Chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc

NGUYỄN SỰ 22/12/2020 05:52

Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong tỉnh và xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại một số tỉnh, thành phố, có nguy cơ xâm nhiễm địa bàn Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương khẩn trương phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống.

Ngành chuyên môn cần tích cực hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chữa trị bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò. Ảnh: VĂN SỰ
Ngành chuyên môn cần tích cực hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chữa trị bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò. Ảnh: VĂN SỰ

Nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều qua 21.12, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, sau thời gian tạm lắng, từ ngày 10.7 đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tái bùng phát và mới xuất hiện tại 43 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố gồm Quế Sơn, Thăng Bình, Phước Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Giang, Điện Bàn, Tam Kỳ.

“Tại các địa phương vừa nêu, tổng số heo mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy bắt buộc là 1.341 con với trọng lượng gần 87,3 tấn heo hơi. Đến thời điểm này, toàn tỉnh còn 32 xã có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày” - ông Nam nói. Trong khi đó, hiện nay bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc đang xảy ra tại 10 xã của 4 huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Đông Giang, tổng số gia súc còn theo dõi bệnh là 123 con trâu, bò.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, mặc dù Trung ương đã kịp thời hỗ trợ 25 tấn hóa chất phun tiêu độc khử trùng, đặc biệt là UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các cấp nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng thời gian tới nguy cơ các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiếp tục lây lan trên đàn vật nuôi là rất cao. Đáng lo nhất là các bệnh DTLCP, LMLM trên gia súc và sự xâm nhiễm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò vào địa bàn Quảng Nam.

Ông Nam cho rằng, sở dĩ dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ cao lây lan mạnh ở Quảng Nam là do những tháng cuối năm 2020 tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao. Trong khi đó, chăn nuôi quy mô nông hộ nằm trong các khu dân cư chiếm tỷ lệ lớn, việc áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng để phòng bệnh còn nhiều hạn chế.

“Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong khi khâu quản lý giết mổ ở nhiều nơi chưa được chính quyền địa phương vào cuộc, hiện toàn tỉnh có hơn 550 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trái quy định” - ông Nam nói.

Không chỉ vậy, thời gian qua công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn gia súc tại một số địa phương còn khoán trắng cho nhân viên thú y xã, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp (riêng đối với bệnh LMLM toàn tỉnh chỉ có 57% tổng đàn được chích ngừa vắc xin). Việc chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh ở nhiều nơi còn rất hạn chế, báo cáo chậm hoặc đến khi dịch bệnh lây lan và có gia súc chết mới báo cáo để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa tiến hành kê khai hoạt động chăn nuôi, chưa triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh nên để xảy ra tình trạng tái đàn ào ạt, trái quy định; người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong phòng bệnh dẫn đến dịch lây lan, gây hại dây dưa. Đặc biệt, mưa lạnh kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát tán diện rộng...

Chủ động phòng chống

Nhằm khống chế, dập tắt sự lây lan của vi rút gây bệnh DTLCP, LMLM trên gia súc và chủ động ngăn chặn nguy cơ bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam, UBND tỉnh vừa có Chỉ thị số 21/CT-UBND yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương khẩn trương phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp.

Theo đó, đối với bệnh DTLCP, UBND cấp huyện chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền các xã, phường, thị trấn nhanh chóng rà soát, thống kê toàn bộ đàn heo trên địa bàn, lập danh sách những cơ sở chăn nuôi tái đàn trái quy định. Kiên quyết không hỗ trợ đối với những cơ sở chăn nuôi không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, khai báo trước khi tái đàn heo. Đồng thời hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh môi trường chăn nuôi, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất. Những địa phương có ổ bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để vi rút gây bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan.

Phòng chống bệnh LMLM, các địa phương phải sớm tiến hành rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc diện tiêm phòng; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan. Chính quyền và các ngành phối hợp tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không đúng quy định của pháp luật. Những nơi đang có dịch LMLM cần quản lý chặt chẽ ổ dịch; phải cách ly gia súc mắc bệnh, tăng cường chăm sóc, xử lý vết thương, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi.

Riêng với bệnh viêm da nổi cục, các địa phương cần rà soát, thống kê hộ chăn nuôi trâu, bò; hướng dẫn người dân chủ động giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi bị bệnh và thông tin ngay cho nhân viên thú y xã hoặc UBND cấp xã để báo cáo cơ quan chuyên môn cấp trên kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh. Người dân mua trâu, bò về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ trâu, bò trái quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trâu, bò trái phép nhập vào địa bàn...

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & thú y chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vắc xin, vật tư, dụng cụ, hóa chất... phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò để xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện. Tham mưu thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (khi cần thiết) để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò vào địa bàn tỉnh...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO