Thơ văn Tú Quờn

PHÚ BÌNH 30/08/2020 04:24

Xưa, ở xã Khương Mỹ, tổng Phú Quý, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) có một thầy thuốc kiêm thầy đồ sáng tác nhiều thơ văn chữ Nôm được người địa phương lưu nhớ.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Văn bên mộ ông Tú Quờn.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Văn bên mộ ông Tú Quờn.

Văn bia bằng chữ Quốc ngữ ở mộ ông này (nghĩa trang Gò Trầu, xã Tam Xuân 1) cho biết ông họ Nguyễn, có tên húy là Quờn, là ông cố của các thầy giáo Nguyễn Tấn Lưu (nguyên Trưởng phòng Phổ thông - Ty Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ), Nguyễn Tấn Trợ và Nguyễn Quốc Văn (dạy học tại xã Tam Xuân 1 - nay đã nghỉ hưu). Tính ngược từ các người cháu làm việc trong ngành giáo dục này trở lên, biết được ông Nguyễn Quờn sống và đỗ tú tài vào thời Tự Đức. Hiện ở vài nhà cổ thôn Khương Mỹ còn lưu mấy câu liễn đối do ông Tú Quờn cho chữ.

Giai thoại cho chữ

Dân gian Khương Mỹ kể: Có người đánh cá đến xin chữ, được ông Tú Quờn viết cho câu liễn toàn là tên các loài cá sông cá biển phổ biến: “Đối, viễn, thu, hanh, ngân, úc, liệt/ Căn, sơn, hồng, mại, lạc, kình, chiêm”. Điều thú vị là các tên Nôm các loài cá địa phương ấy có thể viết ra bằng tự dạng chữ Nho và nếu tinh nghịch một chút có thể diễn ra nhiều trường nghĩa khác nhau.

Một góa phụ có tật nói ngọng đến xin câu đối thờ chồng, ông tú viết cho câu đối dùng toàn các từ mà nhà Nho xưa thường dùng để nói về việc thờ tự, việc cúng kiếng: “Hiển hích hiên hinh hình hiển hích/ Hích hịch hiên hinh hích hịch hình”. Nghe ông tú đọc lại câu đối, bà góa kia tím mặt cho là ông giễu tật nói đớt, nói ngọng của mình. Đến khi nghe ông bảo: “Tôi viết vậy để phòng khi có ai hỏi thì chị đọc lên cho thuận miệng, không bị ai giễu!”, bà này liền vui vẻ nhận về treo.

Mấy bài trào phúng

Ở một làng gần Khương Mỹ, có một viên quan đã về hưu rất hách dịch, mỗi lần ra dự việc làng, viên này vẫn cứ đội cái mũ cánh chuồn như lúc còn đương chức, vẫn đi kiểu khuỳnh chân như lúc đến công đường và chễm chệ yêu cầu ngự “một mình một chiếu” giữa đình. Lý hương và dân làng rất ghét mà không ai dám nói. Ông Tú Quờn bèn làm bài thơ vịnh kẻ có bệnh ghẻ ngứa để bóng gió cười chê: “Trời phú cho ta đệ nhứt è!/ Một mình một chiếu sướng hung he!/ Trên ghế chơi vơi ngồi nặn mũ/ Dưới sân choáng váng bước vòng xe/ Gần xa nghe nói đều ghê gớm/ Làng xóm không ai dám bạn bè/ Trời phú cho ta đà rất hậu/ Một mình một chiếu sướng hung he!”. Trong bài này, điệu bộ kẻ “nặn mủ con ghẻ ngứa” ám chỉ động tác “nặn mũ cánh chuồn” và “bị ghẻ, ngứa háng nên bước vòng xe” khá giống kiểu đi khuỳnh khuỳnh ra bộ oai vệ. Dân gian kể,  nghe nhiều người đọc bài thơ châm chọc ấy, viên hưu quan tức ói máu mà không làm gì được tác giả.

Lại có một kẻ chuyên nghề chơi đá gà, luôn bợ đỡ quan huyện địa phương cũng ham đá gà. Cậy thế quan, y dọa dẫm người khác. Đến khi quan huyện đổi đi, anh ta hết thế cậy nhờ, bị người làng chế giễu bằng cách nhờ ông tú làm bài thơ “Vịnh gà chọi”: “Ủa ủa anh nầy ớ các ông!/ Gà rừng dạn mặt đá cùng công/ Le te xơn nhảy rung mồng tách/ Tố hộ ra nghề phủ kiếng (cánh - NV) lông/ Bờ rấp lủi chen loài bịp cốc/ Từng mây lừng lẫy bạn long rồng/ Nhỏ to cũng bởi không lường sức/ Oác chạy đừng than kẻ nước bồng (kẻ bồng nước, kẻ nâng đỡ - NV)!”.

Thơ gửi con

Ông Nguyễn Thạnh, 96 tuổi, ở thôn Khương Mỹ đọc cho người viết bài này nghe bài thơ của ông Tú Quờn viết giúp cho một lão ông ở Chợ Vạn - Tam Kỳ. Ông lão này có người con trai trưởng theo ghe buôn vào Nam Trung Bộ lâu lắm không về. Mãi đến khi biết địa chỉ con ở Bình Định, ông muốn gửi thư thăm và khuyên con về quê làm nhiệm vụ thờ tự. Xin trích mấy đoạn: “(…) Những tưởng là buôn bán nước người/ Năm ba tháng thì lui về chốn cũ/ Hay đâu nỗi xông pha đất khách/ Bốn năm năm chưa trở lại quê hương/ Lẽ thị phi chưa rõ nguồn cơn/ Đường ly biệt nghĩ càng cám cảnh/ Cha vốn đã đôi phen nhắn nhủ/ Bề hơn, sự thiệt đã nói hết lời/ Sao con không tấc dạ ai hoài?/ Ngày lụn tháng qua trông đà mỏi mắt/ (…) / Vợ còn đương mặt đỏ má hồng/ Vì trông đợi lòng khô dạ héo/ Em đương lúc đầu xanh tóc trẻ/ Những nhớ trông nên mặt võ mình gầy/ Cha sáu mươi tóc hạc da mồi/ Nào thấy kẻ đỡ đần khi tịch thiện (bữa ăn tối)/ Con ngàn dặm đàn chim dấu thỏ/ Biết lấy ai cậy dựa lúc thần xan (bữa ăn sáng)/ Đêm năm canh thao thức tin nhàn (nhạn)/ Ngày sau khắc ước mơ thơ cá/ Khi dạo bước thấy ngọn buồm lố xố/ Những khinh khầm (nghĩ thầm) thuyền con đã về nơi/ Lúc ra đường nghe tiếng lạc (lục lạc) lao xao/ Những hớn hở ngựa con đà về đó/ (…) Nay mừng đặng cửa nhà Bình Định/ Nên gửi lời tỏ nỗi khúc nôi/ Muốn cho rõ đặng lòng cha kẻo mỏi/ Khuyên con cố lui về chốn cũ/ Cho thỏa niềm phụ tử tình thâm/ (…)/ Khuyên con tua trở lại quê nhà/ Ngàn năm ắt cơ đồ nguyên viễn/ (…)”.

Thơ bà Phó

Ông Nguyễn Thạnh cũng đọc cho nghe (một đoạn mà ông còn nhớ) bài “Thơ bà Phó” của nhà thơ dân gian Tú Quờn viết giúp cho một phụ nữ tên Phó ở Chợ Vạn Tam Kỳ có chồng theo ghe buôn vào Nam Kỳ lục tỉnh lâu lắm không về: “Biệt ly ớ hợ! Duyên nợ đừng phai/ Khúc hồi văn thêu dệt bởi vì ai?/ Ngâm chinh phụ thở than cùng với đó/ Yên (anh) tự thuở trao lời vắn vó (gắn bó)/ Bến Mỹ Tho muôn dặm tách buồm loan/ Thiếp ghe (nhiều) phen chịu lúc gian nan/ Chợ Bàn Thạch một mình như khúc gỗ/ Nhà giữa chợ tuy rằng mình vỏ (bên ngoài) có/ Song hỡi còn thiếu ruột thiếu gan/ Ở một mình thiếp chẳng lo toan/ Làm sao đặng nên hình nên vạc/ Thiếp cũng quyết trăm năm gánh vác/ Lo cho chàng mà tính cũng cho chàng/ Chàng chẳng hề một chút yêu đoan (đương?)/ Đói mặc nó mà no cùng mặc nó/ Chẳng nói sợ chưa từng dạ đỏ/ Nói ra thời thấu tới tim đen/ Một là lo khi tối lửa tắt đèn/ Em còn dại cháu lại còn hèn…”.

Khác với các bài thơ giản dị, đậm cách diễn đạt bình dân vừa nêu trên đây, trong bài “Văn tế cô hồn” (đã giới thiệu trên Quảng Nam Cuối tuần tháng 8. 2016), tuy vẫn sử dụng nhiều phương ngữ, cách nói dân gian nhưng Tú Quờn đã viết văn chương hơn. Xin lược trích mấy câu: “Hình hài tạo hóa, sống trên đời ai cũng như ai / Kiếp vận phù sinh, thác xuống đất mộ nào cũng mộ/ Trông ra đều vắng vẻ, bụi ngập đầy sáu cõi tuyết sương/ Ngó lại thấy quạnh hiu, nhìn sau trước một mình trăng tỏ/… Hoặc là kẻ nỗi niềm ân ái, sầu tương tư dòng nước gieo mình/ Hoặc là người giữ đạo hiếu trinh, giận cơ hội  nhành cây gửi cổ/… Thảm thương thay mùa xuân đã đến!/ Mả mộ tàn không kẻ viếng thăm/ Thảm thương thay ngày lụn tháng qua!/ Hương khói lạnh không người quyến cố/...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thơ văn Tú Quờn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO