Vị lãnh sự ngoại giao đầu tiên

CHÂU YẾN LOAN 14/03/2020 09:03

Nguyễn Thành Ý là vị lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Việt Nam dưới triều Tự Đức. Ông là người có ý thức muốn canh tân đất nước, chuộng thực học. Tuy ông có nhiều đóng góp cho triều đình và cũng được đãi ngộ xứng đáng nhưng thời thế nhiễu nhương, triều đình bảo thủ khiến nước nhà lụn bại, mất về tay quân Pháp nên ông rất buồn.

Mộ của Nguyễn Thành Ý và phu nhân tại Gò Bướm (Điện Bàn).
Mộ của Nguyễn Thành Ý và phu nhân tại Gò Bướm (Điện Bàn).

1. Nguyễn Thành Ý tự là Thiện Quan, hiệu Túy Xuyên, sinh năm 1820 tại làng Túy La (nay thuộc xã Điện Quang), về sau sang cư ngụ tại làng Bất Nhị  nay thuộc xã Điện Phước), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Ông xuất thân từ gia đình Nho học nức danh “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em đều đỗ đạt).

Nguyễn Thành Ý đỗ cử nhân khoa Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843) tại trường Thừa Thiên. Năm 1845 ông được giữ một chức quan nhỏ tại Huế, sau đó bổ Tri huyện Chương Nghĩa rồi sung chức Quản đạo Phú Yên. Năm 1858, ông làm Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương và Hưng Yên). Thời gian này Pháp tấn công Đà Nẵng rồi quay vào chiếm Cần Giờ, ông bất bình trước thời cuộc xin về hưu. Sau đó vua Tự Đức mời ông ra làm Phụ đạo đại thần.

Sau khi Pháp hạ thành Gia Định (17.2.1859), ông được bổ làm Hộ đốc Gia Định thay Tổng đốc Võ Duy Ninh tuẫn tiết, nhưng khi ông vào đến nơi, Pháp đã phá thành Gia Định, ông được bổ làm Tri phủ Phước Tuy. Ông là người thức thời, giao thiệp rộng, kết giao với nhiều người tiết nghĩa và học tiếng Pháp để tìm hiểu ý đồ của người Pháp.  

Năm Nhâm Tuất (1862) triều đình Huế buộc phải ký hòa ước nhường 3 tỉnh miền Đông - Nam Kỳ cho Pháp, Nguyễn Thành Ý được rút về làm Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam.

Mặc dầu từ năm 1866, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị lập lãnh sự tại Gia Định nhưng bị vua Tự Đức bác bỏ, mãi cho đến khi Pháp chiếm trọn Nam Kỳ, triều đình Huế mới nhận thấy sự bất lợi khi không có lãnh sự ở Nam kỳ.

Với kinh nghiệm dày dặn, khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp và sự hiểu biết về đất Nam Kỳ, tháng 10 năm Giáp Tuất (tháng 11.1874), Nguyễn Thành Ý được bổ làm Khâm phái kiêm Lãnh sự ở Gia Định, hàm Hồng lô tự khanh.

Ông đã rất khôn khéo, nhã nhặn để vừa giữ được uy thế của triều đình vừa không làm mất lòng người Pháp, tuy thế, do có mặt lãnh sự của triều đình, các sĩ phu chống Pháp vẫn hướng về kinh đô khiến người Pháp lo sợ tìm cách đẩy ông đi nơi khác.

2. Tháng 9.1877, ông được thăng hàm Quang lộc tự khanh, sung chức Chánh khâm phái dẫn đoàn sứ bộ mang các đồ thủ công mỹ nghệ của nước ta sang dự hội chợ đấu xảo tại Paris, Biện lý Lễ bộ Nguyễn Lập thay ông giữ chức Lãnh sự. Sau đó Nguyễn Thành Ý tiếp tục dẫn đoàn sứ bộ sang Tây Ban Nha tìm hiểu tình hình châu Âu, mãi đến tháng 1.1879 mới về.

Theo sớ tấu của Nguyễn Thành Ý, gian hàng của nước ta được khách quốc tế rất ưa thích, mặt hàng xà cừ của Việt Nam có thể xem như một loại hàng hóa “đẹp nhất thế giới”. Đồng thời ông cũng đề nghị một số phương án nên cấp bách thực thi:

- Nước Pháp hiện là một trong các nước lớn mạnh nhất thế giới, do đó nước ta nên thành tâm tôn trọng hòa ước với họ.

- Nước ta phải cầu thân với các nước Tây phương khác.

- Nước ta phải đợi thời cơ, nỗ lực tự cường, học tập kỹ thuật của phương Tây, noi gương Nhật Bản vì hiện họ đã tự lực nắm được kỹ thuật đóng tàu biển.

- Trong lĩnh vực kinh tế nên khai thác các mỏ khoáng sản.

- Gửi một số du học sinh sang hải cảng Toulon (Pháp) học nghề cơ khí để sau này mở một xưởng đóng tàu tại Đà Nẵng nhằm phát triển kinh tế.

Nguyễn Thành Ý có xu hướng Duy tân, ông muốn hòa hoãn với Pháp bằng con đường ngoại giao ngõ hầu có thời cơ canh tân xứ sở theo kịp trào lưu thế giới để có thể đối đầu với Pháp.

Tuy nhiên sớ tấu của ông bị triều thần đánh giá là quá đề cao uy thế của Pháp và các nước châu Âu, khiến nhà vua nổi giận, cách chức lưu nhiệm Nguyễn Thành Ý, giáng Nguyễn Tăng Doãn trở về hàm Tả tham tri nhưng vẫn cho lãnh Thượng thư.

Năm Kỷ Mão (1879), Tự Đức chuẩn cho Nguyễn Thành Ý chọn và dẫn một số du học sinh sang Pháp học tại trường cơ khí Toulon.

Sau khi từ Pháp trở về năm 1880, ông được phục hồi chức vụ, trở về Gia Định làm Lãnh sự. Trong thời gian này, ông là đầu mối ngoại giao của triều đình với Soái phủ Nam Kỳ, đồng thời cũng nhiều lần thông báo về triều đình những âm mưu của người Pháp tại Tây Nguyên và Bắc Kỳ.

3. Tháng 8.1881, ông được bổ nhậm chức Tuần phủ Bình Định. Nguyễn Lập được cử thay ông. Tháng 10.1881, ông được triệu về kinh để báo cáo tình hình, sau đó được lưu lại kinh với chức Tả thị lang bộ Hộ.

Đến năm 1883, Lãnh sự Nguyễn Lập xin về quê chữa bệnh, Nguyễn Thành Ý lại vào thay. Lúc bấy giờ, công cuộc bang giao giữa Việt Nam và Pháp càng lúc càng căng thẳng vì phe chủ chiến của Pháp cố tình thôn tính nước ta khiến nhiệm vụ của Nguyễn Thành Ý vô cùng khó khăn, đưa đến bế tắc giữa triều đình Huế và Soái phủ Nam Kỳ.

Nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn lại khám phá ra lúc mới vào, ông đã bí mật mộ quân chi viện cho Trương Định đánh Pháp nên Thống đốc Nam Kỳ Charles Thomson rất ác cảm với ông, tìm cách trục xuất ông và phó Lãnh sự Trần Doãn Khanh buộc phải rời Sài Gòn trong vòng 24 giờ với lý do: “Mấy lâu ông làm việc ở đây, không bớt được sự biến gì cả; nếu để ông ở lại, sợ hại việc trong 6 tỉnh này, xin ông về ngay”.

Tháng 7 năm Quý Mùi (1883), Nguyễn Thành Ý về đến Huế, ông được triều đình phong chức Binh bộ hữu Tham tri rồi thăng Thượng thư bộ Binh để chuẩn bị cho công tác ngoại giao tiếp theo.

Tháng 9, mùa thu năm Bính Tuất (1886), sử ghi: “Tổng đốc Hải Yên là Nguyễn Thành Ý có bệnh xin về hưu, vua y cho, rồi chuẩn cấp lương cả năm (1.200 quan) để giúp cho dưỡng lão”. Tuy vậy, năm 1891 triều đình lại thỉnh ông ra kinh nhậm chức Lễ bộ Thượng thư kiêm Phụ đạo Đại thần, trực tiếp dạy vua Thành Thái, đến năm 1894, ông mới được nghỉ hưu và được gia hàm Hiệp biện Đại học sĩ (Đại Nam liệt truyện, quyển 30).

Những năm cuối đời ông sống lặng lẽ, đau buồn tại quê nhà cùng với lịch sử bi thương của dân tộc. Năm 1897 ông mất, hưởng thọ 78 tuổi, an táng tại nghĩa trang Gò Bướm (nay thuộc thôn Nhị Dinh 2, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vị lãnh sự ngoại giao đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO