Chuyển giao công nghệ trồng dâu nuôi tằm

HOÀNG LIÊN 10/10/2019 10:27

Tại xã Duy Châu (Duy Xuyên), chuỗi sản phẩm trồng dâu nuôi tằm, cung ứng kén nguyên liệu cho các cơ sở ở Lâm Đồng đang triển khai thí điểm. Đây là kết quả từ nỗ lực hợp tác, liên kết 4 nhà: doanh nghiệp - nhà quản lý - nhà khoa học và xã viên HTX.

Tằm giống chuẩn bị giao cho xã viên nuôi. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Tằm giống chuẩn bị giao cho xã viên nuôi. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Giai đoạn 2018 - 2019, tại xã Duy Châu, Công ty CP Tơ tằm Hoàng Mai (Hà Nội) liên kết với một đơn vị chuyển giao công nghệ trồng dâu, nuôi tằm theo hướng công nghệ cao tại Lâm Đồng và UBND xã Duy Châu, HTX Lệ Bắc triển khai trồng 7ha dâu nguyên liệu, phục vụ nuôi tằm, tạo kén để xuất bán đi Lâm Đồng. Ông Mạc Lê Khanh - cán bộ chuyển giao công nghệ đến từ Lâm Đồng chia sẻ, vùng Duy Xuyên từng là “cái nôi” của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nên việc phục hồi vùng dâu tằm, sản xuất kén nguyên liệu không khó. Tuy nhiên, so với sản xuất truyền thống bản địa thì mô hình có chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các giai đoạn, từ việc trồng nguyên liệu cho tới sản phẩm cuối cùng là kén. “Chúng tôi nghiên cứu chọn giống dâu có năng suất cao, chịu hạn, chịu ngập úng cho tới giống tằm chất lượng cao; ứng dụng vỉ né bằng gỗ cho tằm làm tổ kén; sử dụng dụng cụ tống kén, giúp giảm 50% công lao động. Chúng tôi còn can thiệp vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của con tằm và theo dõi, xử lý kịp thời nếu tằm bị bệnh, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại” - ông Khanh nói. Hiện, cán bộ, kỹ thuật viên của Công ty Hoàng Mai đã tiếp thu, làm chủ kỹ thuật và có thể sẵn sàng tập huấn lại cho các xã viên HTX, người dân.

Theo ông Khanh, giống dâu trên thị trường đa dạng nhưng bộ giống đủ dinh dưỡng, phù hợp với thổ nhưỡng, chịu lụt, chịu hạn, có vòng đời khai thác từ 10 năm trở lên là các giống VH15, VH17, VH13 của Viện Giống cây trồng Trung ương, hay SCT7 - siêu cành, siêu lá. Mỗi héc ta dâu cho sản lượng 50 tấn lá mỗi năm (2 triệu đồng/tấn), giúp người trồng thu về khoảng 100 triệu đồng/năm. Trứng tằm được nhập từ nước ngoài để có tính ổn định, độ đồng đều, cho năng suất kén cao vượt trội. Người dân chỉ tham gia một phần ba công đoạn, tức là chỉ nhận giống tằm 3 tuổi từ công ty giao về chăm sóc, cho ăn tới khi con tằm lên né gỗ, tạo kén và thu hoạch kén giao cho công ty. Các tua (mí) tằm cứ tiếp diễn theo trình tự. Nếu như trước đây, người nuôi phải gỡ từng cái kén trên bủa thì nay chỉ cần dùng dụng cụ tống kén bằng 1/4 kích thước vỉ né gỗ (có tới 1.369 lỗ kén) lắp vào vỉ để tống kén ra ngoài. Với 4 lần tống kén, toàn bộ kén trong vỉ thu được chừng 2kg/vỉ, chỉ cần 2 công lao động, trong khi trước kia để thu hoạch 2kg kén, phải mất 7 - 8 công.

Liên kết, mở rộng sản xuất

Theo ông Phan Văn Bàng - Giám đốc Công ty CP Tơ tằm Hoàng Mai (Hà Nội), không chỉ một số HTX ở Duy Xuyên mà còn HTX ở Đại Hồng, Đại Lộc cũng rất tâm huyết cùng với công ty hợp tác liên kết tạo chuỗi sản phẩm. Trước mắt, công ty tập trung ổn định sản xuất, từng bước mở rộng vùng nguyên liệu dự kiến 100ha. Công ty rất mong chính quyền các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ đơn vị về cơ chế đất đai, hỗ trợ các HTX cơ chế vay vốn phát triển sản xuất. Khi có sản phẩm kén mạnh rồi chúng tôi mới tính tới hướng tiếp theo là phục hưng lại vùng tơ lụa xứ Quảng.

Theo ông Nguyễn Quang Tâm - Phó Giám đốc Công ty Hoàng Mai, hiện công ty chỉ mới kiên kết với HTX Lệ Bắc và xã viên trồng 7ha dâu nguyên liệu và đang có hướng mở rộng thêm 8ha trên địa bàn. Công ty đang khảo sát mở rộng thêm 24ha nữa tại xã Duy Châu, thị trấn Nam Phước, Duy Hòa 1, Duy Hòa 2, Duy Tân và Duy Thu. Đơn vị có kế hoạch mở rộng liên kết sản xuất với một số HTX tại Duy Xuyên và Đại Lộc để mở rộng vùng nguyên liệu và vùng sản xuất kén. Kế hoạch công ty phải hình thành được 100ha trồng dâu ven sông Thu Bồn, Vu Gia. “Việc liên kết sản xuất kén để xuất bán chỉ là giai đoạn đầu, còn kế hoạch dài hơi công ty hướng tới là tạo chuỗi sản phẩm trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa trên đất Duy Xuyên, Đại Lộc. Chúng tôi làm bằng tất cả tâm huyết của mình, vừa khôi phục lại vùng trồng dâu, nuôi tằm, vừa góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân và lao động địa phương” - ông Tâm nói. Hiện, công ty đã cấp giống tằm đến người dân 2 đợt, đợt 1 cho 5 hộ; đợt 2 là 14 hộ và thu mua kén theo giá ổn định hơn giá thị trường.

Ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho hay, trên địa bàn hiện có 7ha trồng dâu tạo chuỗi liên kết sản phẩm trồng dâu nuôi tằm giữa Công ty Hoàng Mai với HTX Lệ Bắc, ngoài ra còn 3ha trồng dâu bán lá rải rác trong nhân dân. Về chuỗi sản phẩm, bước đầu mô hình triển khai thí điểm ở phạm vi nhỏ, song tín hiệu rất phấn khởi khi người dân được liên kết cung ứng, bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra, giá thành tốt. Xã sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp và người dân mở rộng thêm một số diện tích trồng dâu phù hợp trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, hiện trên địa bàn có 2 doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng vùng trồng dâu, nuôi tằm, tạo kén nguyên liệu. Trong đó, một đối tác là công ty của Mỹ chuyên về trồng dâu, cung ứng lá dâu giống Mỹ xuất khẩu đang có hướng đầu tư. Còn Công ty CP Tơ lụa Hoàng Mai (Hà Nội) góp phần tạo chuỗi sản phẩm trồng dâu nuôi tằm, tạo kén nguyên liệu để cung ứng đi Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo hướng xây dựng chuỗi liên kết với người dân Duy Châu và dự kiến mở rộng ra vùng tây Duy Xuyên. Bước đầu, mô hình còn nhỏ, đang làm thí điểm. Huyện sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng dâu khi mô hình thí điểm phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển giao công nghệ trồng dâu nuôi tằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO