Người anh hùng của đất Quế Thọ

VÕ VĂN TRƯỜNG 07/02/2020 10:35

Chiến sĩ cách mạng Trần Ngự hy sinh năm 1969 nhưng mãi đến 2014 mới được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Điều đáng nói, nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, hồ sơ về những năm tháng bị địch bắt tù đày của chiến sĩ cách mạng Trần Ngự mới được tìm thấy từ tàng thư của chế độ cũ, hiện Công an tỉnh Quảng Nam lưu giữ.

Chị Trần Thị Thanh Hải, con gái liệt sĩ Trần Ngự, trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho người cha thân yêu của mình đã xúc động nói, dẫu muộn nhưng những đóng góp, Sự hy sinh của người cha đã được ghi nhận. Song tiếc là trong ngày vui thì nhiều đồng chí đồng đội của cha đã không còn sống để chứng kiến - trong đó có ba tôi, một người bạn cùng quê, cùng gắn bó với phong trào cách mạng địa phương suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm trường kỳ.

Theo lời kể của những người cùng hoạt động cách mạng với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Ngự, sau kháng Pháp, ông Trần Ngự tiếp tục ở lại hoạt động cách mạng. Tháng 3.1955, sau những vụ khủng bố man rợ của kẻ địch, ta tổ chức xây dựng lại phong trào, móc nối cơ sở, thành lập nhiều “Tổ Trung kiên” để làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Song, do lực lượng chênh lệch, ta bị tổn thất rất nặng, phong trào cách mạng đương đầu với nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong hai năm 1956 - 1957 địch liên tục mở nhiều lớp “tố cộng”, bắt hàng trăm người gồm cán bộ, đảng viên và gia đình có người tập kết, thoát ly tập trung “chỉnh huấn” tại quận Hiệp Đức, mỗi đợt 100 ngày.

Năm 1957 cơ sở bị lộ, Trần Ngự bị địch bắt rồi giam tại nhà lao Quế Sơn. Không đủ chứng cứ và không thể khai thác được gì ở người chiến sĩ cộng sản này nên bọn địch đành thả ông ra. Lần thứ hai Trần Ngự bị địch bắt vào cuối 1959, giam tại nhà lao Hiệp Đức, sau đó chuyển ra lao Hội An và chuỗi các lao tù khác như Chí Hòa, Côn Đảo.

Bà Nguyễn Thị Lũy - một người bạn chiến đấu của ông Trần Ngự kể, cuối năm 1959 bà cùng Trần Ngự và các anh chị Phan Long, Nguyễn Văn Tri, Nguyễn Thị Xuân Hường, Lê Quyền bị địch chuyển từ lao Hiệp Đức ra lao Hội An. Ngầm biết Trần Ngự là người chỉ huy phong trào cách mạng địa phương nên bọn địch tra tấn rất dã man, liên tiếp trong một tuần. Lần đầu khi thấy lính đẩy ông xuống phòng giam cả người bầm tím, da rươm rướm máu, hai mắt như muốn lồi ra, tay chân đều sưng to, áo quần ướt hết vì máu, hồ hôi và cả nước xà phòng… Những lần sau, chúng lại tra tấn cách khác; kẹp điện vào hai ngón chân cái; cột hai tay hai chân lên ghế rồi đổ nước xà phòng vào miệng đến khi đầy bụng ngạt thở, chúng để lên trên bụng ông một tấm ván rồi dung chân đạp cho nước trào ra cả miệng, hậu môn. Dã man hơn, chúng cột hai tay và chân treo ông lên rồi nắm dây giật cho đầu đập vào tường…

Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, chết đi sống lại nhiều lần, nhưng với tinh thần gan dạ, ý chí kiên cường bất khuất của Trần Ngự, bọn địch vẫn không khai thác được gì. Chúng lại chuyển ông đến Ty Công an để thẩm cung. Cuối cùng không thể khuất phục, Trưởng ty Công an Quảng Nam đành phải bí chú đặc biệt, rồi đưa Trần Ngự ra Trung tâm cải huấn Đà Nẵng với số tù 041. Sau đó địch đày ông ra Khám Chí Hòa; năm 1962 chúng lại tiếp tục đưa ra Côn Đảo.

Chính quyền họ Ngô sụp đổ, nhiều chiến sĩ cách mạng của ta được trở về. Song âm mưu của địch là sẽ dần thủ tiêu… Biết được điều này từ những ngày ở tù, năm 1964 sau khi ra tù, Trần Ngự không về lại gia đình mà bí mật cùng với các ông Cao Đình Trung, Phạm Văn Kim quay lại hoạt động xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở địa phương. Theo  sách “Hiệp Đức huyện anh hùng” xuất bản năm 2000, sau ra tù Trần Ngự đã cùng đồng đội 3 lần đánh vào ấp chiến lược Sơn Tây, đốt cháy trụ sở hội đồng, tập kích Hội đồng xã Sơn Hòa và cùng quân dân tham gia chiến dịch Xuân 1965 đánh tan quân ngụy ở quận lỵ Hiệp Đức lần thứ 2.

Cùng với đấu tranh vũ trang, từ tháng 5 đến tháng 11.1965, lực lượng đấu tranh chính trị của các xã Sơn Tây, Sơn Tú, Sơn Hòa (Quế Thọ) đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị, đưa gia đình binh sĩ ngụy đến quận Hiệp Đức, Quế Sơn, xuống đồn Cao Lao Việt An để vận động chồng, con em bỏ súng trở về vùng giải phóng. Nhân dân các xã đấu tranh với địch ở quận Hiệp Đức, chống bắn pháo vào làng, chống càn quét phá hoại tài sản nhân dân, buộc quận trưởng Chu Nguyên phải nhận lỗi và hứa giải quyết những yêu cầu của nhân dân…

Với cương vị Phó Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Quế Sơn, phụ trách hai xã Sơn Tây và Sơn Tú, ông Trần Ngự đã viết thư kêu gọi binh lính ngụy trong quận Hiệp Đức bỏ súng trở về với cách mạng, không được càn quét bắn giết đồng bào. Kết quả có 6 nghĩa quân mang súng trở về với cách mạng và tham gia công tác địa phương, trở thành cán bộ, du kích. Như ông Trần Ngọc Hoàng trở thành xã đội trưởng của ta, đã chỉ huy chiến đấu diệt Mỹ 7 tên; tháng 7.1969 được đi dự báo công toàn tỉnh, toàn Quân khu 5 và vinh dự được tặng huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1”. Ông Hoàng đã hy sinh trong một trận đánh ấp khu dồn tại quận Hiệp Đức đêm 25.3.1970. Hay ông Trần Văn Hảo - Xã đội phó chiến đấu ngoan cường và đã anh dũng hy sinh; các ông Trần Được, Hồ Lạc, Trần Lầu là những chiến sĩ du kích quả cảm, chiến đấu ngoan cường và đã hy sinh anh dũng…

Từng công tác với ông Trần Ngự, các ông Ngô Đình Chân - nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Thọ; Phan Sô - nguyên Xã đội trưởng Sơn An, nguyên Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Hiệp Đức cho biết, ngày 4.4.1969 trên đường công tác từ huyện Quế Sơn về các xã lân cận Hiệp Đức, ông Trần Ngự lọt vào ổ phục kích của địch tại Đình Lá, thôn Cẩm Tú, xã Quế Thọ. Điều đáng khâm phục, mặc dầu đã bị địch bắn trọng thương, trước khi hy sinh ông vẫn nổ súng tiêu diệt được một tên Mỹ. Ông Trần Ngự hy sinh để lại vợ và 4 con nhỏ, trong đó con út chưa tròn 5 tháng tuổi.

Ông Đoàn Văn Viên - nguyên Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, người dành nhiều tâm huyết, sưu tra từ các nhân chứng lịch sử góp phần hoàn thiện hồ sơ về quá trình hoạt động cách mạng của liệt sĩ Trần Ngự bộc bạch: “Sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp đàn anh đi trước cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là không thể cân, đo, đong, đếm. Việc làm của thế hệ hôm nay là trách nhiệm và là nghĩa cử với thế hệ đi trước, trong đó Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Ngự là một trường hợp như thế. Tấm gương kiên trung và khí tiết người cộng sản Trần Ngự còn mãi là niềm tự hào của người dân Quế Thọ quê tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người anh hùng của đất Quế Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO