Thơ xuân và câu đối tết của Sơn Hồ

PHÚ BÌNH 10/01/2020 11:22

Ở vùng Tam Kỳ, vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, có nhà thơ Sơn Hồ nổi tiếng với tài làm thơ và viết câu đối đậm đà phong cách dân gian Quảng Nam. Nhiều tác phẩm thú vị của ông về đề tài “xuân và tết” ở buổi giao thời giữa bao cấp và đổi mới được nhiều người kể đi kể lại.

Cụ Sơn Hồ.
Cụ Sơn Hồ.

Nhà thơ Sơn Hồ (qua đời năm 2006) tên thật là Dương Quốc Thạnh sinh năm 1925 tại làng Quá Giáng ven sông Cẩm Lệ thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Thuở nhỏ ông học chữ Nho và đỗ bằng tuyển sinh. Kháng chiến chống Pháp ông vào bộ đội, đóng quân tại làng Cẩm Khê phía tây vùng Tam Kỳ - nay thuộc xã Tam Phước, huyện Phú Ninh. Tại đây ông lập gia đình, sau đó phục viên rồi định cư luôn ở quê vợ. Sau 1954, ông đưa vợ con xuống Tam Kỳ sinh sống. Tuổi già, ông sáng tác rất nhiều thơ Đường luật và đặc biệt là viết một số câu đối tết rất dí dỏm. Xin kể về một số câu đối tết và mấy bài thơ xuân mà Sơn Hồ đã viết và tặng cho thân hữu.

Xuân Ất Dậu 2005 có người gửi ông vế xuất thách đối: “Ba ngày tết vui xuân đã đã!”. Ông loay hoay mãi mới đối lại được và than thở vế xuất quá khó nên đáp lại không đắc ý, gượng và không thanh. Đó là các vế đáp “Một cuộc chơi hái mận đều đều” hoặc “Đến vườn hoa bẻ nhụy chừng chừng”. Nhưng câu đối sau đây của ông nói về tuần hoa giáp (60 năm) và thập nhị chi (12 con giáp) ai cũng cho là khéo:

Lục thập, soixante: tiếng Pháp tiếng Tàu đều sáu chục
Chục chầu, y tá: tính đi tính lại cũng mười hai.

(Lục thập: tiếng Tàu nghĩa là số 60; soixante: tiếng Pháp nghĩa là số 60/ Y tá: đủ số mười hai; dân gian cũng gọi là “chục chầu”).

Ông sống chung thủy “một vợ một chồng”. Nhưng, để hợp cho một câu đối về xuân, ông gọi bà Sơn Hồ là “bà nhứt”:

Tết nhứt? Nhứt xu không! nhứt nhứt trông vào bà nhứt cả!
Tiêu chi? Chi bạc đủ! chi chi chả nệ mức chi nào!

Câu đối chơi chữ ấy khái quát được cuộc sống kinh tế khó khăn của ông lúc về già. Khó khăn ấy còn thể hiện ở một câu đối nữa:

Tối ba mươi nợ nần đòi bối rối Canh Tân: Sao chẳng mười năm mà lại một?

Sáng mồng một rượu chè ngả nghiêng say Nhâm Quý: Muốn cho ba bữa hóa ra mười!

Hai cái ý “Sao không mười năm một lần tết?” để chủ nợ lâu đòi và muốn “Ba ngày xuân kéo dài ra mười bữa” để được vui và được ăn ngon thì người xưa đã từng nói nhiều; nhưng, đến tay Sơn Hồ, câu đối xuân nói trên đã thành một phong vị khác.

Viết câu đối tết, Sơn Hồ thường chơi chữ: “Chén rượu giao thừa mừng quý vị/ Đồng tiền mãi lộ thật khôn đoài (đòi). “Quý vị” vừa chỉ sự trân trọng “các ông, các bà” lại vừa chỉ năm “Quý Vị” tức “Quý Mùi”; còn “khôn đòi” vừa có nghĩa “khó đòi” vừa là trại âm của hai quẻ “Khôn” và “Đoài” trong Dịch học phương Đông.

Cũng với lối chơi chữ ấy, ta gặp câu đối tết sau: “Giáp Ất mà chi! Tết nhứt ba ngày trơ mạng mộc/ Canh Tân cũng lắm! Gái trai một thuở bén duyên kim”, trong đó sử dụng các từ trong hàng Can (Giáp, Ất, Canh, Tân) và hai từ trong Ngũ hành (Mộc, Kim) để nói lên cái tác động của thời gian đối với già và trẻ. Câu đối chơi chữ này lại còn thú vị ở chỗ: dùng thành ngữ “trơ mạng mộc” rặt phong cách Quảng Nam để đối với thành ngữ “bén duyên kim” mang màu sắc văn chương bác học.

Trong những cái tết nghèo thời cũ, Sơn Hồ tự an ủi: “Tết trước vểnh râu dê, xé vạt vá vai rồi cũng tết/ Xuân này trơ cốt khỉ, thắt lưng buộc bụng rứa mà xuân”. Hết thời khốn khó, vào giao thời các năm đất nước vừa đổi mới được ít lâu, ông viết đôi câu đối tràn đầy cảm khoái: “Chiều ba mươi đưa tiễn Giáp Thân (2004), rượu thịt no say nằm vỗ bụng/ Sáng mồng một đón chào Ất Dậu (2005), thi thơ cảm khoái đứng vênh râu!”. Và cũng lại chơi chữ nhân lúc có dịch cúm gà vào gần giáp tết năm ấy: “Sợ nạn gà toi chẳng dám chăn nuôi năm Ất Dậu/ Nghe tin cọp dữ nên không rúc núi tháng Canh Dần”.

*

*          *

Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật biền ngẫu của thơ xuân và câu đối tết của Sơn Hồ nằm ở chỗ vận dụng từ, thành ngữ, tục ngữ hết sức khéo léo. Hãy đọc bài Đường luật được sáng tác trước năm 1975 đầy chất cảm hoài sau đây của ông để thấy sự tinh tế trong cách vận dụng ấy:

Dưới bóng chiều xuân gẫm mọi bề
Tình đời nếm đủ thói khen chê
Chặng đường đến đích phì phò ngựa
Sân khấu về khuya uể oải hề
Vẫn ván cờ tàn xe pháo mã
Nguyên bài nhạc cũ ú xàng xê
Nhân tình thế thái bao thay đổi
Giấy rách nguyền luôn giữ lấy lề!

Ngôn ngữ đối trong hai câu luận (5 và 6) của bài thơ này thật đặc sắc. Xin giới thiệu một bài thơ xuân khác viết vào giao thừa năm 2005 cũng đặc sắc không kém:

Chào năm Ất Dậu tiễn năm Thân
Tháng của đầu xuân tháng Mạnh Dần
Đất nước mừng xuân: xuân Đất Nước
Nhân dân đón tết: tết Nhân Dân
Đài trang tô điểm đài trang nhã
Cảnh trí phô bày cảnh trí tân
Rượu thịt no say nằm vỗ bụng
Mặc ai nhọc sức đuổi hươu Tần.

Ông nói “rượu thịt no say” để bóng bẩy chỉ niềm vui của sự ấm no; dùng điển tích “đuổi hươu Tần” để mộc mạc chỉ “sự bon chen, tranh cạnh ở đời”. Sơn Hồ bao giờ cũng gửi lời khuyên đến mọi người về một thái độ đón xuân kiềm chế: “Rượu “chén trong kéo chén ngoài” phải nhớ chữ “tửu trung bất ngữ”/ Tiền “đồng trên đè đồng dưới” chớ quên câu “tài thượng phân minh”. Vui xuân đón tết đủ đầy, Sơn Hồ không quên dặn dò con cháu phải luôn biết chia sẻ với người nghèo kẻ khó: “Sẻ áo nhường cơm, thể hiện “lá lành đùm lá rách”/ Lòng nhiều của ít, để cho “con béo kéo con gầy”.

Nội dung câu đối tết của Sơn Hồ luôn thể hiện tinh thần lạc quan, xây dựng. Ông mong sớm đến ngày mùng bảy tháng Giêng, để mọi người tham gia tết trồng cây theo truyền thống: “Vẫn giữ nề xưa: giấy mực sẵn sàng đây, đợi quá ba mươi khai bút tết/ Không quên nếp cũ: cuốc mai chờ chực đó, trông qua mồng bảy hạ nêu xuân”.

Niềm vui xây dựng ấy theo ông đến tận mùa xuân cuối đời. Năm 2004 - gần hai năm trước ngày qua đời, ông viết bài thất ngôn bát cú đầy vẻ ung dung:

Đón chào Ất Dậu tiễn Thân đi
Tết nhất riêng ta có những gì?
Con cháu dâng quà đôi lít rượu
Bạn bè gửi tặng mấy vần thi
Khi vui uống rượu mơ tri kỷ
Lúc hứng ngâm thơ tặng cố tri
Ai biết hỏi giùm ông Đỗ Phủ
Tuổi ta đáng gọi cổ lai gì?

Người xưa nói “Thất thập cổ lai hy”. Năm ấy, Sơn Hồ gần tám mươi, hơn chuyện “cổ lai hy” gần chục tuổi. Ngay trước khi bị tai biến mạch máu não, Sơn Hồ còn viết: “Tớ chửa già đâu! Chả hiểu vì sao đầu sớm bạc?/ Xuân còn trẻ lắm! Cho hay sức khỏe quý hơn vàng!”. Sự lạc quan mang dáng vẻ mùa xuân ấy còn mãi nơi ông, cho đến ngày nhắm mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thơ xuân và câu đối tết của Sơn Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO