Cựu chiến binh giỏi trồng nấm

QUẾ LÂM 17/03/2020 15:22

Ông Huỳnh Công Phượng là gương cựu chiến binh (CCB) sản xuất giỏi với mô hình trồng nấm bào ngư xám tại trang trại gia đình ở xã Bình Tú (Thăng Bình), hàng năm cung cấp gần 15 tấn sản phẩm và lãi ròng 200 triệu đồng.

CCB Huỳnh Công Phượng tại trại nấm gia đình. Ảnh: Q.L
CCB Huỳnh Công Phượng tại trại nấm gia đình. Ảnh: Q.L

Từ quốc lộ 1 rẽ xuống đường bê tông khoảng 1 cây số là đến trang trại làm nấm của CCB Huỳnh Công Phượng (tổ 16, thôn 8, xã Bình Tú). Ông Phượng sinh năm 1960, là bộ đội xuất ngũ 1985, hành nghề trồng nấm từ đầu năm 2010 đến nay.

Theo ông Phượng, nấm bào ngư xám là sản phẩm sạch 100%, có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, ít tốn đất sản xuất. Ban đầu, gia đình ông làm ra 30kg nấm/ngày bán gối đầu các chợ Tam Kỳ, Hà Lam. Dần dà, sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, ông tăng quy mô sản xuất. Hiện trại nấm của ông mở rộng gấp đôi mặt bằng (800m2), sử dụng 5 lao động địa phương, xuất chợ đều đặn hơn 1 tấn nấm/tháng. Nấm bào ngư của CCB Phượng có giá ngày thường 40 nghìn đồng/kg, các ngày  rằm, mùng một, tết thì bán cao hơn.

Ông Phượng đúc kết bí quyết nghề trồng nấm gồm 9 bước cơ bản: Một là mùn cưa cao su tươi, trộn cám bắp, cám gạo, ủ  5 - 6 ngày trong nhà. Hai, đem vào lò hấp 100 độ trong vòng 7 giờ, chuyển qua phòng cấy meo (meo giống của Trung tâm Giống khoa học công nghệ Quảng Nam), đưa ủ phôi trong 1,5 tháng. Ba, vệ sinh nơi trồng sạch sẽ, sau đó đưa phôi vào vị trí, để nguyên không tưới (bảo đảm thông thoáng, mát mẻ, tưới nền). Bốn, đợi nấm ra bói lác đác đều một số bịch, rút bông đóng nắp toàn bộ (hoặc bịch đủ 60 - 65 ngày kể từ ngày cấy giống). Năm, từ 7 - 10 ngày mở nắp cho nấm ra, trước khi mở nắp tưới nước lên bịch trước 1 ngày (tưới nhiều và đều như mưa dầm, gọi là tưới sốc nhiệt). Sáu, 4 - 5 ngày thu hoạch nấm, tưới thêm lên nấm sau khi nấm chui ra khỏi cổ bịch. Bảy, thu hoạch nấm và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nếu muốn để qua ngày thì cho nấm vào túi ny lon buộc kín và thổi phồng lên. Tám, vệ sinh bịch sau khi hái nấm càng sớm càng tốt, tránh bị thối gốc, gây mốc. Chín, vệ sinh xong đóng nắp, đóng càng sớm càng tốt tránh bị côn trùng vô phá. Nếu cổ bịch mùn cưa quá ướt nên để cho khô 1 ngày hãy đóng nắp, ngừng tưới 2 ngày.

“Lưu ý, duy trì độ ẩm 70 - 90% trong suốt quá trình mở nắp ra cho nấm. Có thể tưới nền hoặc phun sương, hạn chế nước chảy ngược vào cổ bịch. Tránh gió lùa trực tiếp vô nấm. Các lần tiếp theo chu kỳ sẽ lặp lại từ khâu số 5. Đơn giản 9 bước nhưng người trồng nấm không kiên trì thực hiện đúng quy trình như thế thì nấm sẽ không có màu sáng bóng, to, đều, đạt năng suất cao” - ông Phượng nói.

Không chỉ làm nấm giỏi, ông Phượng còn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau xóa đói giảm nghèo của địa phương. CCB Đỗ Thi (tổ 16, thôn 8) cho biết, con đường bê tông dài 150m, rộng 3m mới khánh thành dịp Tết Canh Tý tổng kinh phí hơn 70 triệu đồng, bà con trong tổ đóng góp 40 triệu đồng, còn lại 30 triệu đồng ông Phượng vui vẻ gánh hết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cựu chiến binh giỏi trồng nấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO