đề cử Phạm Thâm thay mình giữ chức Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 8.1930: “Tôi rất tâm đắc khi tìm hiểu sự kiện này. Về mặt khách quan thì đồng chí Phan Văn Định do lái xe cho Công sứ Pháp nên khó đi cơ sở. Nhưng quan trọng là đồng chí nhận thấy người phó của mình là Phạm Thâm có những nhân tố phù hợp nên đã chủ động lui về làm phó. Đồng chí ủng hộ tối đa cho đồng chí bí thư và tích cực hoạt động phát triển cơ sở Đảng ra các phủ huyện trong tỉnh. Tôi rất kính phục lớp tiền bối cách mạng này, trong đó có cụ Phan Văn Định. Đó là những tấm gương sáng, là bài học quý cho ngày hôm nay”.

Sinh thời cụ Phan Văn Định luôn coi xứ Quảng là quê hương thứ hai của mình, nơi ông đã tìm gặp được lý tưởng của Đảng, đã sống những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Trong lòng ông luôn sống động bao kỷ niệm thiết tha với những người đồng chí, bạn bè Quảng Nam thuở gieo hạt mầm cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một tấm gương cộng sản mẫu mực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO