Bỏ hoang ruộng đồng

KHÁNH LINH 18/02/2020 12:53

Hàng chục héc ta đất trồng lúa trên địa bàn thị xã Điện Bàn bị bỏ hoang trong vụ đông xuân này, nguyên nhân do chuột cắn phá và hiệu quả kinh tế thấp.

Nhiều diện tích ruộng của Điện Bàn đã bị bỏ hoang. Ảnh: K.L
Nhiều diện tích ruộng của Điện Bàn đã bị bỏ hoang. Ảnh: K.L

Dân không mặn mà

Bao năm làm ruộng, ông Nguyễn Năm, ở khối phố 7A, phường Điện Nam Trung chưa bao giờ thấy việc trồng cây lúa bấp bênh như lúc này. Lúa gieo xuống không bị chuột phá cũng sâu rầy khiến năng suất ngày càng sụt giảm, có vụ một sào ruộng ông chỉ thu hoạch được 10 ang lúa. “Vụ đông xuân này nhiều nông dân đã bỏ ruộng vì làm không lời trong khi chi phí chăm sóc cao” - ông Năm nói.

Theo ông Năm, hiện nay tiền thuê máy đánh đất đã 170 nghìn đồng; cắt lúa máy bung 170 nghìn đồng; thuốc diệt mầm 40 nghìn đồng/chai; 200 nghìn tiền phân bón; tiền trổ nước, công dặm, bơm thuốc… tính ra mỗi sào lúa chi phí đã hơn 600 nghìn đồng. Với giá một ang lúa hiện nay 30 nghìn đồng, mỗi sào nếu thu hoạch được 40 ang, tiền bán cũng chỉ 1,2 triệu đồng, nhưng trong tình trạng thiếu nước và chuột phá như hiện nay năng suất lúa thấp, số tiền thu lại chắc chắn lỗ nặng, nên người dân bỏ ruộng không làm.

Theo khảo sát của ngành chức năng, vụ đông xuân 2019 - 2020 phường Điện Nam Đông có khoảng 30ha (trong tổng số 194ha) đất lúa bị bỏ hoang, tập trung chủ yếu tại các cánh đồng 7A, 7B…

Ông Thân Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Nam Đông tính toán, trong vụ đông xuân này nếu chuột ít cắn phá thì năng suất lúa cũng chỉ đạt 58 - 60 tạ/ha. Trừ tất cả chi phí, số tiền thu lợi chỉ khoảng 300 nghìn đồng/sào, nên người nông dân không mặn mà.

“Trước đây, phường cũng đã xây dựng đề án cải tạo đồng ruộng theo hướng tận thu khai thác đất hỗ trợ lại hạ tầng, một số hộ dân đã thống nhất nhưng do độ rủi ro cao nên cuối cùng phường không triển khai. Trước mắt chúng tôi sẽ thống kê lại diện tích ruộng bỏ hoang xem đất nào của phường quản lý, đất nào của dân quản lý sau đó sẽ kết nối với Phòng Kinh tế thị xã mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Xã sẽ phải tổ chức họp dân để lấy ý kiến, nếu thống nhất, khoảng 20ha đất lúa của cánh đồng 7A, 7B sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang trồng bắp phục vụ cho nhà máy chế biến xăng sinh học” - ông Phước thông tin.

Lúng túng giải pháp

Khảo sát sơ bộ trên địa bàn thị xã Điện Bàn cho thấy, hầu như địa phương nào cũng có đất ruộng bỏ hoang, nguyên nhân do hiệu quả sản xuất thấp.

Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện An chia sẻ, bên cạnh người dân không mặn mà với làm ruộng thì việc thiếu lao động do người trẻ tuổi đi làm công nhân hoặc thợ hồ khiến ruộng đồng ít được quan tâm hơn. Hiện tại, diện tích đất ruộng bỏ hoang của phường Điện An khoảng 4,5ha.

“Chỉ cần 2 vợ chồng đi phụ hồ 2 ngày số tiền công cũng đủ bằng họ làm ruộng một mùa. Nên bây giờ trồng lúa chẳng qua là làm phụ thêm nên dân thờ ơ cũng có lý của họ. Do đó, trong các cuộc họp chúng tôi luôn lồng ghép động viên người dân cố gắng đừng bỏ ruộng đồng” - ông Sơn nói.

Việc người dân bỏ ruộng đồng không phải là câu chuyện mới mẽ mà đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc này đang ngày càng có xu hướng  lan rộng.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vụ mùa năm nay toàn thị xã có khoảng 60ha (trong tổng số gần 5.500ha) đất lúa bị bỏ hoang, chủ yếu tập trung vùng đông, nhiều nhất là các phường Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, xã Điện Phương… Nguyên nhân do hiệu quả thu hoạch không cao và thiếu người làm do chuyển dịch lao động. Nhằm khắc phục tình trạng trên, thời gian qua phòng cũng đã xây dựng các giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được.

“Mình kêu gọi doanh nghiệp vào tham gia nhưng do đất hoang nằm xen kẽ, không tập trung nên doanh nghiệp khó làm. Thứ hai, doanh nghiệp đầu tư phải đảm bảo khoảng thời gian cho họ vài năm, trong khi tất cả đất đều vướng quy hoạch chưa biết khi nào thực hiện. Phòng cũng đề nghị địa phương thành lập các tổ hợp tác để sản xuất nhưng rất gay vì thiếu nhân công lao động nên thật sự bây giờ rất lúng túng chưa biết hướng nào ra” - ông Chơi phân tích.

Cũng theo ông Chơi, trong quy hoạch phát triển đô thị Điện Bàn, diện tích đất nông nghiệp chắc chắn sẽ giảm. Cụ thể, khi 5 xã Điện Phương, Điện Minh và 3 xã Điện Thắng lên phường, việc xây dựng hạ tầng, phát triển khu dân cư đô thị… sẽ làm mất đi diện tích khá lớn đất nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2030 đất lúa chỉ còn khoảng 4.500ha, chủ yếu tập trung tại 8 xã còn lại của Điện Bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ hoang ruộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO