Ký ức giỗ quê

HƯƠNG THU 10/12/2016 09:57

Thuở nhỏ, một hai hôm liền thấy ba sửa soạn quét dọn bàn thờ gia tiên, là biết nhà chuẩn bị có đám giỗ. Tôi cảm thấy rất đỗi vui mừng, vì sẽ được bữa ăn ngon và còn để dành được ít bánh trái cho những đêm học bài đói bụng cùng nhiều “chiến lợi phẩm” khác.

*
*           *

Trước ngày giỗ, mẹ đã đi chợ mua sắm lễ vật và mọi thứ la-ghim để nấu nướng bày dọn cỗ bàn. Buổi chiều, mẹ lấy chén bát, xoong nồi trong kho ra và đi mượn thêm của nhà hàng xóm rồi rửa sạch để ráo, đặt gọn vào một góc nhà. Ba sai tôi đi quanh xóm mời bà con họ hàng theo danh sách đã ghi sẵn, còn ba đạp xe đi mời họ hàng ở xa. Đến mỗi nhà, tôi vòng tay trước ngực, lễ phép thưa mời như những lời ba đã dặn, vài năm thành quen. Cho nên, mỗi lần, ai đến nhà chơi mà cứ hay vòng tay trước ngực, thì gia chủ thường hay đùa - nhắc “đi mời đám giỗ à?”. Láng giềng cũng hoàn toàn không câu nệ chuyện người chưa trưởng thành như tôi đi mời giỗ, bởi họ đều nhớ nằm lòng những ngày giỗ kỵ trong làng và dường như coi đó là “nghĩa vụ” gia tộc, xóm làng, giờ chỉ là “thủ tục xác nhận lại”. Mọi người nhớ hết các ngày giỗ trong làng là vì năm nào cũng đi ăn giỗ, mà mỗi gia đình thường có vài cái giỗ trong năm, có nhà tới 5 đám giỗ.

Một đám giỗ ở quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một đám giỗ ở quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Sau bữa cơm tối, lần lượt các con cháu dâu trong gia đình tập hợp lại bày soạn, kiểm tra và sơ chế các nguyên liệu dùng cho việc chế biến ngày mai. Chuyện làng trên xóm dưới, việc xưa việc nay trở thành chủ đề rôm rả của mấy bà trong suốt buổi tối. Đến lúc nghe tiếng heo bị chọc tiết, tôi vội vàng bỏ bài tập chạy xuống nhà dưới, có hôm đi ngủ rồi nhưng cũng choàng tỉnh, vụt khỏi giường. Khi tới nơi, thấy heo đã được đặt nằm ra nền gạch gần ảng nước và mọi người đang dội nước sôi rồi cạo lông. Tôi nhanh chóng thu dọn lông heo bỏ vào cái vỏ bao phân bón rồi bước nhanh vào nhà dưới để xem mổ heo. Mỗi lần nhìn xem như vậy, tôi thấy dễ hiểu về môn sinh vật gấp mấy lần so với lời giảng chay của thầy cô. Thật ra, cái tôi chờ đợi nhất chính là cái bong bóng heo - lấy nó phơi cho héo, rồi bơm lên, là được quả bóng rất bền.  Mấy anh em con chú con bác thường tranh nhau cái bong bóng heo này. Thưởng thức xong món cháo lòng nóng hổi, thơm phưng phức sau lễ cúng tiên thường, tôi mới yên tâm lên giường. Chìm vào giấc ngủ với những niềm vui mơ tưởng của ngày mai.

*
*                *

Từ sáng, mấy anh em đi sang nhà hàng xóm mượn bàn ghế, thường là bàn chữ nhật 6 ghế. Ghế thì mỗi đứa vác từng chiếc, bàn thì 3 - 4 đứa cùng khiêng. Khuân vác về rồi bày sắp thành hai dãy dài ở gian bên phải và bên trái của ngôi nhà, mỗi dãy thường 4 bàn như vậy. Không đủ ghế, thường phải lấy mấy tấm ván kê lên hai đầu ghế để “bắc cầu” làm ghế ngồi. Gian giữa kê nối hai bàn song song với hai dãy phải trái, ngoài hiên kê hai bàn cao thấp theo hướng vuông góc với các dãy bàn trong nhà. Bốn bàn này dùng bày dọn lễ cúng. Quan sát hoài thành “kỹ năng”, biết được vị trí đặt bình bông, mâm trái cây theo quy ước “đông bình tây quả” hoặc vật cúng khác như lư hương, chân đèn, bát gạo muối, đĩa trầu cau… Tôi tranh thủ xuống nhà dưới thu nhặt lông gà, cái nào dài lựa riêng để làm kiện đá hay phi tiêu, còn lại bỏ chung vào bao lông heo lúc tối qua. Sau ngày giỗ, đem phơi khô, cất, để dành đến khoảng tháng 9 âm lịch đem ra làm chất dinh dưỡng cho việc trồng cây hoa tết.

Chưa ăn sáng lại làm việc nặng, cho nên cảm nhận được rất rõ mùi vị thức ăn từ nhà dưới phả lên, nhất là mùi thơm thịt heo nướng hoặc sườn hon. Có những lúc trong tiết trời Đông chí, đám giỗ ở nhà bà con cách xa hàng trăm mét, nhưng vẫn ngửi rất rõ mùi thơm món ăn chế biến kiểu này đang lan tỏa khắp lũy tre làng yên ả. Đói, thèm, nhưng cũng kìm lòng. Tiếp tục bưng bê, dọn soạn. Rồi nhanh nhẩu ra đốt giấy hóa vàng. Cúng xong, những người cao tuổi, khách quý như thông sui gia ngồi vào mâm gian giữa và lần lượt bà con đằng ngoại, con gái cháu gái đằng nội ngồi vào mâm hai gian bên dùng trước. Các cháu dâu cũng bê từng mâm thức ăn, đặt trên cái giần, cái sàng, đậy bằng cái nón lá, khệ nệ bưng đi kỉnh cho mấy vị già yếu không đến dự đám giỗ được. Còn chiều hoặc tối, tôi được mẹ giao nhiệm vụ mang mấy đùm bánh trái cho mấy đứa trẻ trong xóm. Những đứa nhỏ đi học buổi chiều được dọn mâm riêng ở nhà dưới để kịp giờ đến lớp. Con cháu nội trai phục vụ chạy bàn và ăn mâm sau. Thường ít nhất hai lượt dọn mâm và ăn uống như vậy. Bao nhiêu thức ăn đều được bày biện cùng lúc, xếp thành mấy tầng. Món ăn chủ yếu là cây nhà lá vườn không chút cầu kỳ mà đặc trưng, như dưa gỏi chuối chát, chuối chát hầm xương heo, đậu tây xào, củ sắn dây xào, canh khoai môn… Món ăn dùng xong mới thấy tính “liên hợp quốc” của chén đĩa, chứ không đồng bộ như nhà hàng bây giờ; thậm chí có vài cái sờn sứt, nhưng ai cũng cảm thấy điều đó là bình thường, chứ không phải gia chủ thiếu tôn trọng khách. Bữa ăn, mọi người cũng chỉ dùng dăm ly rượu trắng, chẳng ai phải mất buổi làm chiều. Lúc mọi người ra về, mẹ cẩn thận gửi từng đùm bánh trái mang về cho người lớn hoặc trẻ con ở nhà, coi như cùng hưởng lộc. Sau đám giỗ, tôi thu nhặt các vỏ hộp bánh bằng thiếc, bằng giấy để làm đồ chơi hoặc làm vật dụng cần thiết, bởi mấy nguyên liệu đó chỉ đến dịp này mới có được.

*
*             *

Hồi trước, mỗi lần có đám giỗ, chủ nhà lo trước cả tháng trời, để ý buồng cau, nải chuối làm lễ cúng; mấy con gà, luống rau, giàn đậu chế biến món ăn; liên hệ con cháu dâu từ trước vài tuần để sắp xếp công việc đồng áng. Giờ đây, mọi chuyện giỗ quảy dường như rất đỗi dễ dàng, bởi đã có dịch vụ. Chuyện đi mời giỗ cũng chẳng cần động chân, chỉ cần ngồi một chỗ và bốc máy “alo”. Bây giờ, mâm cao cỗ đầy, nhưng theo lối nhà hàng, pha lẫn kiểu Tây. Anh em họ hàng tham dự không đông như ngày trước. Anh em ngồi lại uống bia nói chuyện thậm chí đến chiều tối nhưng tôi vẫn cảm thấy nhạt vị chứ không đầm ấm mà vội vàng như chén rượu trắng ngày xưa. Tôi vẫn thèm cái cảm giác được ngồi lại trên cái ghế “bắc cầu” rung rinh từng nhịp để ăn đám giỗ, nhưng có lẽ chỉ là miền ký ức.

HƯƠNG THU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức giỗ quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO